Hòa mình vào biển cả
Trên hải hành của chuyến công tác tại nhà giàn đầu năm 2013, chúng tôi đã 2 lần làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống trên biển để bảo vệ nhà giàn. Ở cụm Phúc Tần và Phúc Nguyên, mặc dù sự kiện xảy ra đã nhiều năm, nhưng việc ra đi của những người lính nhà giàn như mới xảy ra ngay trước mắt. Trong diễn văn, Trưởng đoàn công tác - đại tá Tô Văn Thư - Phó Tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân, nhắc lại: “Cơn bão dữ hơn 20 năm về trước là những dòng lịch sử của nhà giàn mà không một chiến sĩ nào ở đây quên cả”.
|
Cuộc sống của người lính nhà giàn giờ đã có thêm tiện nghi và an toàn hơn. |
Chiều 4.12.1990, chiến sĩ nhà giàn DK1/3 Phúc Tần phải đối mặt với cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông. Dưới sự chỉ huy của trung úy - Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và thượng uý - Chính trị viên Trần Hữu Quảng, các anh đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển và 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng đã động viên đồng đội đoàn kết, bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trong cận kề cái chết, anh đã nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu thẳm.
Năm 1998, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên đã kiên cường chống chọi cơn bão số 8 hung dữ và tàn khốc. Nhà giàn bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội... nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ với tinh thần còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng... Nhưng sức người có hạn, nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sĩ bị hất tung xuống biển và trôi dạt nhiều ngày trên biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình nhưng vẫn không cứu được đại uý, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, chuẩn úy Lê Đức Hồng, chuẩn úy Nguyễn Văn An. Đó là những người con ưu tú của Hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Máu các anh đã hòa vào nước biển. Mộ các anh là những con sóng bạc đầu sừng sững kiên trung giữa biển trời Tổ quốc.
Những khách sạn giữa trùng khơi
Để hạn chế những hy sinh, mất mát của cán bộ chiến sĩ, cho tới nay thế hệ nhà giàn thứ 3 đã được xây dựng và phương án ứng cứu đã thay đổi khi có bão về.
Khám phá nhà giàn DK1-15, nơi mà trung tá Dương Đình Hiền - Phó Tiểu đoàn trưởng DK1 vẫn khoe là “khách sạn giữa trùng khơi”, chúng tôi thấy thật xứng với tên gọi. Dù vẫn không tránh được màn đu dây lên nhà giàn vì biển động nhưng đặt chân lên đến DK1-15, chúng tôi cũng ngợp bởi 3 tầng nhà đồ sộ, cảm nhận được sự an toàn khi sống trên cột mốc thép này…
“Theo kế hoạch, toàn bộ những nhà giàn thế hệ cũ sẽ được sửa chữa nâng cấp để đảm bảo đời sống của bộ đội khi làm nhiệm vụ ở các vùng biển, cũng như khẳng định vị trí của đất nước ta trên vùng biển chủ quyền”.
Đại tá Tô Văn Thư
Dẫn chúng tôi đi tham quan toàn bộ hệ thống, thiếu tá, Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Thương cho biết: “So với những nhà cũ thì DK1-15 rộng gấp 3 lần, chỗ ăn, ở của anh em vô cùng thoải mái, có phòng ngủ, hội trường, nhà ăn, phòng tắm hiện đại và cả phòng tập thể lực”. Nếu trước kia những nhà giàn cũ sóng cấp 9 đã rung lắc, nay gió giật và sóng cấp 11, nhà giàn vẫn ổn, không có rung lắc. Đặc biệt là điện được cung cấp bởi hệ thống pin mặt trời có đủ dự trữ dùng một tháng nên giờ trên nhà giàn cũng có tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện.
Có diện tích rộng nên anh em ở DK1-15 cũng tận dụng tối đa để chăn nuôi và trồng rau xanh. Trước kia thịt tươi phải đợi tàu hậu cần đưa ra thì bộ đội mới được cải thiện, giờ ngay tại nhà giàn, thịt tươi, rau xanh đã dồi dào hơn. Trong năm 2012, đơn vị đã trồng được 662kg rau, nuôi được hơn 100kg thịt lợn, câu 1.300kg cá và làm 112 lít nước mắm. Trung tá Dương Đình Hiền nói: “Đất nước ta kinh tế đang phát triển nên cũng đã lo được tươm tất cho cuộc sống của bộ đội nói chung và nhà giàn nói riêng. Hiện anh em nhà giàn rất yên tâm rèn luyện, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc”.
Nhắc đến những nhà giàn bị đổ, Phó Giáo sư Phạm Văn Nam - Chủ nhiệm Đề tài thiết kế những nhà giàn đầu tiên của hải quân - lần nào cũng ngân ngấn nước mắt. Ông nói: “Lúc đó làm được như vậy là cố gắng hết sức của chúng ta rồi, vì đất nước còn nghèo, thiếu thốn đủ bề. Hiện nay, nhà giàn ở thế hệ thứ 2 và thứ 3 đã vô cùng hiện đại và vững chắc, có thể khẳng định rằng đủ sức vượt được qua bão lớn”.
Gia Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.