Ấn tượng Châu Giang

Chủ nhật, ngày 06/02/2011 07:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi mang sứ mệnh "Đưa nước thánh về với biển cả" như chủ đề của ASIAD 16 vừa rồi, Châu Giang sẽ còn được nhắc trong sự phát triển chung của đất nước Trung Hoa, như đã từng được nhắc nhiều lần trong quá khứ.
Bình luận 0
img
Châu Giang rực rỡ. Ảnh: Nam Hải

Từ con mèo đến Đại Trung Hoa

Ngắm nhìn Quảng Châu và Thâm Quyến, người ta sẽ phải kính phục hơn nữa tư tưởng táo bạo của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: "Mèo trắng, mèo đen miễn là bắt được chuột". Thâm Quyến là nơi thí nghiệm đầu tiên của ý tưởng ấy, là nơi người Trung Hoa mò mẫm đi tìm hình hài của cái gọi là "Kinh tế thị trường định hướng XHCN mang bản sắc Trung Quốc". Và Thâm Quyến cùng Quảng Châu giờ đây đã cho thấy sự đúng đắn của nhà chính trị họ Đặng.

Thâm Quyến lớn mạnh còn kéo theo sự phát triển tuyệt vời của Quảng Châu. Nhờ có Thâm Quyến, Quảng Châu đã có GDP gần 100 tỷ USD và là thành phố có mức thu nhập đầu người cao nhất trong số 659 thành phố của Trung Quốc (11.000USD/năm). Cuộc cách mạng về kinh tế bên dòng Châu Giang đã cho kết quả rực rỡ chỉ sau 30 năm.

Khi mở ti vi tại Việt Nam bây giờ, phim truyền hình Trung Quốc tràn ngập các kênh phát sóng. Nhưng không ai biết, trước năm 1990, cả Trung Quốc hầu như không có được một bộ phim "truyền hình giải trí giá rẻ" như bây giờ. Tất cả các bộ phim vinh danh các trước tác kinh điển "Tây Du ký" - "Hồng Lâu mộng"... ra đời thời kỳ này đều ngốn một nguồn ngân sách khổng lồ mà chỉ có Đài Truyền hình Trung ương mới dám làm.

Thế rồi, bộ phim truyền hình "Tình Châu Giang" được Đài Truyền hình Quảng Châu cho ra đời. Sau thắng lợi về mặt kinh tế và nghệ thuật của bộ phim này, cuộc cách mạng về phim truyền hình Trung Quốc bùng nổ. Bây giờ khi mà nhiều khán giả Trung Quốc, Việt Nam vẫn nhớ lời bài hát "Tình Châu Giang" đẹp như một bài thơ thì Trung Quốc đã kịp biến mình thành cường quốc về phim truyền hình. Châu Giang lại một lần nữa "ban phước lành" cho cuộc cách mạng nghệ thuật của đất nước Trung Hoa.

Năm 1997, "Rồng đổi màu", Hồng Kông nằm cuối dòng Châu Giang về với Trung Quốc. Cũng chính thức từ đây, tư tưởng "Đại Trung Hoa" đã thay thế cho tư tưởng Đại Hán cũ kỹ trước kia. Tầm vóc của Trung Hoa vĩ đại hơn sau quyết định này. Nhưng chỉ những người ven Châu Giang mới biết đến tính đúng đắn của tư tưởng này từ trước khi nhân dân Trung Quốc biết đến nó, qua Châu Giang. Người thể hiện tư tưởng đó chính là võ sư Hoàng Phi Hồng.

Vào thời ấy, cách đây hơn 100 năm, Hoàng Phi Hồng (đệ tử Thiếu Lâm có mối thù không đội trời chung với Mãn Thanh) đã làm một việc mà nếu bị vỡ lở thì uy danh cả cuộc đời ông sẽ đổ xuống sông, xuống biển: Đó là bí mật học võ của võ sư Hồng Đông Hy, một người dân tộc Mãn, trong lúc cả dân tộc Hán đang hừng hực trong làn sóng "Phản Thanh, phục Minh". Đòn Vô ảnh cước tuyệt luân của Hoàng Phi Hồng có được từ sự "phá rào" ấy. Sau này, Hoàng Sư phụ luôn tuyên bố trong các cuộc tỉ thí là mình đại diện cho võ thuật Trung Hoa chứ không phải đại diện cho Nam Thiếu Lâm.

Châu Giang vun đắp cho một Hồng Kông hoa lệ, một Thâm Quyến giàu mạnh và một Quảng Châu vững chắc nhưng sức mạnh của con sông này sẽ tiếp tục phát triển khi nó chảy trên nền tảng của một khối văn hoá vững mạnh ngàn đời.

img
Tập viết thư pháp tại công viên "chữ hiếu" ven bờ Châu Giang. Ảnh: Nam Hải

"Muốn có bậc trung lương phải tìm trong đám người hiếu tử" - nguyên khí quốc gia bắt đầu từ chữ "hiếu" - trên đất nước ngàn đời tôn sùng đạo Khổng, chữ "hiếu" còn được chính quyền lo giúp cho người dân để thêm phần trọn vẹn... Dọc hai bờ Châu Giang có rất nhiều những công viên dành cho người già. Có khu dành cho các cụ viết thư pháp, có nơi khiêu vũ, có nơi rèn luyện thể lực với các thiết bị phù hợp và dành riêng cho người già... Quan trọng là có nơi gặp gỡ hàn huyên, vơi bớt nỗi cô đơn khi tuổi xế tà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem