Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tác giả "Tam Quốc diễn nghĩa" là "cha đẻ" của tên gọi Thủy Hử truyện?
Nhắc đến tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc, nhiều người sẽ thuộc làu 4 tên gọi quen thuộc của các tác phẩm, bao gồm "Hồng Lâu Mộng", "Tây Du ký", "Thủy Hử truyện" và "Tam Quốc diễn nghĩa".
Trong số này, "Tam Quốc diễn nghĩa" và "Tây Du ký" đều có tiêu đề rất dễ hiểu, nội dung và tên sách cũng có nhiều điểm liên quan và bổ trợ cho nhau.
Tên gọi của tác phẩm "Hồng lâu mộng" tuy có chút khó giải thích do đã bị đời sau thay đổi để xuất bản, in ấn, nhưng nếu xét tới tên gọi cũ là "Thạch đầu ký" do đích thân cha đẻ tác phẩm là Tào Tuyết Cần đặt bút thì hậu thế lại có thể hiểu được phần nào.
Bởi "Thạch đầu ký" có thể lý giải là chi tiết liên quan tới thân thể của Giả Bảo Ngọc - cậu ấm nhà họ Giả sinh ra với hòn ngọc ngậm trong miệng được cho là hóa thân của hòn đá có linh tính còn xót lại từ thời Nữ Oa "đội đá vá trời".
Thế nhưng, so với ba tác phẩm nằm trong "tứ đại danh tác", "Thủy Hử truyện" lại là bộ tiểu thuyết sở hữu tên gọi khó hiểu nhất.
Bởi lẽ, xuyên suốt câu chuyện kể về cuộc đời của 108 vị anh hùng Lương Sơn, 2 chữ "Thủy Hử" trong bản nguyên tác bằng tiếng Trung thậm chí chẳng xuất hiện lấy 1 lần.
Cho nên, mặc dù "Thủy Hử truyện" vô cùng nổi tiếng, nhưng ý nghĩa của hai chữ "Thủy Hử" thì lại không hề dễ hiểu.
Những người biên dịch cuốn tiểu thuyết lưu danh kim cổ ấy thành sách ngoại văn cũng bởi vậy mà thường xuyên gặp khó khăn trong việc giải nghĩa và lựa chọn tên nước ngoài cho tác phẩm.
Tên gọi của "Thủy Hử truyện" từng được dịch thành nhiều tiêu đề khác nhau theo tiếng nước ngoài. (Hình minh họa).
Điều này khiến hậu thế không khỏi thắc mắc rằng, tại sao Thi Nại Am không lấy tên tác phẩm để đời của mình là "Thủy Bạc Lương Sơn" hay "Lương Sơn truyện" cho dễ hiểu? Hai chữ "Thủy Hử" trong tên tác phẩm xuất phát từ đâu và có ý nghĩa gì?
Ngày nay, hậu thế vẫn thường truyền tai nhau giai thoại về lần đổi tên duy nhất của "Thủy Hử truyện".
Tương truyền rằng, năm xưa Thi Nại Am vốn định đặt tên tác phẩm của mình là "Khách truyện giang hồ". Nhưng chính bản thân ông cũng cảm thấy cái tên này không diễn tả đủ hàm ý mà ông mong muốn truyền tải.
Đúng lúc đó, học trò của Thi Nại Am là La Quán Trung đã đề nghị với thầy mình rằng:
"Thưa thầy, con cho rằng nên đổi tên thành Thủy Hử truyện".
Thi Nại Am nghe xong liền cảm thấy thích thú với cái tên súc tích nhưng giàu ý nghĩa này, gật đầu và chắp bút viết ba chữ "Thủy Hử truyện" làm tiêu đề.
Cho tới ngày nay, việc La Quán Trung có thực sự là học trò của Thi Nại Am hay không vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhưng giai thoại về việc tác giả của "Tam Quốc diễn nghĩa" là người nghĩ ra cái tên "Thủy Hử truyện" vẫn được hậu thế kể cho nhau nghe trong những lúc trà dư tửu hậu.
"Thủy Hử" - một cái tên, nhiều lớp nghĩa!
Về ý nghĩa của tên gọi "Thủy Hử truyện", người đời sau chủ yếu lý giải theo hai lớp nghĩa sau.
Thứ nhất, hai chữ "Thủy Hử" có nghĩa là "bến nước". Đặt tên là "Thủy Hử truyện" để khắc ghi về nơi các vị anh hùng đã có dịp tương ngộ với nhau rồi mới lên Lương Sơn tụ nghĩa. Cách lý giải đơn giản và sát nghĩa với tên truyện này nhận được sự tán thành của phần đông độc giả.
Tuy nhiên, các chuyên gia về văn học, lịch sử lại cho rằng, cái tên "Thủy Hử truyện" là đại diện tiêu biểu cho thủ pháp văn học quen thuộc của người Trung Quốc tên là "dụng điển".
Theo đó, "dụng điển" là một hình thức trích dùng các câu chuyện cổ hoặc một số câu chữ trong điển tích xưa, từ đó biểu đạt nội dung và tư tưởng có liên quan bằng những mỹ từ phong phú mà súc tích.
Cũng theo lý giải của giới chuyên gia, "Thủy Hử" là hai chữ bắt nguồn từ bài "Miên" (Đại Nhã) thuộc Kinh Thi, kể về cuộc thiên cư lần thứ hai của tộc Chu. Trong đó có câu:
"Cổ Công Đản Phủ, lai hướng tẩu mã, suất tây thủy hử, chí vu kỳ hạ".
Những câu chữ này bắt nguồn từ câu chuyện kể về tổ phụ của dòng họ Chu – tức Cổ Công Đản Phụ hay còn gọi là Chu Thái vương. Tương truyền rằng, Cổ Công Đản Phụ sinh hạ vào lúc nhà Thương đang ở thời kỳ thịnh trị.
Vào thời bấy giờ, bộ tộc Chu đang sống tại đất Mân – một mảnh đất nơi biên thùy cằn cỗi thường xuyên chịu sự quấy phá của các thế lực dũng mãnh phía bên ngoài. Suốt hàng chục năm trời, họ đã phải chịu cảnh thiếu cơm ăn áo mặc, ngày ngày sống trong nguy hiểm.
Chỉ đến khi bộ tộc một vị lãnh tụ kiệt xuất là Chu Thái Vương ra đời, bộ tộc ấy mới lập được kỳ tích. Chu Thái Vương Cổ Công Đản Phụ là cháu đời thứ 16 của Hiên Viên Hoàng đế và là hậu duệ đời thứ 12 của Chu Tổ Hậu Tắc, cũng là một lãnh đạo xuất sắc của bộ tộc Chu.
Dưới sự suất lĩnh của Đản Phụ, bộ tộc Chu đã trải qua nhiều nguy hiểm mới có thể ly khai đất Mân, vượt qua sông Tất, sông Thư, núi Lương để tới định cư tại Kỳ Sơn (nay thuộc thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).
Vùng đất mới này chẳng những có đất đai phì nhiêu mà lại tránh khỏi sự quấy phá của các thế lực ngoại tộc khác.
Cứ như vậy, bộ tộc Chu ở Kỳ Sơn bắt đầu phát triển lớn mạnh, cuối cùng sau này có thể thay thế nhà Thương, lập nên nhà Chu và có nhiều ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử Trung Hoa.
Thực chất, tên gọi của tác phẩm "Thủy Hử truyện" lại bắt nguồn từ một điển cố lâu đời được lưu lại trong Kinh Thi. (Hình minh họa).
Bởi vậy, câu thơ có hai chữ "Thủy Hử" kia là thi ca để người thuộc bộ tộc họ Chu dùng để tưởng niệm và ca tụng công lao của Đản Phụ, mà hai chữ "Thủy Hử" trong đó dùng để chỉ nơi mà Đản Phụ đã dẫn dắt bộ tộc đến an cư, cũng chính là vùng đất mà họ Châu đã hưng thịnh sau này.
Vì vậy, ý hiểu đúng của hai chữ "Thủy Hử" là để chỉ "đường ra", là "nơi an thân", thường dùng để chỉ nơi ổn định cuộc sống trong hoàn cảnh túng quẫn.
Nếu hiểu theo ý nghĩa từ điển cố này, có thể thấy tên gọi "Thủy Hử truyện" không hề khó hiểu mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Bởi dù là Tống Giang, Võ Tòng hay Lâm Xung… thì họ đều vì những nguyên nhân khác nhau mà trở nên "không có đất dung thân" trong xã hội bình thường.
"Đường ra" của những con người ấy đều đã bị chặt đứt, mà lên Lương Sơn tụ nghĩa chính là lối đi duy nhất để họ có thể sống sót, cũng là nơi duy nhất có "đất dung thân" cho những anh hùng, hảo hán sa cơ lỡ bước.
"Đường ra" nào cho các anh hùng Lương Sơn Bạc?
Đọc cuốn tiểu thuyết "Thủy Hử truyện", độc giả không khỏi hy vọng rằng sau khi đã lên núi tụ nghĩa, 108 vị anh hùng ấy lại có thể tìm thấy một "đường ra" mới.
Thế nhưng, trong một bối cảnh xã hội như vậy, liệu số phận của họ có tồn tại một "đường ra" khác hay không? Đó chính là điều mà tác giả Thi Nại Am muốn tìm kiếm.
Cho nên, nửa trước của "Thủy Hử truyện" có nội dung rất dễ hiểu, kể về một nhóm các anh hùng hảo hán không có "đường ra" trong xã hội, bị buộc phải tìm đến Lương Sơn.
Hoàn cảnh của những con người ấy cũng giống như bộ tộc họ Chu của Đản Phụ năm xưa. Mà con đường lên Lương Sơn tụ nghĩa của họ cũng giống như việc Đản Phụ dẫn dắt bộ tộc của mình di chuyển đến một vùng đất an cư lạc nghiệp vậy.
Thế nhưng, kết cục của những con người thuộc bộ tộc họ Chu lại khác hẳn với những anh hùng hảo hán Lương Sơn.
Bởi cuối cùng, bộ tộc Chu lấy nông canh làm chủ đã thay thế dòng tộc họ Thương lấy buôn bán làm chủ (hai chữ "thương nhân" cũng bắt nguồn từ thói quen buôn bán của người bộ tộc Thương), từ đó sáng lập nên vương triều nhà Chu.
Vậy còn kết cục của 108 vị anh hùng Lương Sơn thì sao? Họ có thể dùng lá cờ trượng nghĩa của mình để thay thế cho vương triều Đại Tống đang bị "sâu mọt" tàn phá lúc bấy giờ không?
Đáp án cho câu hỏi ấy chính là sự thực đau lòng mà những người từng đọc, từng xem Thủy Hử không mấy ai muốn nhắc tới.
Dù cho "Thủy Hử" mang ý nghĩa sâu xa là "đường ra", nhưng phải chăng cuộc đời của các anh hùng Lương Sơn Bạc vốn đã định sẵn là không có lối thoát nào khác chăng?
Vì sao ngay cả khi đã tìm thấy "đường ra", tìm thấy "đất an thân", những anh hùng hảo hán ấy vẫn không có được kết cục tốt đẹp? Có lẽ, nguyên nhân nằm ở mâu thuẫn không thể điều hòa giữa lý tưởng trung nghĩa của họ với thực tế xã hội phong kiến đang mục ruỗng từng ngày.
Kỳ thực, cuộc đời của những anh hùng ấy vốn không tồn tại thứ gọi là "đường ra", mà lên Lương Sơn chỉ là một lối thoát tạm thời cho hết thảy những sự hắt hủi xã hội đùn cho họ mà thôi!
Thi Nại Am không để cho Tống Giang cùng các thế lực của mình tạo phản thành công. Bởi bối cảnh phong kiến đương thời không cho phép tác giả làm điều đó.
Vị tác giả họ Thi ấy cũng không để cho những người anh hùng dưới ngòi bút của mình được cùng nhau vui vẻ "thoải thích ba mươi năm" như lời Tiều Cái đã từng nói.
Bởi ai dám chắc rằng, trải qua 30 năm, 50 năm, con cái của những người từng kề vai sát cánh ấy có thể tránh khỏi cảnh tranh giành, đánh phá lẫn nhau?
Tạo phản không có đường, tự nhất thống cũng không được, "đường ra" duy nhất mà Thi Nại Am tạo ra cho các nhân vật của mình chính là chấp thuận chiêu an.
Có người cho rằng, chiêu an sẽ là con đường hợp lý nếu như thủ lĩnh Tống Giang không quyết định quá vội vàng. Bởi khi chờ triều đình thanh trừng được hết đám Cao Cầu, Thái Kinh, Lương Sơn Bạc vào triều tất sẽ được trọng vọng hơn cả.
Thế nhưng, dù cho trên đời này chỉ có một Thái Kinh, một Cao Cầu, nhưng những kẻ được xếp vào "đồng loại" của chúng lại nhiều vô số kể.
Những "con sâu làm rầu nồi canh ấy" thực chất chính là sản phẩm của một xã hội phong kiến đang tồn tại nhiều mối ung nhọt làm tổn hại tới nhân cách con người vào thời bấy giờ.
Thi Nại Am biết rõ điều ấy, nên ông không để Tống Giang có cơ hội triệt hạ Thái Kinh, Cao Cầu, mà lại lựa chọn cho các anh hùng hảo hán con đường "sinh ly tử biệt".
Có lẽ, nếu Lương Sơn chỉ có vẻn vẹn mười mấy con người như những chương đầu của chuyện, "đường ra" dành cho họ sẽ rộng mở hơn nhiều.
Nhưng một khi lá cờ trượng nghĩa đã được giương cao bởi hơn trăm vị hảo hán, thì dù cho họ lựa chọn con đường nào, mỗi bước đi của họ sẽ đều phải đánh đổi bằng xương máu, tính mạng của huynh đệ mình.
Bởi vậy, Tống Giang trên con đường nhậm chức đã từng cất lời hỏi Ngô Dụng mà cũng giống như tự hỏi chính mình:
"Có lẽ ta sai rồi chăng?"
Kỳ thực, kết cục bi thương của câu chuyện này không bắt nguồn từ cái sai của Tống Giang, mà là do bản chất "Thủy Hử truyện" vốn là một tác phẩm bi kịch tả thực về những lý tưởng bị tan vỡ bởi thực tại xã hội đương thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.