Ảnh, clip: Căn nhà gần 10 m2 trên nóc khu vệ sinh ở phố cổ Hà Nội

Ngọc Hải Chủ nhật, ngày 22/09/2019 14:00 PM (GMT+7)
Suốt hơn 40 năm qua, gia đình 2 thế hệ cùng nhau chung sống trong căn nhà chưa đầy 10 m2 trên nóc nhà vệ sinh ngay giữa lòng phố cổ Thủ đô.
Bình luận 0

Video: Gia đình 40 năm sống trong căn nhà chưa đầy 10 m2.

img

Nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ của số 107 phố Hàng Bạc, gia đình ông Nguyễn Phùng Hải (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xâm (70 tuổi) đã hơn 40 năm sống tạm bợ trong một ngôi nhà vỏn vẹn chưa đầy 10 m2, đặt trên nóc một khu vệ sinh tập thể.

img

Căn nhà là nơi sinh sống của 2 thế hệ, bốn nhân khẩu trong hàng chục năm trời.

img

Ông Hải cho biết ban đầu ngõ 107 Hàng Bạc chỉ có một mình gia đình ông sinh sống, dần dần có thêm các hộ khác về ở cùng, diện tích ngày càng chật hẹp. Đến năm 1975 ông Hải quyết định dọn lên nóc nhà vệ sinh công cộng để ở vì nghĩ còn tận dụng được, đến nay đã 42 năm.

img

"Cùng sự giúp đỡ của chính quyền và mọi người xung quanh đã giúp tôi dựng lên căn nhà này để sinh sống, mọi vật liệu gia cố cho căn nhà đều là do phường xây dựng giúp gia đình để có nơi che mưa nắng", ông Hải chia sẻ.

img

Bà Nguyễn Thị Xâm về làm vợ ông Hải tính đến nay đã là hơn 30 năm, nói về cảm giác khi về sống cùng với ông Hải trong căn nhà vỏn vẹn chưa đầy 10 m2, bà Xâm cho biết: “Lần đầu về thăm nhà tôi cũng có chút hụt hẫng và thất vọng nhưng rồi phải tự nhủ và phải chấp nhận vì đã chọn cưới và sống cùng nhau".

img

Bà Xâm quê gốc ở La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), suốt hàng chục năm sinh sống cùng ông Hải, tài sản quý giá nhất của bà là 2 người con. Người con trai cả sinh năm 1989 và con gái sinh năm 1993, hiện nay người con trai cả đã lấy vợ và chuyển ra ngoài sinh sống. 

img

Căn nhà chỉ đủ để kê 1 chiếc giường, trước đây khi chưa lấy vợ, anh con trai cả cùng ông Hải trải chiếu ngủ dưới đất, em gái và bà Xâm ngủ trên giường. Do nằm trên nóc của nhà vệ sinh, cho nên gia đình nhà ông Hải “hưởng” đủ mùi xú uế, nhất là mỗi khi nắng nóng, mùi bốc lên xộc vào mũi đến nhức hết cả đầu óc, chuột bọ sục sạo cả đêm.

img

Trước đây để kiếm tiền trang trải cuộc sống, ông Hải làm nghề bơm vá săm xe ở bờ hồ, bà Xâm thì bán bún riêu ở ngoài chợ. Thu nhập hàng ngày của hai vợ chồng già cũng đủ để chi trả những chi phí sinh hoạt trong gia đình.

img

Bước vào ngôi nhà trên nóc nhà vệ sinh này, cảm giác đầu tiên rất chênh vênh. Bức vách mỏng tang, tăm tối và xập xệ, những vệt sơn tường loang lổ. Rộng chưa đến 10 m2, từ cửa cho đến bên trong căn nhà, đâu đâu cũng chất đầy các đồ đạc từ bát đĩa cho đến quần áo, quạt điện.

img

"Tuy gia đình có cuộc sống khó khăn, tạm bợ không đầy đủ, nhưng vợ chồng chúng tôi luôn quan niệm phải sống lạc quan, cố gắng hết mình và luôn khuyên nhủ con cái phải cố gắng học tập, làm ăn để thoát kiếp nghèo khổ", bà Xâm nghẹn lời.

img

"Mùa hè nóng lắm, các bức tôn hút nhiệt vào nóng ran, ban ngày gia đình tôi không thể ở trong nhà phải ra ngoài đường ngồi cho mát, đêm đêm dịu mát mới vào ngủ được. Còn mùa lạnh, mùa mưa thì cũng khổ, mưa rầm rầm như pháo bắn, phải chuẩn bị đầy đủ xô, chậu, chổi để tát nước dột từ trên mái tôn xuống", ông Hải bộc bạch.

img

Hễ cứ mưa xuống là mọi người trong gia đình bà Xâm, ông Hải lại hớt hải chuẩn bị xô chậu, chổi để quét nước ra ngoài.

img

 Phía trước nhà là bức tường được ghép từ vài tấm tôn đã gỉ sét cùng một vài tấm phông bạt che cho đỡ nắng mưa. Hai bên là hai bức tường gạch xây cũ mèm với những vết sơn loang lổ… mà thực chất là bức tường của nhà hàng xóm được ông Hải tận dụng làm tường nhà mình. Mái nhà được lợp bằng tôn, nên vào những ngày hè thì oi bức, những ngày mưa thì nằm giật mình thon thót vì tiếng mưa rơi lộp bộp, rồi thì cũng chẳng tránh được dột nước, ẩm mốc.

img

Đôi vợ chồng già dù nghèo khó nhưng vẫn luôn tâm niệm cuộc sống phải vui vẻ lạc quan, điều khiến ông bà tự hào nhất là các con khôn lớn trưởng thành có công ăn việc làm ổn định và có thể tự lo cho bản thân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem