Thong thả bày đồ ra mâm cúng lễ, chị Hoa (Hàng Mã, Hà Nội) chia sẻ với PV Dân Việt: “Theo tôi làm lễ sớm hay muộn không quan trọng, quan trọng là mình thành tâm. Năm nào cũng đúng rằm thì tôi làm lễ, không việc gì phải vội cả”.
Năm nào cũng vậy, mỗi khi đến dịp rằm tháng 7, đi qua phố cổ Hà Nội dễ dàng nhận ra thoang thoảng mùi hương khói, vàng mã do người dân sinh sống tại đây làm lễ cúng rằm, cúng lễ Vu Lan và lễ xá tội vong nhân.
Bên cạnh nhiều hộ dân đã cúng lễ từ những ngày trước, không ít người lại đợi đến đúng hôm nay (25.8, tức rằm tháng 7 âm lịch) mới làm lễ, hóa vàng.
Không như mâm cúng lễ Vu Lan được bày kín đáo trong tư gia, những mâm cúng cô hồn được người dân bày la liệt ngay trước cửa nhà.
Theo quan niệm, các đồ trong mâm cúng cô hồn thường là vàng mã và các món chay như cơm, cháo, trái cây, bánh kẹo…, tuyệt đối không bày đồ mặn để tránh khơi dậy lòng tham ở các vong hồn.
Sau một hồi lâu gõ mõ tụng kinh, cúng thí thực, chị Lan (trú tại Hàng Lược, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều nhà khác đã cúng bái trước mấy ngày rồi nhưng nhà tôi cứ phải 15 âm lịch mới làm. Tôi làm theo đúng nghi thức cúng thí thực Làng Mai. Đây là nghi thức tôi cho là chuẩn nhất, bài kinh nói hợp đạo lý và ít mê tín”.
Cúng lễ xong, người dân phố cổ thường hóa vàng ngay trên phần vỉa hè trước cửa.
Không như những năm trước, thời gian gần đây hầu như mọi người chỉ đốt một ít tiền giấy nhỏ để đỡ gây khói bụi, ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, vẫn có không ít người cầu kỳ đốt cả áo quan, mũ nón và nhiều loại vàng mã cỡ lớn khác vì cho rằng đốt càng nhiều vàng mã thì càng thành tâm, càng thiêng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.