Nhiều giáo viên tại xứ sương mù đang bắt buộc phải làm công việc thứ hai, ví như lái xe taxi, làm việc trong quán bar, đi dọn dẹp, dạy thêm, để trang trải chi phí cuộc sống.
Hiệp hội giáo viên của Anh đã phát hiện ra rằng, cứ 10 giáo viên thì có một người hiện đang phải làm thêm công việc thứ hai hoặc thậm chí công việc thứ ba vì tiền lương đi dạy học của họ không đủ trang trải sinh hoạt phí hàng tháng.
Với việc các giáo viên phải đến ngân hàng thực phẩm (tổ chức phi lợi nhuận, từ thiện chuyên phân phối thực phẩm cho những người gặp khó khăn), những người đứng đầu ngành giáo dục cảnh báo rằng, dù gần đây lương giáo viên đã tăng 5% nhưng nhiều người vẫn không thể xoay sở được chi phí sinh hoạt cơ bản.
Garry Ratcliffe, Giám đốc điều hành của Galaxy Trust, tổ chức phụ trách 9 trường học ở Kent, Anh, cho biết: "Tại một trong những trường học của tôi, có giáo viên phải đi khiêu vũ vào cuối tuần tại nhà hàng Hy Lạp, có giáo viên làm công việc đồng áng và một người làm ca trong quán bar".
Ratcliffe khẳng định, các giáo viên không làm công việc thứ hai chỉ để "cho vui" mà là để có tiền ăn uống. Ông nói thêm rằng ngôi trường này đang tổ chức một ngân hàng thực phẩm cho các gia đình học sinh, nhưng cũng đã cung cấp một tủ đựng thức ăn miễn phí khẩn cấp trong phòng dành cho giáo viên.
"Đó là nơi dành cho những nhân viên có nhu cầu lấy thức ăn. Cái tủ đó phải được lấp đầy lại mỗi ngày", Ratcliffe nói.
Ratcliffe gần đây đã tiến hành một cuộc khảo sát về phúc lợi của nhân viên tại tất cả các trường học của họ. Qua khảo sát, ông nhận thấy, việc giáo viên không có khả năng kiểm soát chi phí sinh hoạt đang bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và niềm vui của họ tại nơi làm việc.
Ông Garry Ratcliffe nói: "Giáo viên đang lo lắng về tiền bạc, họ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào phương tiện giao thông công cộng vì một số người không đủ tiền để chạy ô tô của riêng họ. Công việc này chỉ là làm để tồn tại chứ không phải là việc làm để giàu có".
Patrick Roach, Tổng thư ký của Hiệp hội giáo viên Anh, cho biết, mặc dù phải đối mặt với "khối lượng công việc chưa từng có", nhiều giáo viên vẫn phải làm thêm các công việc bên ngoài trường học, bao gồm cả đi giao hàng.
Ông Patrick nói: "Các nhân viên của chúng tôi nói rằng họ đang kiệt sức vì làm việc vất vả hơn nhưng ít tiền hơn. Nhiều người hầu như không đủ sống và đang cân nhắc xem họ có thể tiếp tục giảng dạy bao lâu nữa".
Một cuộc khảo sát về sức khỏe của giáo viên, do một tổ chức từ thiện hỗ trợ giáo dục ở Anh công bố cách đây ít ngày cho thấy, hơn một nửa số người làm việc trong lĩnh vực giáo dục đang muốn nghỉ việc.
Sinéad Mc Brearty, Giám đốc điều hành của một tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần, cho biết, tổ chức của cô đã phải tăng gấp đôi số tiền trợ cấp khó khăn mà họ dành cho giáo viên trong năm nay. "Bây giờ lý do lớn nhất để hỗ trợ giáo viên là giúp họ mua thực phẩm. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ họ thanh toán tiền thuê nhà hoặc thanh toán các hóa đơn".
Oliver Taylor, một giáo viên vật lý tại một trường học ở phía nam London, Anh, đang làm thêm nghề sửa ô tô và dạy kèm cho học sinh tại nhà để trang trải cuộc sống.
Oliver Taylor nói: "Mức lương của tôi khiến tôi cảm thấy mình hoàn toàn bị đánh giá thấp. Trong khi tôi là một giáo viên thực sự có khả năng nhưng tôi không kiếm đủ tiền để thanh toán sinh hoạt phí".
Taylor sống một mình và anh cho biết, tiền thuê nhà chiếm một nửa số tiền lương hàng tháng của anh. Vì thế thầy giáo này đã phải tăng cường làm các công việc bên ngoài trường học để có thêm tiền sinh hoạt.
Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho biết chính phủ đã tăng lương cho giáo viên bao gồm tăng lương 8,9% cho giáo viên mới. Người này nói thêm: "Chúng tôi hiểu những áp lực mà nhiều giáo viên, giống như phần còn lại của xã hội, đang phải đối mặt vào lúc này do thách thức của lạm phát tăng cao".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.