Cách đây không lâu, trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) phân tích và chỉ ra rằng người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ hai trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).
Khắp nơi trong thành phố bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc, những tòa nhà cao tầng cũng trở nên mờ ảo khi nhìn từ xa. Hà Nội có 82 ngày nồng độ bụi PM2.5 trung bình 63,2 µg/m3 vượt chuẩn thế giới và lớn hơn TP Hồ Chí Minh rất nhiều, điều này làm ảnh hưởng lớn tới chỉ số chất lượng không khí AQI - luôn ở mức cao. Kết quả này dựa trên dữ liệu thu thập tại trạm quan trắc chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Chỉ số chất lượng không khí AQI đo được sáng nay (29.11) "có hại cho sức khỏe".
Sự gia tăng số lượng người sử dụng xe máy, ôtô và xuất hiện ngày càng nhiều các công trình xây dựng, cộng thêm công nghiệp và sản xuất năng lượng là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Khung cảnh thành phố hiện lên mờ đục khi nhìn từ một bên bờ hồ Tây.
Trước tình trạng này, nhiều người lựa chọn giải pháp đeo khẩu trang y tế mỗi khi phải ra đường. Bụi PM 2.5 là tác nhân ô nhiễm ảnh hưởng nhất đối với sức khỏe do có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, di chuyển trong phổi. Ảnh hưởng đến sức khỏe của nó sẽ tùy theo thành phần, tính chất (hữu cơ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng...) của bụi mịn (nhiễm độc, ung thư, hen...).
Do ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết nên vào mùa đông, mức độ ô nhiễm không khí do bụi ở Hà Nội thường đạt cao nhất trong năm. Mùa hè do có mưa nhiều nên thấp hơn.
Dù sáng sớm hay thậm chí giữa buổi trưa, có nắng to, đường phố vẫn rất mù mịt.
11h trưa, cầu Nhật Tân vẫn chìm trong màn sương.
Trên cầu, đi một đoạn lại bắt gặp cảnh nhân viên vệ sinh đang quét những lớp bụi dày.
Từ trên cầu nhìn xuống sông Hồng có cảm giác những chiếc tàu thủy, xà lan bơi ra từ màn sương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.