Hồ Hoàn Kiếm được nạo vét và hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018. Ảnh: Đăng Dũng
Sáng 28.11, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa được UBND TP chấp thuận việc nạo vét Hồ Hoàn Kiếm bằng phương pháp thủ công.
Theo khảo sát của Công ty, hệ sinh thái thủy vực Hồ Gươm bao gồm thực vật nổi, động vật nổi, thực vật thủy sinh, vi sinh vật, động vật không xương sống, cá. Mật độ vi khuẩn nhóm Coliform, E. Coli rất cao. Hồ có 59 loài vi tảo, chiếm ưu thế là vi khuẩn lam với 23 loài.
Để không ảnh hưởng đến hệ sinh thái trên, đơn vị thi công sẽ phân 3 vùng (với khoảng 32.500m2 mỗi vùng) và triển khai nạo vét trong thời gian dài, giúp ổn định lại đường bờ và hệ sinh thái được thích nghi dần với sự thay đổi cấu trúc đáy hồ.
Tất cả các hoạt động nạo vét chỉ được diễn ra trong ranh giới vùng thi công.Hệ thủy sinh sẽ được dùng lướt dồn vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công.
Lưới để dồn hệ thủy sinh bao gồm lưới quây và lưới kéo kích thước mắt lưới 4x4mm, chiều cao 2,5m; phía trên có giềng phao, phía dưới có giềng chì và lưới thoát bùn cao 30 cm.
Huy động gần 100 phương tiện, thiết bị
Quá trình thi công, các đơn vị sẽ sử dụng máy xúc đứng trên phà nhỏ xúc bùn lên phễu chứa của xe bơm bùn công suất 80m3/h; ống dẫn bùn nằm trên các phương tiện nổi để dẫn vào bờ. Các công nhân sẽ bơm bùn từ xe bơm lên xe téc và vận chuyển đi đổ.
Đơn vị thi công huy động gần 100 phương tiện như máy gầu xúc, phà nhỏ, xe bơm, xe téc, thùng phuy, xe chở rác, thuyền thu gom..., và cả trăm công nhân.
Theo kế hoạch, tổng khối lượng nạo vét ở hồ Gươm là 57.400m3, mỗi ngày khoảng trên 800m3 bùn đất, diện tích khu vực nạo vét bùn là 9,7ha.
Việc thi công nạo vét sẽ được thực hiện từ 1.12 đến 7.2.2018; từ 21h đến 5h sáng mỗi ngày (thứ Hai đến thứ Năm) và từ 24h đến 5h sáng hôm sau (thứ Sáu đến Chủ nhật).
Theo kế hoạch, số bùn thải sẽ được di chuyển 13km về khu vực đổ phế thải ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì.
Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện dự án nạo vét Hồ Gươm là 29 tỷ đồng, bằng nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách thành phố.
Công binh tìm vật liệu nổ trước khi nạo vét. Video: Huy Mạnh
Bổ cập nước giếng khoan cho Hồ
Sau khi nạo vét khoảng 3-4 tháng, Công ty Thoát nước sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước để có phương án xử lý, duy trì chất lượng nước Hồ bằng chế phẩm Redoxy – 3C.
Công ty cũng dự kiến dùng nước giếng khoan để cấp cho Hồ Hoàn Kiếm. Theo đại diện Công ty, nguồn nước ngầm quanh Hồ rất tốt, hàm lượng sắt thấp nên có thể bổ cập nước Hồ.
Trước đó, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, Hồ Hoàn Kiếm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng; cá và động thực vật chưa được bảo vệ đúng mức khiến chất hữu cơ vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm.
Ngoài ra, lớp đất sét đáy hồ rất dày nên trong hồ không có quan hệ thủy lực với các tầng chứa nước ngầm và sông Hồng. Hơn nữa, lớp bùn lắng ngày càng dày, chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, gây ảnh hưởng môi trường sống của sinh vật.
Mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng oxy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau, ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động thực vậy trong hồ. Nước trong hồ có màu xanh lục, mật độ tảo lớn, chất lượng nước hồ ngày càng suy giảm, cặn lơ lửng trong hồ cao.
Với việc nạo vét Hồ Gươm quy mô lớn lần này, Hà Nội kỳ vọng các thông số về nguồn nước sẽ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường.
Về cảm quan môi trường nước trong hồ không có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh; một số nhóm chính thuộc hệ sinh thái thủy sinh như tảo, động vật phù du phát triển bình thường.
Trước khi thi công nạo vét, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phối hợp với Tiểu đoàn 554 – Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ để dò tìm, xử lý hết các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên mặt bằng hồ.
|
Bá Đô (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.