Anh hùng Phạm Tuân: Từ nam sinh lớp 10 trượt phi công đến bắn rơi máy bay B-52, bay vào vũ trụ

Tào Nga Thứ bảy, ngày 07/05/2022 19:38 PM (GMT+7)
Trung tướng Phạm Tuân cho hay, cơ thể chúng ta có thể có khiếm khuyết nhưng chỉ cần rèn luyện, chúng ta có thể vượt qua khó khăn để trở thành phi công.
Bình luận 0

Đêm ngày 27/12/1972, tại vùng trời phía tây Hà Nội, anh hùng Phạm Tuân lái máy bay MiG-21 bắn hạ máy bay B-52, trở về hạ cánh an toàn. Năm 1980, ông cùng với phi công Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô, trở thành người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay vào vũ trụ. Ông là phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động, được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lênin, tuyên dương danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Ngày 7/5/2022, sau gần 50 năm bắn rơi máy bay B-52, anh hùng Phạm Tuân được sống lại thời tuổi trẻ và kể cho lớp con cháu nghe về những thời khắc lịch sử ấy. Chia sẻ trong buổi sinh hoạt chuyên đề "Theo dòng lịch sử Việt Nam" tổ chức tại Hệ thống trường IVS, Hà Nội, anh hùng Phạm Tuân bày tỏ: "Tôi rất vui và hồi hộp đứng trước các em học sinh ngày hôm nay. Cuộc gặp gỡ trong không khí tháng 5 đầy tự hào và vui vẻ của đất nước".

Anh hùng Phạm Tuân: Từ nam sinh lớp trượt phi công đến bắn rơi máy bay B-52, bay vào vũ trụ - Ảnh 1.

Anh hùng Phạm Tuân trong buổi trò chuyện. Ảnh: Phạm Hưng

Trượt phi công đến bắn rơi máy bay B-52

Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ: "Năm nay tôi đã 75 tuổi rồi. Thời học sinh của tôi không được như bây giờ. Cả tỉnh có 1 trường cấp 2, 3 và tôi phải đi bộ 15-20 cây số để đến trường. Năm 1965, tôi bắt đầu nhập ngũ. Bây giờ mọi người nghĩ, là phi công khi bay vào vũ trụ chắc khỏe lắm, nhưng năm lớp 10 tôi không trúng tuyển làm phi công vì cân nặng không đủ, rối loạn nhịp tim, bệnh mắt hột. Tôi được tuyển đi học thợ máy chuyên sửa chữa radar trên máy bay ở Liên Xô. 

Trong thời gian này, nhiều phi công đào tạo ở đây không bay được nên các bác sĩ tuyển thêm kỹ thuật sang làm phi công. Cuối năm 1965, sau thời gian học tập ở đây được nuôi dưỡng và thể dục tốt, tôi đã trúng tuyển và bắt đầu học bay. Trước đó, tôi không biết gì về máy bay hay hàng không, không quân là gì. Chỉ biết làm phi công bay lượn trên bầu trời rất thích. Như vậy để nói rằng, cơ thể chúng ta có thể có khiếm khuyết nhưng chỉ cần rèn luyện, chúng ta có thể vượt qua khó khăn để trở thành phi công".

Để trở thành phi công, theo anh hùng Phạm Tuân, phải có sức khỏe và trải qua giai đoạn luyện tập gian nan, vất vả. Có những lúc lực ly tâm đè vào người gấp 10 lần trọng lực cơ thể. Lúc bay lên, máu sẽ dồn xuống chân khiến mắt nhìn thấy toàn màu vàng, thậm chí không nhìn thấy gì. Thế nhưng luyện tập sức khỏe cơ bắp là một phần, sức khỏe tinh thần, tâm lý, tiền đình của phi công mới quan trọng. Lên bầu trời có khi bay 5-7 vòng, có khi chúi đầu xuống, bay thẳng lên nhưng lúc nào phi công cũng phải tỉnh táo để biết đâu là đất, là trời, đâu là bên phải, bên trái, đâu là địch, là ta. 

Đặc biệt, với phi công không được sai sót dù 0,1 giây. Ở dưới đất ô tô chạy 60-120km/h nhưng máy bay Mỹ có thể bay 2.250km/h. Sai sót trong tích tắc cũng đủ bị bắn rơi. Hay khi máy bay đâm thẳng xuống sẽ đạt vận tốc 400m/giây, nếu phi công không kéo kịp sẽ cắm xuống đất. 

Anh hùng Phạm Tuân: Từ nam sinh lớp 10 trượt phi công đến bắn rơi máy bay B-52, bay vào vũ trụ - Ảnh 2.

Dù bị trượt do sức khỏe không đạt nhưng anh hùng Phạm Tuân đã nỗ lực luyện tập để trở thành phi công. Ảnh: Phạm Hưng

"Mọi người hỏi rằng, có phải phi công bay lên trời coi cái chết nhẹ như lông hồng không? Trong chiến đấu thực sự rất căng thẳng, được hạ cánh an toàn là mừng lắm rồi. Dù căng thẳng nhưng vào trận phi công không được nhụt chí. Trong đầu luôn nghĩ mình phải chiến thắng và bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm để tìm cách đánh thắng", anh hùng Phạm Tuân chia sẻ. 

Phi công Phạm Tuân kể lại thời khắc lịch sử bắn rơi máy bay B-52. Máy bay B-52 có chiều ngang 56m, chiều dài sải cánh 60m, trọng lượng 200 tấn và có thể chở 30 tấn bom. Nếu đi 3 chiếc thì mấy cây số vuông cũng bị san bằng. Điểm nguy hiểm là B-52 chỉ bay vào ban đêm để phi công ta không nhìn thấy và trên máy bay có tới 20 thiết bị gây nhiễu sóng. Ngoài ra, còn có hàng chục chiếc máy bay khác yểm hộ. Thế nhưng, không chỉ có Mỹ mà cả thế giới đều không hiểu vì sao Mỹ mang sang 200 máy bay sang Việt Nam nhưng bị bắn rơi tới 81 chiếc, trong đó có 34 máy bay B-52.

"Trước đó, tôi được lệnh cất cánh qua Hòa Lạc, Ninh Bình thì gặp máy bay địch ở Hòa Bình. Vòng mấy vòng không bắn được, máy bay tôi hết dầu nên phải quay về sân bay Nội Bài. Trong điều kiện đèn không có, đường băng bị đánh bom, máy bay của tôi hạ cánh vào hố bom lật ngửa trên đường băng với tốc độ 280km/h. Tôi đập cửa buồng lái chui ra. 

Ngày 27/12, tôi được lệnh cất cánh bay ở sân bay Yên Bái, ra Sơn La, Hòa Bình. Tôi gặp B52 ở vùng Sơn La. Tôi phóng 2 quả tên lửa, một chiếc B-52 cháy bùng. Tôi quay về hạ cánh, đó là chiến công đầu tiên. Phải nói đây là trận chiến tuyệt vời. Chúng ta chiến thắng nhờ Đảng và Bác Hồ nhìn nhận đầy đủ và chính xác rằng chỉ khi chúng ta thắng ở Hà Nội thì Mỹ mới thua. Bác dặn, dù là B-52 hay gì đi chăng nữa cũng phải giành chiến thắng. Chính tài dự đoán này nên lực lượng chúng ta chuẩn bị từ sớm", anh hùng Phạm Tuân kể lại.

Chuyến bay lịch sử vào vũ trụ

Chia sẻ về chuyến bay vào vũ trụ đi vào lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn cả Châu Á, anh hùng Phạm Tuân nhớ lại từng khoảnh khắc. "Lúc đầu tôi không được tuyển. Năm 1979, Liên xô sang Việt Nam chọn 4 phi công tốt nhất để chọn 2 phi công bay vào vũ trụ. Khi đó ở Việt Nam chỉ chọn được 3, thiếu 1. Tôi được ghép vào cho đủ 4 người và mặc định tôi sẽ bị loại. Nhưng suốt nửa tháng, tất cả các bài kiểm tra tôi vượt qua. Bác sĩ kết luận, tôi đứng vị trí số 1, tốt nhất trong nhóm 4 phi công. Điều đó có nghĩa, không phải khởi đầu không tốt sẽ không tốt mãi mãi, chúng ta chỉ cần rèn luyện sẽ được kết quả cao.

Anh hùng Phạm Tuân: Từ nam sinh lớp 10 trượt phi công đến bắn rơi máy bay B-52, bay vào vũ trụ - Ảnh 3.

Hai phi công bay vào vũ trụ năm 1980. Ảnh: NVCC

Nếu phi công lái máy bay bình thường sẽ có 70-80 chuyến bay luyện tập, có thầy giáo ngồi phía sau. Tuy nhiên, bay vào vũ trụ thì học là bay chứ không được thử. Vì vậy, phi công phải học tập, rèn luyện công phu, không có sai sót. 

Tôi được vào học từ tháng 3/1979, đến tháng 7/1980. Mới học 1 năm 4 tháng, Liên Xô ưu tiên cho tôi bay trước, thay vì 3 năm như các nước khác. Các nước khác thắc mắc nhưng Liên Xô trả lời, riêng Việt Nam được ưu tiên vì đã bay chiến đấu nên được bay thẳng vào vũ trụ. Nhưng cũng phải nói chúng ta đã rèn luyện tốt nên được đánh giá tốt.

Nếu như lái máy bay chiến đấu máu dồn xuống chân thì bay vào vũ trụ lại dồn lên đầu, mặt phình to lên. Tàu bay lơ lửng, phi công bơi trong đó bị nôn, chóng mặt, không ăn được, rối loạn tiền đình phải mất 3,4 ngày. Chúng tôi phải luyện tập chúc đầu xuống đất 30 phút để quen tình trạng máu dồn lên đầu. 

Đêm ngủ không được gối đầu mà phải kê chân giường cao 30 độ, đầu chúc xuống đất, chân giơ lên trời. Có những bài tập cho mình mặc quần áo thả vào bể tắm đổ thạch cao, tập từ sáng đến tối 8 tiếng bó chân tay như vậy, chưa kể chuyện quay lộn rất nhiều. Chịu đựng tâm lý, tinh thần rất khó khi bay vũ trụ.

Chuyến bay của tôi là chuyến bay quỹ đạo gần trái đất. Tên lửa cao 40m, chúng tôi nằm trong đó 4 tiếng và chờ thời điểm phóng lên. Nhiều người hỏi cảm xúc thế nào, thực tế chúng tôi không có cảm xúc vì đài hỏi liên tục về kỹ thuật, khí đốt, độ rung... Tôi không có thời gian để nghĩ mình sống quay về hay không. 10 phút trước khi phóng, tôi được đọc bài phát biểu gửi về Việt Nam. Lúc đếm ngược 5 giây, tôi nghe "4, 3, 2, 1, phóng", tôi nghe tiếng nổ rầm rồi người bị đè chặt xuống ghế. Tên lửa phóng lên. Tôi cầm ống nói trả lời liên tục suốt 9 phút bay lên. Khi con tàu rời tên lửa, thầy trò chúng tôi đang nằm ở ghế bị tung lên bay lơ lửng. Lúc đó tôi nghe thấy tiếng "Chúc mừng các phi công đã bay vào vũ trụ". 

Chuyến bay dài gần 8 ngày. Tôi mang bèo hoa dâu quê hương lên vũ trụ. Trong mỗi chuyến bay, phi công mang nhiều sinh vật để thử nghiệm trong vũ trụ sống thế nào. Tôi mang bèo hoa dâu vẫn sống nhưng thí nghiệm đó không thể 1 lần có thể kết luận được. 

Khi tôi quay vòng thứ 18-19, kéo con tàu lên để kết nối với trạm Hòa bình. Tàu nghiêng 90 độ bị dừng lại nên phải báo lại trái đất. Lúc đó tâm trạng lo lắng nghĩ mình không hoàn thành nhiệm vụ, có thể nguy hiểm khi tàu hạ cánh khi động cơ không tốt. Sau đó chúng tôi được hướng dẫn xử lý con tàu đã bình thường trở lại, hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Về sinh hoạt trên vũ trụ, chúng tôi phải ăn đồ làm sẵn mang lên. Còn nước thì mang theo 1 lít, còn 1 lít nước lấy lại từ mồ hôi, độ ẩm rồi xử lý dùng lại.

Anh hùng Phạm Tuân: Từ nam sinh lớp 10 trượt phi công đến bắn rơi máy bay B-52, bay vào vũ trụ - Ảnh 3.

Học sinh Hệ thống trường IVS lắng nghe chia sẻ. Ảnh: Phạm Hưng

Con tàu bay quanh trái đất trong 24 tiếng được 17 lần. Ngày đêm trong vũ trụ là 90 phút: 30 phút ban đêm, 60 phút ngày. Chúng tôi làm việc theo giờ chứ không phải theo ngày. Vừa thấy mặt trời lặn đã thấy mặt trời mọc. Tôi bay nhiều lần qua Việt Nam và hồi hộp, tự hào gửi lời tới quê hương. Chúng tôi hạ cánh ngày 31/12.

Tôi thấy qua cuộc sống chiến đấu của mình hơn 57 năm qua, nhiều người nhìn nhận tôi với con mắt khác. Tôi khẳng định tất cả những gì tôi làm được may mắn chiếm nhiều hơn. Tôi bị loại phi công nhưng được bay thử MiG-21, chẳng may bắn được máy bay trở thành anh hùng, rồi lịch sử chọn bay vũ trụ. Thế nhưng thời cơ đến thì mọi người như nhau nhưng ai có bản lĩnh chiếm được mới quan trọng. Làm sao chúng ta rèn luyện bản lĩnh để chớp thời cơ. Lời nhắn nhủ với giới trẻ cũng như vậy, hãy chọn nghề phù hợp với mình, mình được làm chủ. Chỉ cần 1% cơ hội sẽ chớp thời cơ, vận may có tâm thế sẽ trở thành anh hùng".

Chia sẻ thêm với PV báo Dân Việt, Trung tướng Phạm Tuân cho biết, sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, ông và phi công Gorbatko tách riêng mỗi người một nơi. Tuy nhiên, năm nào ông cũng mời phi công Liên Xô sang Việt Nam chơi nửa tháng. Tháng 1/2017, ông Gorbatko sang Việt Nam và có dự tính đây là chuyến đi cuối cùng. Ông Gorbatko về và mất ở tuổi 85. Trung tướng Phạm Tuân không sang được nhưng sau đó ông đã sang viếng mộ vài lần.

Cuộc sống đời thường đơn giản

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh hùng Phạm Tuân vui vẻ cho biết: "Hai vợ chồng tôi là bộ đội, vợ là bác sĩ quân y, cuộc sống đơn giản không có gì phức tạp. Yêu nhau, lấy nhau cùng thông cảm, chia sẻ. Chồng đi công tác xa, vợ ở nhà chăm con. Hai con tôi tốt nghiệp tài chính, không liên quan đến nghề của bố dù cả gia đình thấy bố làm phi công thật tuyệt vời.

Bố là anh hùng nhưng con lại không quan tâm, chỉ coi bố là người bố bình thường và cũng không nhờ cậy bố. Thậm chí con không vào cơ quan bố làm việc. Đó không phải thiệt thòi, đó là tự lập".

Anh hùng Phạm Tuân cho hay, nhiều người nói ông không lo được cho con điều gì. Ông thừa nhận: "Đúng là tôi không lo cho con cái gì. Tôi chỉ lo cho con học hành thật tốt, còn học ra sao, đi làm thế nào đó là việc của con".

Theo cô Nghiêm Thị Nguyệt Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông IVS, mở rộng kiến thức cho học sinh và giúp các em có định hướng tốt hơn cho tương lai cũng là mục đích mà nhà trường hướng đến khi tổ chức các buổi giao lưu giữa học sinh và các chuyên gia, các nhân vật tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực.

"Buổi gặp gỡ anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân hôm nay, trong không khí cả nước kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5 sẽ bồi đắp thêm cho các em niềm tự hào dân tộc, biết ơn thế hệ cha anh và khơi dậy trong các em khát khao cống hiến. Những chia sẻ của anh hùng Phạm Tuân với những kinh nghiệm đúc rút từ chính cuộc đời ông cũng sẽ là bài học sinh động, thiết thực cho các em trong hành trang bước tới tương lai," cô Nguyệt Anh bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem