"Anh hùng xạ điêu" Quách Tĩnh có thật chống quân Mông Cổ oanh liệt như truyện Kim Dung?

Vương Nam Thứ bảy, ngày 21/12/2019 20:50 PM (GMT+7)
Trong những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của nhà văn Kim Dung, chỉ duy nhất nhân vật Quách Tĩnh là được xây dựng từ một tướng quân có thật trong lịch sử. Nguyên mẫu của Quách Tĩnh là một đại tướng người Hán, phục vụ dưới trướng của Thành Cát Tư Hãn.
Bình luận 0

img

Nhân vật đại hiệp Quách Tĩnh trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, Quách Tĩnh là con trai của Quách Khiếu Thiên và Lý Bình.  Cái tên Quách Tĩnh là do đạo sĩ phái Toàn Chân, Trường Xuân tử Khương Sử Cơ đặt, với ý nghĩa mong chàng và người anh em kết nghĩa Dương Khang, không được quên mối nhục Tĩnh Khang của nhà Tống khi trước.

Sau khi cha bị sát hại, Quách Tĩnh cùng mẹ lưu lạc đến Mông Cổ và được Thành Cát Tư Hãn cưu mang. Quách Tĩnh lần lượt bái Triết Biệt, Giang Nam thất quái và Hồng Thất Công làm sư phụ, học tập võ nghệ.

Trải qua nhiều biến cố, chàng trở thành một trong số những người có võ công giỏi nhất đương thời, nổi tiếng với bộ chưởng pháp Hàng long thập bát chưởng.

Khi Thành Cát Tư Hãn xâm lược nhà Nam Tống, Quách Tĩnh đã bảo vệ thành Tương Dương, chống lại quân Mông Cổ. Sau đó, chàng và Hoàng Dung quay về đại mạc để vĩnh biệt Thành Cát Tư Hãn.

Quách Tĩnh cũng xuất hiện trong hai bộ tiểu thuyết khác cũng rất nổi tiếng của nhà văn Kim Dung là Thần điêu hiệp lữ và Ỷ thiên Đồ long ký.

Theo Kim Dung chia sẻ, nhân vật Quách Tĩnh được ông lấy nguyên mẫu từ một danh tướng của Thành Cát Tư Hãn – Quách Bảo Ngọc. Quách Bảo Ngọc được biết là người túc trí đa mưu, rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Quách Bảo Ngọc là hậu duệ của Quách Tử Nghi – vị đại tướng lừng lẫy từng giúp nhà Đường dẹp loạn An Lộc Sơn. Ông tên chữ là Ngọc Thần, người ở huyện Trịnh, Hoa Châu, nay là tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

img

Quách Bảo Ngọc – nguyên mẫu của Quách Tĩnh trong lịch sử là tướng giỏi của Thành Cát Tư Hãn (ảnh minh họa)

Theo Nguyên sử, Quách Bảo được miêu tả là người thông minh, đặc biệt thông hiểu thiên văn, giỏi bắn cung, cưỡi ngựa. Ông làm quan dưới triều nhà Kim, được phong tước Phần Dương quận công, trấn thủ Định Châu, nay là tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Năm 1211, dân gian bỗng nhiên truyền tụng lời đồng dao rằng: “Vẫy vẫy mũ cao, đến Hà Nam, phong Yên chi”, Quách Bảo Ngọc thấy điềm lạ, bèn xem thiên văn, thấy sao Thái Bạch hiện ra giữa ban ngày.

Ông than rằng: “Quân bắc nam hạ, Biện Lượng sắp hàng, trời đổi họ rồi” (ý nói việc nhà Kim sắp bị đánh, thiên hạ sẽ rơi vào tay người khác). Quả nhiên sau đó không lâu, Thành Cát Tư Hãn đem quân chinh phạt nhà Kim.

Theo cuốn Tư trị thông giám, năm thứ sáu thời Mông Cổ Thái tổ (năm 1012), nước Kim sai Thông Cát Tư Trung, Hoàng Nhan Thừa Dụ đến Định Châu trấn thủ, đắp thành Ô Sa Bảo chống quân Mông Cổ.

Thành đắp chưa xong, quân Mông Cổ do Mộc Hoa Lê thống lãnh đã ào ạt tràn đến, đánh bại quân Kim. Đám người Tư Trung, Hoàng Nhan Thừa Dụ bỏ chạy, Quách Bảo Ngọc đành phải đem quân ra hàng.

Như vậy, trái với nhân vật Quách Tĩnh oanh liệt trấn thủ thành Tương Dương chống quân Mông Cổ, nguyên mẫu Quách Bảo Ngọc lại là hàng tướng của Thành Cát Tư Hãn.

Ông là một trong bốn tướng lĩnh người Hán đầu tiên của Đế Quốc Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn (ba viên tướng còn lại là Sử Bỉnh Trực, Trương Nhu và Phạm Chu Cát).

img

Quách Bảo Ngọc chỉnh đốn quân sự, được Thành Cát Tư Hãn vô cùng xem trọng (ảnh minh họa)

Quách Bảo Ngọc sau đó được Mộc Hoa Lê tiến cử với Thành Cát Tư Hãn. Ông được Thành Cát Tư Hãn vô cùng yêu mến và khâm phục bởi sự hiểu biết của mình (trình độ văn hóa của người Mông Cổ thời đó còn tương đối kém phát triển).

Khi được Thành Cát Tư Hãn hỏi về sách lược lấy Trung Nguyên (bao gồm các nước Kim, Tây Liêu và Nam Tống), Quách Bảo Ngọc phân tích kĩ lưỡng tình hình chính trị các nước, đưa ra sách lược:

"Trung Nguyên thế lớn, không thể lấy ngay. Các tộc Phiên ở tây nam (Trung Đông ngày nay) mạnh tợn, có thể dùng. Nên lấy nơi ấy trước, mượn sức họ mưu đồ nước Trung Nguyên, ắt được như ý vậy."

Thành Cát Tư Hãn dụng binh, coi trọng nhất là tính trung thành và sự dũng cảm của binh sĩ, không đặt ra nhiều quân luật, Quách Bảo Ngọc nói: "Buổi đầu dựng nước, nên đặt quân lệnh mới."

Thành Cát Tư Hãn nghe theo, Quách Bảo Ngọc ban bố năm chương điều lệnh:

“Ra quân không được giết bậy. Dụng hình, nếu tội nặng là bị xử tử, các tội khác thì cân nhắc phạt đánh đòn. Tuyển quân theo phương thức: Người Mông Cổ, người Sắc Mục thì mỗi đinh lấy một quân, người Hán có 4 khoảnh ruộng trở lên, thì 3 đinh lấy 1 quân.

Người từ 15 tuổi trở lên tính là đinh, 60 tuổi là lão. Người làm nghề thợ trong dân giới hạn chỉ được phép có một khoảnh ruộng. Tăng nhân, đạo sĩ nếu không có ích cho nước, gây hại cho dân thì cấm hoạt động…”

Dựa vào những cải cách cơ bản của Quách Bảo Ngọc, Thành Cát Tư Hãn đã duy trì sự trật tự trong quân đội, quân luật lần đầu tiên được xây dựng một cách chặt chẽ. Đặc biệt, điều lệnh của Quách Bảo Ngọc đã bài trừ thói mê tín dị đoan, tập trung phát triển nghề rèn sắt, tạo cơ sở cho những cuộc chinh phạt quy mô sau này của người Mông Cổ.

Năm 1213, Thành Cát Tư Hãn muốn mở cuộc tây chinh lần thứ nhất, nhằm mở rộng lãnh thổ của người Mông Cổ. Quân lực của những vương quốc, bộ tộc nhỏ ở phía tây không lớn, tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn tỏ ra e ngại trước sức phòng thủ của các thành trì kiên cố và địa hình hiểm trở của những tiểu quốc này. Bởi lẽ, công thành chưa bao giờ là điểm mạnh của người Mông Cổ.

Thành Cát Tư Hãn hỏi kế sách, Quách Bảo Ngọc nói: “Nếu thành quách của họ ở trên trời, thì không thể lấy được, còn nếu không ở trên trời, thì ắt lấy được”. Thành Cát Tư Hãn khen ngợi, phong cho ông cùng Mộc Hoa Lê làm tiên phong.

Quách Bảo Ngọc dụng binh thần tốc, liên tiếp đánh chiếm được các vùng Vĩnh Thanh, Cao Châu, Long Sơn (nay thuộc khu tự trị Nội Mông và tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc).

img

Quách Bảo Ngọc lập nhiều chiến công (ảnh minh họa)

Trong khi Thành Cát Tư Hãn bận rộn với những cuộc chinh phạt, thì Khuất Xuất Luật, vương tử của bộ tộc Nãi Man, kẻ thù không đội trời chung với ông đã chạy trốn sang nước Tây Liêu. Khuất Xuất Luật lợi dụng sự tin tưởng của vua Liêu, chiếm trọn quốc gia này và tuyên chiến với Mông Cổ.

Khuất Xuất Luật lên ngôi quốc vương, bắt dân cả nước Tây Liêu đổi từ Hồi giáo sang Kitô giáo hoặc đạo Phật, xử tử nhiều tu sĩ đạo Hồi bằng cách đóng đinh đến chết. Người dân Tây Liêu căm ghét Khuất Xuất Luật đến tận xương tủy.

Năm 1216, Thành Cát Tư Hãn cử Triết Biệt và Quách Bảo Ngọc đem 20 vạn quân đánh Tây Liêu. Quân Mông Cổ dù ít hơn về số lượng nhưng tiến đánh thế như chẻ tre, thắng trận liên tiếp. Khuất Xuất Luật biết không thể đánh ngang sức, bèn cố thủ trong thành Hốt Thán cùng 30 vạn quân.

Quách Bảo Ngọc nhân lúc trời tối, sai quân cung nỏ bắn vào trong thành những tờ truyền đơn được viết trên da dê:

“Ở đất nước của Thành Cát Tư Hãn, có các thần dân nói đủ bảy thứ tiếng, theo sáu thứ tôn giáo khác nhau”.

Người Tây Liêu trong thành Hốt Thán đọc được, đua nhau cảm tạ Thành Cát Tư Hãn như thánh sống. Dân Tây Liêu làm loạn bên trong, quân Mông Cổ giáp công dữ dội bên ngoài, thành Hốt Hán nhanh chóng bị hạ. Khuất Xuất Luật bị đánh đuổi khỏi Tây Liêu, trốn chạy khắp nơi. Tây Liêu sau đó bị sáp nhập vào Mông Cổ.

Theo Nguyên sử, năm 1218, Khuất Xuất Luật bị một nhóm thợ săn bắt được vào áp giải về Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn xử tử hắn ta và đem đầu đi bêu khắp các vùng đất cũ của tộc Nãi Man.

img

Quách Bảo Ngọc bị thương nặng, được Thành Cát Tư Hãn cứu sống bằng cách nhét vào trong bụng bò (ảnh minh họa)

Theo Nguyên sử, năm 1219, Quách Bảo Ngọc theo Thành Cát Tư Hãn tây chinh lần thứ hai. Trong cuộc đại chiến với đế quốc Hoa Lạt Tử Mô, ông cũng lập được nhiều chiến công. Trong một trận chiến, ông bị tên bắn vào ngực và bị thương rất nặng.

Thành Cát Tư Hãn đã sai mổ bụng, moi ruột một con bò, nhét Quách Bảo Ngọc vào bên trong rồi bọc kín lại. Một lát sau Quách Bảo Ngọc tỉnh lại được, tiếp tục chiến đấu.

Sự kiện độc đáo này được ghi nhận trong lịch sử và đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu. Theo y học cổ Trung Quốc, liệu pháp nhét người bị thương vào bụng động vật như trâu, bò, ngựa được gọi là “phúc yểm”, quả thực có thể chữa trị vết thương.

Y học hiện đại ngày nay chưa chứng minh được thực hư hiệu của phương pháp kì bí này, nhưng nhiều khả năng, Thành Cát Tư Hãn đã thêm vào nhiều loại thuốc và thảo dược, nhồi vào bụng bò cùng với Quách Bảo Ngọc.

Hiện vẫn chưa rõ Quách Bảo Ngọc sinh và mất năm nào. Vấn đề này có thể được lý giải bởi ông sống vào thời kỳ loạn lạc, chinh chiến liên miên. Nghề chép sử của người Mông Cổ ở thời kỳ đầu lại không mấy phát triển, nên các tư liệu về Quách Bảo Ngọc ngày nay còn sót lại rất ít.

Tuy vậy, có thể khẳng định chắc chắn một vấn đề, rằng trái với tạo hình nhân vật anh hùng xạ điêu Quách Tĩnh luôn căm thù nhà Kim, trấn thủ Tương Dương, chống quân Mông Cổ, thì nguyên mẫu Quách Bảo Ngọc lại làm quan dưới triều Kim, và là tướng lĩnh thân cận của Thành Cát Tư Hãn.

Người suýt lấy mạng Thành Cát Tư Hãn trở thành tướng Mông Cổ kiệt xuất nhất

Ít người biết rằng Triết Biệt từng là kẻ thù của Thành Cát Tư Hãn và sau này trở thành một trong những danh tướng kiệt...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem