Làm thế nào đánh bại đội quân thiện chiến của Thành Cát Tư Hãn?

Nguyễn Thái - Tổng hợp Thứ hai, ngày 25/11/2019 00:26 AM (GMT+7)
Quân Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn từng "làm mưa làm gió", xâm chiếm vô số quốc gia từ Á sang Âu. Nhưng như vậy không có nghĩa là họ không thể bị đánh bại.
Bình luận 0

img

Sự thành công của quân Mông Cổ trong chiến trận phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Về mặt chiến thuật, các cung thủ cưỡi ngựa Mông Cổ là lực lượng vô cùng thiện chiến. Ngựa với khả năng di chuyển linh hoạt giúp quân Mông Cổ giữ khoảng cách an toàn với kẻ thù. Trong khi đó, cung cho phép họ trút "mưa tên" vào đối phương. Khi quân địch rối loạn và vỡ trận, đó là lúc lực lượng kỵ binh trang bị đầy đủ vũ khí sát thương xông ra kết liễu.

Quân Mông Cổ được tổ chức tốt và kỷ luật hơn nhiều so với hầu hết quân đội cùng thời kỳ. Với tướng lĩnh từ các quốc gia khác, thành công chỉ đơn giản là khiến binh sĩ của họ một lòng chiến đấu với kẻ thù.

Tướng Mông Cổ làm được hơn thế. Họ chỉ huy đội quân của mình thực hiện nhiều đòn đánh phức tạp như bao vây, đánh tạt sườn hay rút lui chiến thuật (vờ rút lui dụ quân địch sau đó tấn công).

Ở cấp độ chiến lược, quân Mông Cổ cực kỳ cơ động. Mỗi binh sĩ thường có 2-4 con ngựa để thay đổi trong ngày, cho phép họ di chuyển quãng đường tốn ít thời gian hơn so với đội quân đi bộ hoặc có ít ngựa hơn. Người Mông Cổ còn có thể sống nhờ săn bắn, hái lượm và trồng trọt nên họ không bị phụ thuộc vào những đợt tiếp tế.

Cuối cùng, quân đội Mông Cổ luôn tìm hiểu kỹ đối phương trước trận đánh, tìm ra cách để chế ngự và khuất phục họ.

Vậy làm thế nào để đánh bại một đội quân thiện chiến như vậy?

img

Lợi dụng địa hình là một trong những phương pháp hiệu quả để đánh bại quân Mông Cổ

Phương pháp rõ ràng nhất là lợi dụng địa hình. Trong lịch sử, quân Mông Cổ từng đại bại khi chinh chiến ở vùng sa mạc của Palestine, rừng rậm của Việt Nam hay tại vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Quân Mông Cổ đáng sợ nhất ở địa hình thảo nguyên, nơi có không gian rộng để thực hiện các đòn đánh tạt sườn sở trường và đây cũng là nơi có nhiều cỏ, cung cấp cho số lượng ngựa lớn. Vì vậy, khi tới chiến đấu ở các môi trường mới như sa mạc, rừng rậm, núi cao... thì khả năng di chuyển cơ động của quân Mông Cổ sẽ bị hạn chế, những con ngựa cũng bị ảnh hưởng khiến đội kỵ binh chủ lực hoặc cung thủ cưỡi ngựa gặp khó khăn, từ đó dẫn tới thất bại.

Tuy nhiên, chiến lược lợi dụng địa hình với quân Mông Cổ không phải lúc nào cũng áp dụng được. Vậy có cách nào khác để đánh bại quân Mông Cổ mà không cần lợi thế về địa hình?

Theo trang Slate, điều quan trọng nhất là hãy đào tạo quân đội theo cùng tiêu chuẩn, tổ chức và kỷ luật như quân Mông Cổ. Các kế hoạch dù là tốt nhất cũng sẽ thất bại nếu tướng lĩnh không tuân thủ chúng hoặc quân đội hoảng loạn và vỡ trận khi không chịu nổi chiêu "khủng bố" tinh thần của quân Mông Cổ.

Một điều nữa là hãy rèn luyện một đội trinh sát hiệu quả. Nếu quân Mông Cổ tàn phá các làng quê, nông dân tại đó phải sẵn sàng cung cấp thông tin về họ (địa điểm tập kết, số lượng) cho quân đội. Hãy khuyến khích người dân, lắng nghe họ và thành lập một hệ thống cấp báo tin tức về quân Mông Cổ mọi lúc mọi nơi. Điều này vô cùng có ích. Nó giúp khắc chế được chiến thuật đánh tạt sườn bất ngờ của quân Mông Cổ. Và khi biết quân Mông Cổ ở đâu, đối phương có thể lập kế hoạch đánh úp.

Khi bắt đầu cuộc chiến với quân Mông Cổ, việc cần làm đầu tiên là triệt hạ nhóm cung thủ cưỡi ngựa. Đây là lúc những chiếc cung và nỏ lớn phát huy tác dụng.

Lấy ví dụ với 2 cung thủ được huấn luyện và khả năng thiện xạ tốt như nhau. Nhưng một người ngồi trên lưng ngựa còn một người đứng trên mặt đất. Ai trong số họ hiệu quả hơn? Câu trả lời là cung thủ đứng trên mặt đất. Mũi tên của người này có thể bắn đi với lực mạnh và độ chuẩn xác cao hơn. Ngoài ra, người ngồi trên lưng ngựa (cao hơn) dễ trở thành mục tiêu bị bắn hơn người đứng dưới đất. Không những vậy, người đứng dưới đất có thể cầm theo một chiếc khiên lớn hoặc có thể nấp dưới lớp khiên che của đội khiên.

img

Cung thủ cưỡi ngựa dễ trở thành mục tiêu bị bắn hạ hơn so với các cung thủ đứng dưới đất

Tuy nhiên, một trong những bất lợi của cung thủ dưới đất là họ dễ bị sát thương nếu quân địch dùng thương dài để tấn công. Làm cách nào để đối phó với điều này? Đó là cách người Anh làm trong trận chiến Agincourt năm 1415 - chôn hàng nghìn cọc gỗ với hai đầu sắc nhọn để tạo thành một hàng rào không thể xuyên thủng, ngăn kỵ binh đối phương. Ngoài ra, phương án kết hợp cung thủ với một lực lượng bộ binh hạng nặng như đội bắn súng trong trường hợp này cũng phát huy hiệu quả. Áo giáp và khiên sẽ bảo vệ họ khỏi cung thủ Mông Cổ trong khi súng giúp họ tạo thành tuyến phòng thủ, che chắn cho đội cung thủ khỏi đội kỵ binh Mông Cổ.

Một chiến thuật khác là cử một đội quân nhỏ ra làm "mồi nhử" dụ quân Mông Cổ vào bẫy rồi sau đó đại quân ẩn nấp xung quanh tràn lên tấn công. Chiến thuật này đã được đội quân Mamluk, tập hợp những người lính nô lệ theo đạo Hồi, sử dụng và thành công trong trận chiến Ain Jalut (Israel) năm 1260.

Theo Slate, một chiến lược dài hơi hơn để đánh bại quân Mông Cổ từng được người Nga áp dụng đó là xây dựng một pháo đài đặc biệt. Pháo đài với hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt được xây dựng ngay trên lãnh thổ của Mông Cổ nhưng có điểm đặc biệt là có tuyến đường tiếp tế an toàn (phải là đường sông hoặc đường biển để hạn chế việc quân Mông Cổ tấn công, cắt nguồn tiếp tế quân lương, vũ khí). Dĩ nhiên, lựa chọn phương án này phải chấp nhận việc bị quân Mông Cổ bao vây nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc dụ được đội quân này tới địa điểm dễ bị tấn công.  

Nếu quân Mông Cổ không tấn công, đối phương sẽ sử dụng các nhóm kỵ binh hạng nhẹ đột kích vào nơi đồn trú của quân Mông Cổ tàn phá, cướp bóc và quan trọng nhất là giết ngựa. Chiêu sử dụng lực lượng kỵ binh đột kích này có nguồn gốc từ người Cossack - những người sống trên khu vực thảo nguyên phía nam của Đông Âu và phần châu Á của nước Nga, nổi tiếng vì sự độc lập và các kỹ năng quân sự, nhất là tài cưỡi ngựa. Khi bị tấn công, nhóm kỵ binh này nhanh chóng rút lui, vì là hạng nhẹ nên họ di chuyển nhanh hơn và dễ tản mát nên rút lui thành công. Quân Mông Cổ cuối cùng sẽ mệt mỏi vì bị đốt phá và rút lui về thảo nguyên. 

Vì sao khi quân Thành Cát Tư Hãn bỏ chạy lại là lúc họ đáng sợ nhất, khiến địch chết nhiều nhất?

Ngay cả khi bị truy kích, kỵ binh Mông Cổ vẫn có thể bắn tên chính xác khiến kẻ thù khiếp đảm nhờ một vật giúp họ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem