Theo ghi nhận của Dân Việt, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), theo thông tin từ cơ quan hải quan cửa khẩu Tân Thanh, hiện tại, có 125 xe container chở thanh long đang chưa thể xuất hàng sang Trung Quốc. Nhằm hỗ trợ các lái xe, bến xe Tân Thanh đã cung cấp suất ăn miễn phí hàng ngày từ trong Tết Nguyên Đán.
Ông Nông Hải Thăng, Phó giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thông tin thêm, trước những diễn biến khó lường từ bệnh dịch xuất phát từ virus corona, nhiều phương án phòng chống đã được lực lượng chức năng các khu vực cửa khẩu, biên giới triển khai.
Hàng trăm xe thanh long ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh
“Hiện chúng tôi đã bố trí các phòng cách ly đề phòng trường hợp có người nhiễm virus Corona. Cụ thể tại cửa khẩu Cốc Nam và cửa khẩu Tân Thanh đều có 01 phòng cách ly.” Ông Thăng cho hay.
Nói về thông tin Trung Quốc dự kiến mở lại cửa khẩu vào ngày 9/2, ông Thăng cũng cho hay, đó mới chỉ là thời gian dự kiến, do đó, các chủ hàng hoa quả, đặc biệt ở miền Nam cần theo dõi chặt chẽ thông tin, tránh nôn nóng thu hoạch, đưa hàng lên biên giới.
“Chúng tôi được biết đó (ngày 9/2) mới chỉ là ngày mở cửa dự kiến. Chưa thể chắc chắn 100% vào ngày đó sẽ thông quan, còn tuỳ thuộc tình hình xử lý dịch bệnh của nước bạn”. ông Thăng thông tin.
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng xác nhận tình trạng hàng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu đường bộ giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Nhiều lái xe đã phải chầu trực tại cửa khẩu từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán
“Hiện nay, số liệu chính xác vẫn chưa thể thống kê được nhưng chắc chắn có tình trạng một số đơn hàng từ Trung Quốc đã hủy. Nguyên do vì Trung Quốc đã ra lệnh cấm tại các chợ biên giới từ trước. Về phía thị trường trong nước, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đặc biệt hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.” ông Đông nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đông nhận, đối với các mặt hàng không thể xuất khẩu sang Trung Quốc cũng không thể tính tới việc tiêu thụ trong nước. Giải pháp trước mắt là cần tìm một số thị trường thứ 3 nhằm thay thế cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay.
Trước đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đã có thông báo, khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản về tình trạng bệnh dịch do virus corona có thể khiến việc đi lại khó khăn, hàng hóa ách tắc. Trước tình hình trên, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, tìm thị trường thay thế, chế biến các sản phẩm nông sản nhằm bảo quản tốt hơn.
Doanh nghiệp cần chủ động tìm thị trường thay thế cho Trung Quốc
“Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp. Các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra.” Cục XNK cảnh báo.
Được biết, tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (2019nCoV) gây ra. WHO cũng khuyến cáo tạm thời gọi tên bệnh này là "Bệnh hô hấp cấp tính 2019-cCoV", và bản thân virus nên được định danh tạm thời là "2019-nCoV".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.