Ảnh nhìn từ trên cao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở Sài Gòn
Ảnh nhìn từ trên cao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở Sài Gòn
Đông Thịnh
Chủ nhật, ngày 24/05/2020 00:25 AM (GMT+7)
Sau 4 năm khởi công, dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1” với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đã đạt 78%, theo kế hoạch và sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay.
Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng khởi công tháng 6/2016. Dự án gồm 6 cống ngăn triều: Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận.
Cống ngăn triều Mương Chuối được xây dựng trên sông Mương Chuối, cách ngã ba sông Soài Rạp 1,4 km và cách cầu Mương Chuối trên đường Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè 500m. Đây là công trình lớn nhất trong số 6 cống ngăn triều của dự án.
Với bề rộng sông hơn 200m, cống Mương Chuối được thiết kế xây dựng với 5 trụ pin, tương ứng với 4 cửa van, mỗi cửa van rộng 40m và âu thuyền rộng 11m. Mỗi trụ pin chính là cánh tay đòn, được thiết kế để chịu lực độc lập và thực hiện nhiệm vụ nâng hạ cửa van ngăn triều gần 300 tấn bằng hệ thống xi lanh thủy lực.
Hiện cống ngăn triều Mương Chuối thi công đạt 85% tiến độ, đã hoàn thành các trụ pin, tháp van và dầm van, đang thi công kè mang cống, công trình phụ trợ... Tuy nhiên, tại khu vực này vẫn còn 18/62 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để thi công.
Cống kiểm soát triều Cây Khô trên rạch Cây Khô, nằm giữa hai ngã ba rạch Chiếu - rạch Cây Khô và rạch Tôm - rạch Cây Khô thuộc hai địa phận huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè, ngăn triều từ hai con sông Soài Rạp và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm thành phố. Cống Cây Khô hiện đạt 66% tiến độ thi công.
Về 2 trường hợp người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng tại khu vực dự án cống Cây Khô, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cho biết sẽ vận động hộ dân chưa giao mặt bằng, nếu họ không đồng ý sẽ bị cưỡng chế. Huyện sẽ bàn giao mặt bằng trước ngày 10/6 để phục vụ công trình chống ngập.
Cống Phú Xuân (giữa quận 7 và huyện Nhà Bè) được xây dựng trên rạch Đĩa. Khẩu độ cống 80m, gồm 2 bộ van cống, 3 trụ pin.
Hiện cống Phú Xuân đã đạt 72% kế hoạch. Đã hoàn thiện các trụ pin, trụ tháp, các dầm van. Tuy nhiên, tại đây một hộ gia đình vẫn chưa bàn giao mặt bằng.
Cống ngăn triều Phú Định trên Kênh Đôi, nằm giữa 2 ngã ba sông Cần Giuộc – Chợ Đệm – Kênh Đôi và Kênh Đôi – Kênh Tàu Hũ. Cống này thuộc địa phận quận 8, ngăn triều từ 2 con sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm thành phố.
Cống kiểm soát triều Phú Định thi công đạt 71%. Hiện chủ đầu tư đang thi công tháp van, kè mang cống…
Cống ngăn triều Tân Thuận (địa bàn giáp quận 4 và quận 7) khi hoàn thành sẽ ngăn triều từ sông Sài Gòn vào kênh Tẻ, kênh Đôi, Tàu Hủ - Bến Nghé, chống ngập cho người dân ở các quận 4, 7, 8.
Tại cống ngăn triều Tân Thuận đã thi công đạt 65%. Hiện đơn vị thi công đang thi công buồng bơm, kè mang cống, nhà quản lý...
Cống kiểm soát triều Bến Nghé nằm trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (giáp quận 1 và quận 4) hiện đã đạt 85% tiến độ dự án.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc tập đoàn Trung Nam - nhà đầu tư, cho biết tổng khối lượng thi công xây lắp của dự án hiện đạt 78%. “Nếu mặt bằng được bàn giao vào đầu tháng 6 như kế hoạch của các quận, huyện thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay”, ông Tiến cam kết.
Tại buổi kiểm tra vào sáng 23/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá công trình chống ngập này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhận được sự quan tâm rất lớn. Dự án đã trải qua một số khó khăn trong thời gian thi công, nhưng qua kiểm tra thực tế công trình cơ bản đạt tiến độ, chỉ còn lắp hệ thống van và chuẩn bị cho công tác vận hành công trình. Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các địa phương còn vướng mặt bằng phải nỗ lực hết sức để bàn giao đúng thời hạn cho đơn vị thi công kịp tiến độ.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng, do Tập đoàn Trung Nam là nhà đầu tư.
Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.