Không nhìn được, nhưng còn đôi tay, đôi chân và trí tuệ, chúng tôi đã học cách tự lập từ nhỏ.
Tôi vượt qua từng cấp học ở phổ thông bằng nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của mẹ cha và mọi người. Sau ngày được đặc cách xét tốt nghiệp THPT, tôi tham gia hoạt động tại Hội Người khiếm thị của tỉnh.
Năm 1997, bước ngoặt thực sự mở ra khi tôi được T.Ư Hội Người mù Việt Nam nhận vào làm giáo viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho người mù. Ngày đến dạy tại Trung tâm, tối tôi lại đón xe ôm đi học đại học tại chức. Ngoài những thời gian trên, tôi đi làm tẩm quất để có thêm thu nhập.
Học viên của tôi là những người khiếm thị đến từ các địa phương, mỗi người một hoàn cảnh éo le. "Phải làm gì để giúp mình và những người đồng cảnh ngộ có thu nhập ổn định?" - câu hỏi đó luôn day dứt trong tôi. Sau 7 năm chắt chiu tiết kiệm, năm 2004 tôi quyết định mở phòng tẩm quất nhỏ Hoàng Kim với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho mọi người, do chính những học viên khiếm thị của tôi đến làm việc.
Khi ấy, các cơ sở tẩm quất dạng này chưa có, hơn nữa trong xã hội còn không ít người chưa hiểu rõ về nghề tẩm quất của người khiếm thị. Nhiều người can ngăn, cho rằng ý tưởng ấy quá mạo hiểm, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi đi tham khảo, học thêm nghề tẩm quất ở khắp mọi nơi, từ nhà ga, bến tàu (tẩm quất rong) đến các cơ sở tẩm quất ở Hà Nội để về áp dụng mở phòng tẩm quất cho mình.
Qua thời gian, với lòng đam mê nghề nghiệp và sự quyết tâm vươn lên, giờ đây, cơ sở tẩm quất Hoàng Kim của tôi đã dần khẳng định được thương hiệu. Khách hàng đến ngày càng đông, thu nhập của những người khiếm thị làm việc ở đây bình quân mỗi người mỗi tháng trên 2 triệu đồng. Họ không những mua sắm được nhiều vật dụng cho cá nhân, mà còn có tích lũy để gửi về hỗ trợ cho gia đình vợ con, nuôi bố mẹ già...
Điều quan trọng hơn cả là những nhân viên thiếu may mắn của tôi đã xóa đi được mặc cảm, tự ti, sống tự tin, lạc quan và bình đẳng với mọi người. Cơ sở Hoàng Kim của tôi hôm nay vừa là nơi làm việc, vừa là mái ấm ân tình cho những ai khiếm thị muốn tự tìm đôi mắt cho cuộc đời mình...
"Không có đôi mắt, vẫn còn đôi tay và trái tim với ánh sáng diệu kỳ của nó chính là đôi mắt dẫn đường cho chúng ta hòa nhập bình thường với cuộc sống!" - tôi vẫn thường nói điều ấy không chỉ với những học viên cùng cảnh ngộ, mà với chính bản thân mình.
Anh Hoàng Xuân Hạnh
(Giáo viên Trung tâm Đào tạo Phục hồi chức năng cho người mù, Hội Người mù Việt Nam)
Vĩnh Phúc (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.