Đó là những ghi nhận của phóng viên Dân Việt theo đoàn phòng, chống lũ đi khắp vùng ngập lụt trong đêm 2.8 và rạng sáng 3.8.
Đúng 22h đêm 2.8, đoàn chống lũ lụt lên đường đi kiểm tra.
Sau bữa cơm vội ngày mưa lũ, đồng hồ đã điểm 22h đêm (2.8), đoàn thường trực phòng, chống mưa lũ của TP.Uông Bí lên đường đi kiểm tra những đập nước vẫn đang chảy dữ dội.
Tại đập tràn khu hồ công viên, phường Thanh Sơn, vị trí sáng 2.8 chính quyền TP.Uông Bí quyết định phá đập để cứu hàng trăm nhà dân bị nhấn chìm, nước lũ đã rút nhưng nước chảy con đập tràn Nhà máy điện phường Trưng Vương vẫn cuồn cuộn. Lo sợ người dân đến gần nguy hiểm, đồng thời canh lũ về, các vị trí trên luôn túc trực 3-5 người, phụ trách chính là các vị chủ tịch phường.
Sáng 2.8, nước dâng lên cao, chảy xiết đã cuốn sạt 25m kè ven sông, cào sát chân móng nhà dân, khiến 9 nhà ở tổ 8, khu 2, phường Bắc Sơn phải di dời khẩn cấp. Mưa lũ đã làm tuyến đường tránh ở thôn Đồng Tranh, xã Thượng Yên Công bị sạt lở dài, chiếm gần hết một làn đường. Gần 10 chiến sĩ công an, dân quân, bảo vệ ngành than túc trực tại đây. Chủ tịch TP.Uông Bí Nguyễn Anh Tú đã rút trong ví ra 1 triệu đồng "thưởng nóng" cho anh em tổ chức ăn đêm để lấy sức giúp dân.
Đường khó đi lại trơn trượt nên khi vượt hơn chục ki-lô-mét vào phường Vàng Danh (nơi sáng 2.8 nước ngập khắp nơi), nhà dân ở đây đã tắt hết đèn, đồng thời nước đã rút, đoàn phòng, chống lũ mới nhẹ nhõm trở về.
Ông Nguyễn Anh Tú cho biết: Mưa lớn kéo dài rạng sáng 2.8 đã gây úng lụt cục bộ khoảng 500 nhà dân; 465ha hoa màu và 176ha diện tích nuôi trồng thủy sản ngập lụt; đường giao thông, điện ngành than bị hư hại… Tổng thiệt hại lên đến 60 tỷ đồng.
Nước lũ đã rút, nhưng nước chảy con đập tràn Nhà máy điện phường Trưng Vương vẫn cuồn cuộn.
Cầu tràn Vàng Danh nước chảy xiết.
Lo sợ người dân đến gần nguy hiểm, đồng thời canh lũ về, tại các vị trí này luôn có người túc trực.
Đêm muộn vẫn còn có người dân đi mót than ven suối.
Nhiều tuyến đường bị mưa lũ gây sạt lở.
Bị lũ khoét sát gần chân móng nhà, 9 hộ dân ở tổ 8, khu 2, phường Bắc Sơn phải di dời khẩn cấp.
Người đàn ông này trầm ngâm bên tường dây ngăn khoảng cách an toàn đến ngôi nhà của mình.
Đứng canh tại vùng nguy hiểm.
Tổ làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực sạt lở trên đường tránh Thượng Yên Công được Chủ tịch TP.Uông Bí "thưởng nóng" 1 triệu đồng.
Ngày mới đã bắt đầu khi đoàn trở về.
18h ngày 2.8, mực nước tại sông Ba Chẽ dâng cao trên 10m gây ra ngập lụt một phần khu trung tâm thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Do chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, 13 hộ dân tại một số thôn trong xã Đạp Thanh đã phải di tản đến nơi ở an toàn hơn. Mưa lũ cũng làm ngập 11 cầu, ngầm tràn trên tuyến tỉnh lộ 330 và các tuyến đường liên thôn, xã, tuyến đường Hải Chi, thuộc khu 4, thị trấn Ba Chẽ. Nước trên sông, suối dâng cao đã chia cắt hoàn toàn các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn. 17 công trình giao thông, kè bị sạt lở... Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 29 tỷ đồng.
Ngập lụt tại trung tâm thị trấn Ba Chẽ chiều 2.8.
Theo báo cáo, mưa lớn tiếp tục diễn ra với lượng mưa trên địa bàn huyện Bình Liêu từ 200 - 300mm. Nước lũ trên các sông, suối gây ngập lụt cục bộ, chia cắt địa bàn các thôn bản vùng cao, vùng sâu ở các xã của huyện. Đã có 3 ngôi nhà (tường đất) ở địa bàn xã Đồng Tâm bị đổ sập hoàn toàn; 21 hộ dân thuộc 9 bản vùng cao trên địa bàn huyện có nguy cơ sạt lở đất đá đã được di dời.
Tại Móng Cái, ước khoảng 400ha lúa mới gieo cấy bị mất trắng; sạt lở 40m kè sông biên giới tại khu vực Mốc 1346(1)-600 thuộc địa bàn xã Hải Sơn; mưa lũ cũng làm sạt lở một số tuyến đê xung yếu...
Tại Hoành Bồ, mưa lũ khiến 109 hộ dân phải di chuyển và sơ tán; 8 nhà dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng; trên 7.000m đường liên thôn bị sạt lở, hư hỏng nặng; trên 1.000m đập thủy lợi bị bồi lắng; nhiều phần ta-luy của tỉnh lộ 326, 328 bị sạt lở; 2 ngầm Đá Trắng bị hư hỏng nặng; 694ha lúa, màu bị ngập úng; trên 80ha ao đầm mất trắng... Tổng thiệt hại toàn huyện ước tính trên 18 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.