Suốt nhiều năm qua, để vượt con suối rộng gần 40m nằm trên con đường độc đạo vào làng, gần 100 người ở thôn 2, xã Trà Giang, huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi phải đi qua chiếc cầu treo tạm bợ làm từ cây, dây rừng.
Từ nhiều năm qua, người dân nơi đây đã phải đi lại qua cây cầu này
Để làm được cây cầu này, người dân chọn vị trí hẹp nhất của con suối, với chiều dài khoảng 15m và tận dụng những hòn đá khá lớn nằm ở giữa làm trụ; chặt cây làm sàn, rồi dùng dây rừng để cột giữ và vịn để qua lại.
Ông Hồ Văn Kiu (39 tuổi), bộc bạch: "Chúng tôi chỉ qua lại được trên cây cầu này vào mùa nắng, nước cạn. Chứ khi mưa lớn, nước suối lên cao là "cầu" bị cuốn trôi, phải chờ nước cạn mới ra làm lại được. Vì vậy vào mùa mưa lũ, người dân ở đây bị cô lập vài ba chục ngày là bình thường".
Một nhịp của chiếc cầu
"Người lớn thì không lo, chỉ sợ lũ trẻ con đi học qua lại chẳng may sảy chân thì rất nguy hiểm", anh Hồ Văn De (29 tuổi), tâm sự.
Qua quan sát, tuy độ cao của cầu so với mặt nước ước tính khoảng 4m, thế nhưng phía dưới, nước chảy xiết và đầy đá lởm chởm. Vì vậy nếu chẳng may sảy chân ngã xuống khó bảo toàn được tính mạng.
Chiếc cầu tự tạo nhìn từ xa.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng bày tỏ: Do điều kiện ngân sách của địa phương quá hạn hẹp và khó khăn, nên huyện đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây cầu cho người dân nơi đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.