Sáng 26.4, ông Phan Hữu Thặng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị - cho biết, chiều 25.4, chi cục có nhận được phản ánh của Ban quản lý chợ Đông Hà về việc ông Trần Đình Tự (trú phường 5, TP.Đông Hà, Quảng Trị) cho rằng đang sử dụng phải gạo giả.
Mẫu gạo ông Tự cho rằng là gạo giả.
Theo trình bày của ông Tự, ngày 19.4, ông mua 3,5kg gạo (trị giá 50.000 đồng) của tiểu thương Nguyễn Thị Tần (lô số 21, chợ Đông Hà), về nấu rất lâu nhưng gạo vẫn bị sống (không chín). Nghi ngờ, ông Tự đem gạo rang thì có hiện tượng đen, vón cục, bốc mùi khó chịu.
Ông Tự còn cho biết, ông đem số gạo này ngâm vào nước 48 tiếng đồng hồ mà gạo vẫn giữ nguyên hình dạng, không hề nở ra… Khi gia đình ông ăn cơm nấu từ số gạo trên thì bị đau bụng.
Ngay khi nhận được thông tin, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị đã lấy mẫu gạo trên của ông Tự và số gạo còn lại trong bao của tiểu thương Nguyễn Thị Tần bán cho ông Tự gửi tới Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lượng chất lượng 2 (Đà Nẵng) kiểm tra, dự kiến khoảng 5 ngày sau sẽ có kết quả.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị, có hai cách nhận biết gạo thật và gạo giả bằng mắt thường. Cách một là ngâm gạo vào nước, nếu gạo không nổi lên, nở ra, nước có màu trắng đục thì đó là gạo thật. Cách hai là khi rang gạo bị vón cục nhưng không chảy ra thì đó cũng là gạo thật.
“Chúng tôi không dám khẳng định chất lượng gạo thế nào vì chưa có kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, thông tin gạo giả đã ảnh hưởng đến việc buôn bán, tiêu dùng của người dân” - ông Thặng nói.
Cũng trong sáng 26.4, lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị cùng ông Trần Đình Tự đã rang ba mẫu gạo khác nhau để đối chứng. Mẫu gạo 1 của cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị ăn hằng ngày. Mẫu 2 là gạo ông Tự mua của bà Tần và cho rằng là gạo giả. Mẫu 3 là gạo ông Tự ăn hằng ngày (ông Tự mua ở một nơi khác và cho rằng là gạo thật).
Sáng 26.4, ông Tự được mời lên Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị để rang gạo trước sự chứng kiến của nhiều người.
Bằng mắt thường cho thấy, 3 loại gạo này ban đầu khi rang lên có mùi thơm, sau đó cháy đen thì có mùi khét và vón cục như nhau. Khi ăn thử gạo sống thì vẫn cảm nhận được mùi vị tinh bột, không có gì bất thường.
Trong ảnh mẫu gạo theo số thứ tự đã được rang. Mẫu 1 là gạo của cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị ăn hằng ăn. Mẫu 2 là gạo ông Tự mua của bà Tần và cho rằng là gạo giả. Mẫu 3 là gạo ông Tự ăn hằng ngày (ông mua ở nơi khác và cho rằng là gạo thật). 3 mẫu gạo sau khi rang lên, so sánh bằng cảm quan thì không có gì khác biệt về màu, mùi vị và đều bị vón cục khi cháy đen.
Bà Tần cho biết: “Tôi bán gạo ở chợ Đông Hà gần 30 năm nay rồi. Gạo tôi mua ở một đại lý uy tín ở thị xã Quảng Trị. Ông Tự nói gạo tôi là gạo nhựa, gạo giả. Thông tin nay đã lên tivi, gây hoang mang cho người sử dụng khiến việc buôn bán của gia đình tôi và các tiểu thương bán gạo khác bị ảnh hưởng. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ trắng đen để chúng tôi yên tâm buôn bán”.
Tiểu thương Hoàng Thị Toàn (bán gạo 10 năm ở chợ Đông Hà) cho biết: “Thông tin gạo giả khiến việc buôn bán của chúng tôi bị ế ẩm”.
Bà Lê Thị Ngọc Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị - cho biết, gạo của cán bộ trong cơ quan ăn hằng ngày khi rang lên cũng cháy đen và vón cục.
Ông Trương Đình Hà - Đội trưởng Đội trật tự số 2, Ban quản lý chợ Đông Hà - cho biết đã thông báo với bà con ở chợ ổn định tâm lý, yên tâm buôn bán, chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.