Apple với Facebook: Hiềm khích theo kiểu góc nhìn văn hóa và đậm chất cá nhân?

Huỳnh Dũng Thứ bảy, ngày 28/08/2021 13:41 PM (GMT+7)
"Công nghệ chỉ hữu ích nếu có lòng tin của mọi người", đây là câu nói gây chú ý của CEO Apple, Tim Cook. Và với nhiều người, câu nói tinh túy này đã phần nào lột tả thực trạng “bị đánh mất” niềm tim từ phía người dùng mà chính Facebook đang mắc phải.
Bình luận 0

Tim Cook và Zuckerberg, cuộc gặp gỡ định mệnh và cú phớt lờ những lời đề nghị của Tim Cook

Mặc dù Facebook và Apple không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp về sản phẩm, nhưng mâu thuẫn giữa hai Giám đốc điều hành của Apple và Facebook càng trở nên gay gắt, do những quan điểm hoàn toàn khác nhau về quyền riêng tư, cũng như tương lai của Internet.

Vài năm trước, các CEO lớn đã gặp nhau hàng năm tại hội nghị Sun Valley do ngân hàng đầu tư Allen & Company tổ chức. Tháng 7/2019, Tim Cook của Apple và Mark Zuckerberg của Facebook đã ngồi lại với nhau tại hội nghị để khắc phục căng thẳng giữa họ. Vào thời điểm đó, Facebook đang gặp rắc rối với vụ bê bối Cambridge Analytica vì để thông tin của hơn 50 triệu người dùng bị một công ty thu thập mà không có sự đồng ý của họ. Zuckerberg đã bị các nhà lập pháp, cơ quan quản lý và Giám đốc điều hành, bao gồm cả Cook chỉ trích.

Theo tờ New York Times, tại cuộc họp, ông Zuckerberg đã hỏi ông Cook về cách xử lý tình huống này. Ông Cook đã đáp trả một cách chua chát rằng, Facebook nên xóa mọi thông tin mà công ty đã thu thập bên ngoài các ứng dụng cốt lõi của mình. Ông chủ Facebook ngay lập tức đã bị choáng váng.

Cuộc chiến giữa hai ông lớn công nghệ trên toàn thế giới Apple và Facebook đang nóng lên từng ngày. Ảnh: @AFP.

Cuộc chiến giữa hai ông lớn công nghệ trên toàn thế giới Apple và Facebook đang nóng lên từng ngày. Ảnh: @AFP.

Bởi Facebook dựa vào dữ liệu của người dùng để đặt quảng cáo trực tuyến và kiếm tiền. Khi Cook thúc giục Facebook ngừng thu thập thông tin, Zuckerberg đã phớt lờ những lời đề nghị của Cook. Để rồi những năm sau đó, cuộc đối đầu giữa Zuckerberg và Cook bùng nổ thành một cuộc chiến toàn diện. Từ đó, hiềm khích giữa hai công ty cũng leo thang tới tận bây giờ.

"Công nghệ sẽ chỉ hữu ích nếu nó có lòng tin của mọi người"

Chuyện muôn thuở Apple và Facebook trước giờ luôn ở trong tình trạng "bằng mặt chứ không bằng lòng" ai cũng biết, cả hai vẫn xả giao nhưng thỉnh thoảng lại "kình nhau" với các quan điểm, lập luận, ý kiến khá rõ ràng. Và điều này chiếm không ít giấy mực của giới báo chí quốc tế.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế rằng, cả hai thù địch lẫn nhau nhưng hiện vẫn luôn trong trạng thái cần có nhau. Vì sao như vậy? Nói một cách đơn giản, vốn hai công ty này phụ thuộc rất lớn vào nhau. Ví dụ, iPhone chiếm khoảng 50% thị phần di động tại Mỹ, cũng là kênh quan trọng nhất của người dùng mạng xã hội nước này.

Tất nhiên, Facebook cũng quan trọng với iPhone. Nếu không có Facebook, WhatsApp, Instagram sức hấp dẫn của iPhone đối với nhiều người dùng sẽ giảm đi rất nhiều. Ngược lại, nếu mọi người không thể sử dụng Facebook trên iPhone, họ sẽ tìm kiếm các nền tảng mạng xã hội khác.  Bỏ qua khía cạnh trên, còn lại hai gã công nghệ khổng lồ này lúc nào muốn "đá xoáy" nhau mỗi khi có cơ hội chín mùi.

Chẳng hạn, Facebook đã đặt một bài quảng cáo full trang chê bai các quyết định của Apple khi ra mắt tính năng App Tracking Transparency (Theo dỗi tính minh bạch của ứng dụng), yêu cầu nhà phát triển phải xin phép người dùng trước khi theo dõi họ trên ứng dụng hoặc trang web. Điều này ảnh hưởng lớn đến Facebook khi hoạt động kinh doanh của của họ chủ yếu dựa trên quảng cáo.

Về các tính năng bảo mật mới, Apple cho biết: "Chúng tôi chỉ tin rằng người dùng nên có các lựa chọn liên quan đến việc thu thập dữ liệu người dùng, và cách những dữ liệu này được sử dụng". Còn Facebook cho biết, tính năng này của Apple không liên quan gì đến quyền riêng tư mà chỉ liên quan đến lợi nhuận cá nhân.

Mặc dù không chỉ đích danh Facebook nhưng Tim Cook lên án mô hình kinh doanh nhắm vào các tương tác của người dùng. Ảnh: @AFP.

Mặc dù không chỉ đích danh Facebook nhưng Tim Cook lên án mô hình kinh doanh nhắm vào các tương tác của người dùng. Ảnh: @AFP.

Một phát ngôn viên của Facebook cho biết: "Các dịch vụ miễn phí, được hỗ trợ bởi quảng cáo trên Internet là điều cần thiết, nhưng Apple đang cố gắng viết lại các quy tắc để mang lại lợi ích cho chính mình trong khi cản trở người khác".

Thậm chí, gần đây nhất Facebook cũng đã chỉ trích Apple khi công ty này thông báo sẽ quét hình ảnh trên iPhone, iCloud để chống lạm dụng tình dục trẻ em. Will Cathcart, CEO của WhatsApp (thuộc sở hữu của Facebook) nói rằng, quyết định của Apple chính là giám sát người dùng và đó là cách tiếp cận sai lầm.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, Facebook cũng được coi là hãng vi phạm quyền riêng tư của người dùng nhiều nhất. Họ kiếm tiền từ dữ liệu người dùng mọi lúc, mọi nơi và khi có cơ hội thì tìm cách để đá xoáy "tấn công" Apple.

Câu chuyện này tưởng chừng là "chuyện thường ở phố phường" nhưng Tim Cook tiếp tục trong bài phỏng vấn với Financial Review, ông đã đưa ra nhận định sắc bén đáng để suy ngẫm.

Lời ông nói như sau: "Công nghệ không tốt. Nó cũng không xấu. Nó cân bằng. Do đó, chính tay của nhà phát minh và người dùng sẽ quyết định nó được sử dụng cho mục đích tốt. Nếu không khẳng định được điều đó, công nghệ sẽ mất đi công dụng với người dùng. Trong trường hợp đó, quyền riêng tư của người dùng sẽ thể trở thành tài sản thế chấp. Thuyết âm mưu hoặc phát ngôn thù địch sẽ nhấn chìm mọi thứ. Công nghệ sẽ chỉ hữu ích nếu nó có lòng tin của mọi người".

Các chuyên gia công nghệ quốc tế cũng như tín đồ công nghệ chú ý nhất câu nói "technology will only work if it has people's trust (Công nghệ sẽ chỉ hữu ích nếu nó có lòng tin của mọi người). Rõ ràng, câu nói này đánh thẳng tới tim đen của Facebook, bởi đây cũng đang chính là thực trạng mà Facebook phải đối mặt trong suốt nhiều năm qua. Mặc dù, thực tế Tim Cook không chỉ thẳng tới Facebook qua câu chữ, nhưng với sự xuất hiện của các từ như "thuyết âm mưu" hay "phát ngôn thù địch", động thái này cho thấy rõ ràng CEO Apple đang đề cập đến ai.

"Chúng ta mất nhiều dữ liệu hơn, chúng ta mất tự do làm người"

Thậm chí, phát biểu tại hội nghị Máy tính, Quyền riêng tư và Bảo vệ Dữ liệu (CPDP) ngày 28/1, Tim Cook đã có bài mở đầu với chủ đề về quyền riêng tư của người dùng.

Tim Cook đề cập sự lo ngại của Apple về quyền riêng tư, bảo mật trong ngành công nghệ và các mối quan tâm về mô hình kinh doanh của các công ty truyền thông xã hội. Ông nhắc lại quan điểm, trong nhiều trường hợp, người dùng không còn là khách hàng nữa mà đã trở thành sản phẩm của các doanh nghiệp và bị bán cho nhà quảng cáo.

"Như tôi đã nói trước đây, nếu chúng ta chấp nhận điều này một cách bình thường, mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta có thể được tổng hợp và bán. Chúng ta mất nhiều dữ liệu hơn, chúng ta mất tự do làm người", Tim Cook nói.

Mặc dù không chỉ đích danh Facebook nhưng Tim Cook lên án mô hình kinh doanh nhắm vào các tương tác của người dùng. "Tương tác của người dùng được quy đổi thành dữ liệu. Họ thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt", CEO Apple cho biết.

Ông khẳng định, một doanh nghiệp được xây dựng trên sự hiểu lầm và khai thác dữ liệu, nó không đáng được ca ngợi. Tim Cook tin rằng kết quả cuối cùng của cách tiếp cận công nghệ này là sự phân cực của xã hội, mất niềm tin và bạo lực, nó đáng phải được cải tổ.

CEO của Apple Tim Cook đã lên tiếng bảo vệ chiến lược của hãng dựa trên nguyên tắc rằng mỗi người đều có quyền kiểm soát, cho phép hoặc không cho phép các ứng dụng theo dõi dữ liệu cá nhân của mình. Ảnh: @AFP.

CEO của Apple Tim Cook đã lên tiếng bảo vệ chiến lược của hãng dựa trên nguyên tắc rằng mỗi người đều có quyền kiểm soát, cho phép hoặc không cho phép các ứng dụng theo dõi dữ liệu cá nhân của mình. Ảnh: @AFP.

Công nghệ cần có đạo đức; Công nghệ giúp bạn ngủ chứ không phải đánh thức bạn

Hiện nay, các quảng cáo mục tiêu là nguồn thu quan trọng của các công ty công nghệ lớn như Google và Facebook. Doanh thu của các nền tảng như Facebook hoặc Google phụ thuộc nhiều vào quảng cáo được trả tiền khi người dùng click vào tin nhắn tiếp thị. Vì vậy, khi các ứng dụng không thể thu thập thông tin người dùng thì việc tung ra những quảng cáo mục tiêu dựa trên phân tích dữ liệu người dùng cũng sẽ khó khăn hơn, làm giảm lượt người dùng bị quảng cáo thu hút và click vào tin nhắn tiếp thị, đồng nghĩa doanh thu cũng giảm.

Trong khi hiện tại, có thể thấy Facebook đang tập trung quá nhiều vào việc xây dựng các tính năng và sản phẩm cũng như tích cực thu thập dữ liệu, mà không quan tâm đến tác động của chúng đối với người dùng.

Thực tế, Facebook biện minh việc theo dõi dữ liệu người dùng như là chìa khoá của nền Internet mở và miễn phí và nó rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ. Ngay cả khi những điều đó là sự thật, nó chỉ cho thấy quan điểm của Tim Cook càng đúng đắn khi quyền riêng tư của người dùng thành tài sản thế chấp cho sự "mở cửa và miễn phí" của Internet. Nếu mô hình kinh doanh của bạn phụ thuộc vào việc thu thập và kiếm tiền từ càng nhiều dữ liệu của người dùng, việc bảo vệ quyền riêng tư cho họ cũng khá khó khăn.

"Tại Apple, chúng tôi tin công nghệ cần có đạo đức. Công nghệ giúp bạn ngủ chứ không phải đánh thức bạn. Nó cung cấp cho bạn không gian để sáng tạo, vẽ, viết hoặc học chứ không phải khiến bạn liên tục nhấn cập nhật. Đó là khi công nghệ có thể mờ dần vào nền khi bạn đang đi bộ đường dài hoặc bơi nhưng vẫn ở đó để cảnh báo bạn khi nhịp tim tăng đột ngột. Và với tất cả điều này, luôn luôn là quyền riêng tư và bảo mật. Không ai phải đánh đổi quyền riêng tư để có một sản phẩm tuyệt vời", Tim Cook nói.

Chuyên gia của Apple, Carolina Milanesi là một trong số nhiều người tin rằng hai công ty nhìn thế giới theo cách khác nhau và mối hiềm khích giữa họ là theo kiểu văn hóa và cá nhân. Ảnh: @AFP.

Chuyên gia của Apple, Carolina Milanesi là một trong số nhiều người tin rằng hai công ty nhìn thế giới theo cách khác nhau và mối hiềm khích giữa họ là theo kiểu văn hóa và cá nhân. Ảnh: @AFP.

Hiềm khích theo kiểu góc nhìn văn hóa và đậm chất cá nhân?

Chung quy lại, trung tâm của cuộc xung đột này là hai CEO, và sự khác biệt của họ luôn rõ ràng. Cook là một giám đốc điều hành giỏi, người đã được thăng chức tại Apple nhờ xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả. Zuckerberg, từng bỏ học tại Đại học Harvard đã xây dựng một đế chế truyền thông xã hội cho quyền tự do ngôn luận.

Với sự khác biệt sâu sắc về quan điểm của họ về tương lai kỹ thuật số, xung đột của họ cũng ngày càng gia tăng. Ông Cook muốn mọi người trả thêm tiền - thường là cho Apple - để có một phiên bản Internet an toàn hơn và riêng tư hơn. Chiến lược này cho phép Apple kiểm soát tình hình một cách chắc chắn. Nhưng Zuckerberg ủng hộ một mô hình Internet dạng "mở" và các dịch vụ như Facebook miễn phí. Trong trường hợp này, nhà quảng cáo sẽ trả tiền cho các dịch vụ.

Thậm chí, mối quan hệ giữa hai vị CEO này ngày càng trở nên lạnh nhạt. Mặc dù Zuckerberg đã đi dạo và ăn tối với người đồng sáng lập quá cố của Apple, Steve Jobs, nhưng Mark chưa từng làm điều đó với Cook. Cook thường liên lạc với đồng sáng lập Google Larry Page, nhưng ông và Zuckerberg hiếm khi gặp nhau tại các sự kiện như Allen & Company.

Zuckerberg cũng từng thẳng thắn nói về cảm nhận của Facebook về Apple. Ông nói trong một cuộc họp hội nghị về thu nhập thường niên: "Chúng tôi ngày càng tin rằng, Apple là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi."

Nhưng về điểm này, Cook có ý kiến khác: "Tôi nghĩ Apple và Facebook có sự cạnh tranh ở một số khía cạnh. Nhưng nếu tôi được hỏi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi là ai, Facebook không có trong danh sách".

Còn theo chuyên gia của Apple, Carolina Milanesi tin rằng hai công ty này đang nhìn thế giới theo cách khác nhau và mối hiềm khích giữa họ là theo kiểu văn hóa và đậm chất cá nhân trong đó.

Huỳnh Dũng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem