Ngày 6.8, với những tranh cãi gay gắt về vấn đề Biển Đông, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cuối cùng cũng đã thông qua được bản thông cáo chung vào phút chót trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, tránh lặp lại kịch bản không ra được thông cáo chung trong hội nghị tại Campuchia năm 2012.
Thông cáo chung được đưa ra vào tối muộn hôm qua, sau những tranh cãi, bất đồng gay gắt giữa các nước thành viên liên quan đến một đoạn đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông trong bản thông cáo chung này.
Bộ trưởng ngoại giao các nước tham dự hội nghị cấp cao ASEAN tại Malaysia
Sáng hôm qua, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho biết bản thông cáo chung này vẫn “đang được soạn thảo” do những khó khăn trong việc đạt được đồng thuận giữa các nước thành viên liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Bản dự thảo thông cáo chung vẫn được chỉnh sửa, thay đổi vào tối qua, khi các bộ trưởng ngoại giao bước vào hội trường Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), phiên họp cuối cùng trong hội nghị an ninh khu vực kéo dài 3 ngày tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Lúc đó, Ngoại trưởng Shanmugam đã phải thốt lên: “Bản thông cáo chung đáng lẽ phải được làm xong từ hôm qua. Thế mà giờ đây nó vẫn chưa được hoàn tất. Có rất nhiều khó khăn. Đoạn liên quan đến Biển Đông đã gây ra một số rắc rối”.
Trong bản thông cáo chung cuối cùng mà họ đạt được, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chỉ “ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số bộ trưởng về hoạt động cải tạo đảo, hoạt động đã làm xói mòn niềm tin, gây gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình”.
Bản tuyên bố này đã bỏ đi lời kêu gọi của Philippines yêu cầu tất cả các bên chấp nhận đề xuất “3 dừng” của Mỹ, đó là dừng cải tạo, xây dựng và quân sự hóa các hòn đảo trên Biển Đông.
Malaysia, nước chủ trì hội nghị ASEAN lần này đã kết thúc phiên họp bằng tuyên bố nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc tất cả các bên có liên quan ngừng mọi hoạt động trong khu vực”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị
Bản thông cáo chung lần này được cho là không khác gì bản tuyên bố mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Tư. Mặc dù bản tuyên bố hồi tháng Tư không đề cập đích danh bất cứ tên nước nào, nhưng Trung Quốc cũng đã phản ứng bằng cách bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với văn kiện này.
Trong ngày hôm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc đã ngừng mọi hoạt động trên Biển Đông, đồng thời đề nghị các phóng viên “lên máy bay và tìm hiểu” xem ai vẫn đang xây dựng ở vùng biển này. Khi được hỏi liệu có phải Trung Quốc đang xây dựng một đường băng nữa trên đảo nhân tạo hay không, Vương Nghị đã né tránh câu trả lời và hỏi lại: “Sao các anh không đi mà hỏi Philippines ấy?”
Tham dự hội nghị an ninh ASEAN lần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ hành động cản trở tự do hàng hải, hàng không nào trên Biển Đông, bởi đây là “những quyền cơ bản và phải được tất cả quốc gia, dù lớn hay nhỏ, tôn trọng”.
Ông Kerry cũng tiết lộ rằng nhiều nước có tranh chấp trên Biển Đông đã thể hiện rõ mong muốn ngừng cải tạo, xây dựng trong khu vực này, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng “không bên nào sẽ dừng hoạt động cải tạo nếu các bên khác phớt lờ lời kêu gọi này”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.