AVG không phải là cơ quan báo chí

Thứ bảy, ngày 18/12/2010 14:14 PM (GMT+7)
Dân Việt - Chủ tịch HĐQT An Viên Group (AVG) Phạm Nhật Vũ khẳng định “AVG không phải là cơ quan báo chí mà là doanh nghiệp”. AVG quyết tâm cuối năm 2011 sẽ phát sóng kênh thể thao và kênh văn hoá.
Bình luận 0

Cuộc họp báo “Công bố các điểm cơ bản trong chương trình “Hành động vì thể thao Việt Nam” và việc ký kết các bản quyền truyền hình thể thao của AVG diễn ra tại Hà Nội sáng 18-12 có sự tham dự của An Viên Group, đại diện các Liên đoàn thể thao, VTV3, VCTV, nguyên Phó Tổng Giám đốc VTV Trần Đăng Tuấn... cùng đông đảo các phóng viên báo chí.

Dưới đây, Dân Việt cung cấp tới bạn đọc đầy đủ thông tin chính về cuộc họp báo và không có bình luận gì.

img
Chủ tịch HĐQT An Viên Group Phạm Nhật Vũ tại cuộc họp báo sáng 18-12. Ảnh: Nhật Minh

Phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT An Viên Group (AVG) giới thiệu: Tôi là người yêu đạo Phật, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 1990. Quan điểm của tôi là nói ít, làm nhiều, nhưng đã nói thì phải nói đúng. Tôi là người tiết kiệm lời hứa, vì tôi đã hứa là làm.

An Viên Group là một nhóm các nhà đầu tư An Viên có gần 20 công ty, trong đó có Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (Audio Visual Global, cũng viết tắt là AVG). Chúng tôi chưa bao giờ phát ngôn, nhận mình là một tập đoàn mà đơn giản chỉ là một nhóm các nhà đầu tư. AVG không phải cơ quan tuyên truyền, không phải là cơ quan báo chí, mà là doanh nghiệp.

Điểm khác biệt lớn của AVG với một đài truyền hình là ở AVG, Đài Truyền hình Bình Dương kiểm soát nội dung mà AVG sản xuất. Thời gian tới, khi AVG hợp tác với kênh truyền hình Công an Nhân dân, truyền hình Công an Nhân dân sẽ kiểm duyệt nội dung.

Về hướng phát triển kỹ thuật truyền dẫn, AVG chọn kỹ thuật số mặt đất là chủ đạo. Đây là bước đi mà các nước phát triển đã đi, đang đi. Để xem truyền hình kỹ thuật số, cần có bộ giải mã nhưng bộ giải mã này, chúng tôi chưa phát hành ra thị trường. Để có thể cung cấp dịch vụ, chúng tôi đã nỗ lực hết mình trong thời gian qua, với nhiều công tác chuẩn bị, vấn đề là bao giờ đưa lên sóng, cung cấp dịch vụ mà thôi.

Ngày 10-10-2010 vừa qua, chúng tôi đã phát sóng thử nghiệm kỹ thuật. Nếu không có gì thay đổi thì AVG sẽ chính thức phát sóng kỹ thuật vào ngày 5-1-2011. Nhưng khi AVG phát sóng kỹ thuật thì không phải ai cũng xem được, mà chỉ có AVG và các cơ quan quản lý xem được để góp ý, điều chỉnh.

"Quan điểm của chúng tôi là sẽ cung cấp dịch vụ khi mọi khía cạnh đều đảm bảo về chất lượng, nội dung. Chúng tôi không muốn cung cấp dịch vụ cho người sử dụng mà lại có “sạn”. Chừng nào mọi thứ còn sạn thì chúng tôi sẽ chưa cung cấp dịch vụ, dù đến nay, mọi vấn đề đã cơ bản hoàn thành", ông Vũ khẳng định.

Tiếp đến, ông Phạm Nhật Vũ nói tiếp về nội dung các điểm cơ bản trong chương trình Hành động vì thể thao Việt Nam.

Ông Vũ cho hay, AVG đã gửi văn bản, làm việc trực tiếp với Bộ VH-TT&DL từ nhiều năm, khi được giao làm việc với trực tiếp với các bộ môn, AVG cũng đã làm.

Mục tiêu của AVG là nâng cao hình ảnh thể thao Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hơn và AVG chưa làm điều gì trái với mục tiêu đó. AVG không tự nhận là chuyên nghiệp nhưng có mối quan hệ hợp tác với nhiều đơn vị chuyên nghiệp, nhà nghề ở trong nước và nước ngoài, với mong muốn quảng bá và cung cấp hình ảnh thể thao Việt Nam đến người hâm mộ trong và ngoài nước.

Về vấn đề bản quyền truyền hình, ông Phạm Nhật Vũ cho biết: AVG không thể làm được một mình. Chúng tôi rất cần sự ủng hộ, chia sẻ từ nhiều phía, trong đó có các cơ quan truyền thông, báo chí. Chúng tôi phải tìm cách vận động, kết hợp. Mua hàng tốt, phải kinh doanh, chuyển đến những người cần nó. Không phải chỉ vì tiền, mà còn nhiều lợi ích khác. Đây là quyết tâm và cũng là khẳng định của AVG.

“Tôi không sợ ai nghĩ tôi sai, tôi chỉ sợ cái tâm tôi sai. Tôi không sợ ai nghĩ tôi xấu, tôi chỉ sợ cái tâm tôi xấu”, ông Vũ nhấn mạnh trước đông đảo đại biểu.

Kết thúc phần phát biểu kéo dài gần một giờ đồng hồ của ông Phạm Nhật Vũ là phần hỏi đáp của báo chí với AVG.

- Báo Người Lao động: An Viên Group đang phát triển mạnh. Vừa qua, có một quan chức của Đài Truyền hình Việt Nam đã từ chức và có thông tin là vị này sẽ đầu quân cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ có thể xác nhận điều đó?

Ông Phạm Nhật Vũ: Tôi biết bạn muốn nhắc đến trường hợp của anh Trần Đăng Tuấn. AVG đã mời anh Tuấn, có lời mời và mời từ rất lâu rồi. AVG sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu có những chuyên gia giỏi, những lãnh đạo tốt. Trong quá trình xây dựng AVG, anh Tuấn đã đóng góp và chỉ bảo chúng tôi rất nhiều. Tôi khẳng định là anh Trần Đăng Tuấn được mời là lãnh đạo cấp cao của AVG với vị trí Tổng Giám đốc và mọi chuyện chỉ còn là vấn đề thời gian.

- Báo Lao Động: AVG đã ký độc quyền bản quyền truyền hình V-League. Vậy AVG sẽ bán lại bản quyền cho các đài như thế nào? Các đài có được phát sóng, tác nghiệp trên sân hay không?

Ông Phạm Nhật Vũ: Trong trường hợp AVG chưa truyền hình trực tiếp, chưa bán bản quyền thì các đài sẽ được vào sân làm việc, truyền trực tiếp và không mất phí.

Những trận đấu ở địa phương nơi có CLB tham gia mà AVG truyền hình trực tiếp, đài địa phương sẽ được tiếp sóng miễn phí nhưng phải truyền đầy đủ quảng cáo trước, trong và sau trận đấu. Nếu muốn có sóng “sạch” thì phải trả tiền theo thoả thuận riêng của hai bên. Hiện AVG đã bàn bạc với một số đài, thời gian tới chúng tôi sẽ bàn bạc sâu hơn để đưa ra giải pháp thích hợp.

- Báo Lao động: Từ năm 2011, khán giả có được xem miễn phí V.League? Trong tương lai, ngoài điền kinh, bóng đá, AVG sẽ mua bản quyền của những liên đoàn nào?

Ông Phạm Nhật Vũ: Việc khán giả có được xem miễn phí hay không là chuyện của các đài. AVG muốn chương trình được phát miễn phí tới người dân, nhưng được hay không là do “cách làm” của các đài truyền hình. Việc ký kết thêm với các liên đoàn, AVG sẽ có tính toán trong thời gian tới.

- Báo Tuổi trẻ TPHCM: Khán giả sẽ được xem V.League mùa giải 2011 trên kênh nào, kéo dài bao lâu?

Ông Phạm Nhật Vũ: AVG chưa đưa ra thời điểm phát sóng dịch vụ chính thức bởi quan điểm chúng tôi là khi đưa nội dung ra là phải hấp dẫn. Trước hết trong năm 2011, AVG chịu lỗ 6 tỷ đồng/năm tiền mua bản quyền V-League. Chúng tôi sẽ chia đều tỷ lệ các trận đấu cho các đài mà không lấy phí. Nếu AVG vào sân tác nghiệp, AVG sẽ cho tiếp sóng mà không lấy lãi, chỉ lấy lại phần “vốn” bỏ ra để có chương trình. Nhưng khán giả có xem được hay không xem được còn do kỹ thuật. Có khả năng chúng tôi truyền, các đài không thể nhận được.

- Báo Văn hoá: VFF và AVG đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình kéo dài 20 năm. Vậy sau 5 năm AVG và VFF có đàm phán lại? Trong thời gian đó, AVG có độc quyền không? Và AVG có hỗ trợ thêm cho các liên đoàn nếu trượt giá?

Ông Phạm Nhật Vũ: Chúng tôi dùng trong hợp đồng những từ “toàn diện, duy nhất”. Tôi không thích nghe từ “độc quyền” bởi độc quyền hiểu theo nghĩa là một mình mình làm, cho ai thì cho, không cho thì thôi. Nhưng xét tới cùng về mặt luật pháp, tôi có cơ sở để khẳng định mình là đầu mối duy nhất. Một đầu mối sẽ dễ chia sẻ, đàm phán, các liên đoàn và các đài sẽ đỡ khổ, đỡ vất vả.

Sau 5 năm, nếu thấy có vấn đề, chúng tôi sẽ đàm phán lại theo tiêu chí đôi bên và các bên cùng có lợi. Đó là mong muốn, quyết tâm của chúng tôi. Tôi tin chắc tất cả chúng tôi đều coi mục đích hàng đầu là vì thể thao Việt Nam.

- Báo Sài Gòn Tiếp thị: Đến bao giờ, các chương trình AVG sẽ xuất hiện? AVG sẽ phát sóng dựa trên kỹ thuật số, phải có đầu kỹ thuật số hoặc bộ giải mã đã xem. Liệu có hay không về một K+ thứ hai?

Ông Phạm Nhật Vũ: AVG sẽ phát sóng vào lúc AVG hoàn thiện. Dự kiến quyết tâm của chúng tôi là cuối năm 2011. Việc truyền trực tiếp phải theo lịch thi đấu, có sự kết hợp với các đài. Nếu nói ở góc độ cung cấp truyền hình số vệ tinh, thì giấy phép cung cấp dịch vụ của AVG có thể coi như K+. Nhưng AVG còn có giấy phép cung cấp dịch vụ kỹ thuật số mặt đất, đó là điểm khác của AVG.

Chúng tôi sẽ làm và không phải kiếm tiền bằng mọi giá, hoà mình vào lợi ích chung, đó là chiến lược của chúng tôi.

- Báo SGGP: Liệu có xảy ra việc đầu thu của AVG liên tục thay đổi, khiến người dùng phải liên tục mua các đầu thu đời sau mới xem được?

Ông Phạm Nhật Vũ: Chắc chắn là chúng tôi không làm như thế. Đầu thu của chúng tôi là ổn định về mặt công nghệ, tính toán tích hợp kỹ thuật lâu dài… để không làm ảnh hưởng đến người dân.

- Vnexpress: AVG có tính đến việc mua bản quyền thể thao quốc tế? Dự kiến mức phí cho truyền hình trả tiền của AVG?

Ông Phạm Nhật Vũ: Chúng tôi chưa có chiến lược xây dựng kênh thể thao có phần quốc tế quá nhiều, nếu phần thể thao trong nước tốt thì phần thể thao quốc tế có khi chỉ là điểm xuyết.

Về mức phí, AVG sẽ đưa ra một cái giá hợp lý, hoàn toàn chấp nhận được, tương xứng dịch vụ, nội dung.

- Báo điện tử Dân Việt: Hội Cổ động viên Việt Nam đang có chương trình kêu gọi Một triệu chữ ký phản đối K+ độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ngày Chủ nhật, nếu được mời tham gia, ông có nhận lời?

Ông Phạm Nhật Vũ (cười): Tôi trả lời thế này không phải né tránh. Thời gian rảnh rỗi trong ngày, tôi để thiền, niệm Phật, tụng kinh sách, cũng không có thời gian quan tâm nhiều đến việc khác. Bản thân tôi sau một thời gian làm việc cũng chưa xuất hiện nhiều, thậm chí rất hiếm xuất hiện ở chỗ công chúng nên sợ nói có hay không cũng không chính xác. Nếu Hội cổ động viên có mời tôi tham gia thì có khi là cũng chưa mời đúng người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem