Bà Hứa Thị Phấn, cựu Cố vấn cấp cao HĐQT TRUST Bank qua đời

Quốc Hải Thứ ba, ngày 14/02/2023 16:35 PM (GMT+7)
Bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín (TRUST Bank), người bị tuyên 30 năm tù trong đại án Ngân hàng Đại Tín đã qua đời vào 14h ngày hôm qua (13/2).
Bình luận 0
Bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cấp cao HĐQT TRUSTBank qua đời - Ảnh 1.

Bà Hứa Thị Phấn tại lần xử án liên quan đến TRUSTBank. Ảnh: PLO

Bà Hứa Thị Phấn (tên thường gọi: Sáu Phấn) sinh năm 1947, quê quán Đồng Tháp. Bà Phấn nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, nguyên cố vấn cấp cao Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đại Tín (TRUST Bank), nguyên thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn SSG.

Tuy chỉ giữ chức cố vấn cấp cao Hội đồng Quản trị và cố vấn Hội đồng Tín dụng TRUST Bank nhưng bà Sáu Phấn lại sở hữu tới 85% cổ phần nhà băng này, tương đương hơn 2.500 tỷ đồng và là người chi phối và điều hành hoạt động của TRUST Bank trước khi bán cho ông Phạm Công Danh.

Cụ thể, theo bản án sơ thẩm đã tuyên, bà Phấn lợi dụng việc sở hữu lượng lớn cổ phần (gần 85%) TRUST Bank nên thao túng mọi hoạt động nhà băng. 

Cụ thể, sau khi thâu tóm toàn bộ TRUST Bank, bà Phấn lập các công ty con sân sau cho người nhà, con cháu, người thân đứng tên. Từ đây bà Phấn chỉ đạo các thuộc cấp làm các thủ tục để NH Đại Tín đầu tư 1.037 tỷ đồng vào 4 dự án của Công ty Phú Mỹ; Công ty CP địa ốc Lam Giang; Công ty TNHH Phú Mỹ (do bà Phấn làm chủ). 

Số tiền này bà Phấn không dùng để đầu tư vào các dự án như hợp đồng mà rút tiền mặt sử dụng cá nhân và đến nay chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm. Cấn trừ vào các nghĩa vụ đã thanh toán, thiệt hại thực tế bà Phấn gây ra từ sai phạm này là hơn 901 tỷ đồng.

Trong cuộc họp hồi cuối năm 2022 của Bộ Tư pháp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi, cho hay, trong vụ án Hứa Thị Phấn, cơ quan chức năng đã tổ chức thi hành gần 7.000 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn còn phải thi hành trên 9.700 tỷ đồng nhưng đến nay đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản kê biên.

Dự án Bệnh viện đa khoa Phú Mỹ được cơ quan tố tụng kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án cho bà Hứa Thị Phấn, nhưng dự án này hiện không đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định pháp luật...

Ngoài ra, bà Phấn còn chỉ đạo thư ký Trần Thị Kim Loan và một số con cháu, nhân viên dưới quyền mua các tài sản bất động sản tại TP.HCM và Nha Trang. 

Cụ thể, các tài sản là căn nhà số 10 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1; số 422B Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3; số 409 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10 (đều ở TP Hồ Chí Minh) và số 30 Quang Trung (phường Vạn Thắng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Tất cả các tài sản này đều được nâng khống lên 6-8 lần để bán lại cho NH.

Bản án sơ thẩm Tại án xử sơ thẩm vào tháng 11/2019 toà án đã tuyên phạt bà Phấn 30 năm tù. Thư ký của bà Phấn là bị cáo Bùi Thị Kim Loan với tổng hợp các bản án là 30 năm tù. Các bị cáo khác bị phạt từ hai năm án treo đến năm năm tù...

Đến tháng 6/2020, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Hứa Thị Phấn giai đoạn 2, để xem xét kháng nghị và kháng cáo liên quan khoản thiệt hại 1.338 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín.

Cũng như những phiên toà khác, bà Phấn vẫn không xuất hiện với lí do "mất sức khoẻ 93% vì bị bệnh huyết áp cấp độ ba và tiểu đường tuýp II, béo phì... không có khả năng đi lại".

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Phấn cũng được tạm hoãn thi hành án do bị mất 93% sức khỏe.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem