Bà Lê Thu Vân ra đầu thú, có thể bị xử lý thế nào?
Vụ việc ông Lê Tùng Vân: Bà Lê Thu Vân ra đầu thú, quy trình xử lý thế nào?
Quang Trung
Thứ năm, ngày 28/07/2022 11:04 AM (GMT+7)
Bị can thứ 7 trong vụ Tịnh thất Bồng Lai là Lê Thu Vân đã trình diện tại Công an phường 15 (quận Phú Nhuận,TP.HCM), chuẩn bị di lý về Công an tỉnh Long An để phục vụ điều tra. Quy trình xử lý tiếp theo thế nào?
Ngày 28/7, một nguồn tin từ Công an tỉnh Long An cho biết bà Lê Thu Vân (65 tuổi) đã ra đầu thú. Đơn vị đã cử cán bộ tiếp nhận, di lý về địa phương để xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 10/5, bà Lê Thu Vân bị khởi tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo cơ quan điều tra, bà Vân có vai trò giúp sức tích cực và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội với nhóm của Lê Tùng Vân. Tuy nhiên, người phụ nữ này đã bỏ trốn và đi đâu không rõ.
Tối 21/7, TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã tuyên bản án sơ thẩm đối với 6 đồng phạm của bà Lê Thu Vân.
Theo đó, ông Lê Tùng Vân nhận mức án 5 năm tù, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng bị phạt 4 năm tù.
Lê Thanh Nhị Nguyên 3,5 năm tù, còn Cao Thị Cúc lĩnh án 3 năm tù cùng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
Khung hình phạt đối với tội danh đã khởi tố
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, pháp luật quy định bị can bỏ trốn không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và khi trở về đầu thú cũng không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà chỉ có "tự thú" mới là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, việc bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả sẽ được xem là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Việc bà Lê Thu Vân bỏ trốn có thể không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không chỉ căn cứ vào tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Theo bà Thơ, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là một trong những yếu tố tác động đến loại hình phạt và mức hình phạt. Mà hình phạt chỉ được đặt ra khi bị cáo bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Pháp luật cũng quy định, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, việc bị can bỏ trốn sẽ cản trở cho hoạt động điều tra, sẽ đánh giá thái độ của bị can là chưa ăn năn, chưa thành khẩn, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Bởi vậy, nếu sau này tòa án kết tội, những bị cáo bỏ trốn, không thành khẩn khai báo, không thể hiện thái độ ăn năn hối cải, hình phạt cũng sẽ bị áp dụng nghiêm khắc hơn với những bị cáo khác.
"Lê Thu Vân đã bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An khởi tố bị can, để điều tra tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015.
Khoản này có khung hình phạt là phạt tù từ 2 đến 7 năm" – bà Thơ cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.