Bà Rịa - Vũng Tàu: Gần 300 bộ đội xuống vườn giúp nông dân thu hoạch tiêu

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 14/02/2023 16:12 PM (GMT+7)
Trước khó khăn về nhân công khi tiêu vào vụ của bà con nông dân huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bộ đội tại địa phương đã nhanh chân xuống vườn chung tay cùng hỗ trợ nông dân thu hoạch tiêu.
Bình luận 0

Bộ đội xuống vườn giúp nông dân thu hoạch tiêu

Ngày 14/2, Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Sư đoàn 302/QK7 và UBND huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức lễ xuất quân hỗ trợ nông dân trên địa bàn thu hoạch hồ tiêu.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Bộ đội xuống vườn giúp nông dân Châu Đức thu hoạch tiêu - Ảnh 1.

Bộ đội giúp nông dân thu hoạch tiêu. Ảnh: Tuệ Mẫn

Theo đó, có gần 300 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 302, dân quân thường trực huyện Châu Đức đã xuống vườn hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch tiêu. Đặc biệt sẽ chú trọng tập trung vào hỗ trợ các gia đình có thanh niên nhập ngũ năm 2023 và những gia đình khó khăn trên địa bàn các xã Bàu Chinh, Quảng Thành, Bình Giã (Châu Đức).

Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, địa phương là vùng chuyên nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 35.000 ha. Đất trên địa bàn chủ yếu là đất đỏ nâu, đỏ vàng và đất đen trên nền đất Bazan nên phù hợp với các loại cây như cao su, hồ tiêu, cà phê, điều, cây ăn trái và ca cao.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Bộ đội xuống vườn giúp nông dân Châu Đức thu hoạch tiêu - Ảnh 2.

Nhân công thuê khó khăn, bộ đội xuống vườn giúp nông dân

Hiện diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn huyện là 5.077ha, trong đó có khoảng 4.310ha đang thời kỳ thu hoạch, với sản lượng khoảng 7.758 tấn. 

Vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm của huyện được xác định gồm các xã Quảng Thành, Bàu Chinh, Kim Long, Láng Lớn, Sơn Bình, Bình Giã, Đá Bạc, Bình Trung, Xuân Sơn, với quy mô diện tích mỗi xã từ 350-600 ha/xã. Thời kỳ thu hoạch tập trung từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, tùy theo giống và điều kiện khí hậu thời tiết. 

Nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi mà hồ tiêu ở đây có mùi thơm đặc biệt, giá bán tiêu cũng cao hơn sản phẩm cùng loại của các vùng trồng khác từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.

Thời điểm này giá tiêu hạt rơi vào khoảng 60.000 đồng/kg (tiêu hạt khô), trong khi nhân công hái tiêu mỗi ngày khoảng 300.000 đồng/công, cộng thêm nhiều chi phí khác, nếu nông dân thuê người hái thì khả năng thu không đủ bù chi. Trước khó khăn đó, nhằm hỗ trợ nông dân, bộ đội đã cùng xuống vườn, hỗ trợ nông dân thu hoạch tiêu.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Bộ đội xuống vườn giúp nông dân Châu Đức thu hoạch tiêu - Ảnh 3.

300 bộ đội xuống vườn hỗ trợ nông dân. Ảnh: Tuệ Mẫn

Cũng theo ông Bản, hiện nay để ổn định đời sống bà con trồng tiêu, tìm đầu ra ổn định cho hạt tiêu thì các địa phương cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng tiêu để giảm giá thành và nâng cao hiệu quả của việc phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt là sản xuất theo quy trình canh tác tiên tiến, tạo ra các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc mở rộng diện tích hồ tiêu phải gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được chứng nhận và được thị trường chấp nhận là những vấn đề tiên quyết trong việc phát triển bền vững cây hồ tiêu trên địa bàn huyện trong thời gian tới. 

Đối với diện tích hồ tiêu bị dịch bệnh hoặc cho năng suất thấp, khuyến cáo chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp, có hiệu quả kinh tế ổn định.

Hiện nay, cây tiêu đang ở thời kỳ thu hoạch rộ trong khi nhân công thu hoạch khan hiếm nên người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê nhân công, dẫn đến việc thu hoạch trễ hoặc bỏ thu hoạch.

"Do đó địa phương rất cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của Sư đoàn bộ binh 302 đối với nông dân địa phương. UBND huyện cũng đề nghị các xã vận động người tham gia thu hoạch tiêu hỗ trợ nông dân và tuyên truyền bà con nông dân thu hoạch tiêu đúng thời vụ…”, ông Bản nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem