Trong bốn năm, từ 1965 đến 1969, mỗi năm Bác dành khoảng 10 ngày, mỗi ngày thường dùng khoảng thời gian từ 9h đến 10h để viết những dòng dặn lại mai sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết di chúc từ ngày 10/5/1965, một tài liệu mà Bác đề là “tuyệt đối bí mật”, một “lá thư” dặn lại mai sau. PGS.TS Bùi Đình Phong (giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) sau nhiều năm nghiên cứu về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, với một cách tiếp cận mới, đã thực hiện cuốn sách Xây dựng đất nước phồn vinh theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuốn sách gồm ba chương, đi từ chỗ phân tích một số khía cạnh trong văn bản Di chúc đến quá trình hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước từng bước thực hiện theo Di chúc của Bác, cuối cùng là một vài suy nghĩ tiếp tục xây dựng Tổ quốc Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, cùng nhịp bước với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại.
Quá trình Bác Hồ viết Di chúc được thể hiện trong phần đầu cuốn sách. Sách dẫn lại lời của Vũ Kỳ - thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người được chứng kiến cả quá trình Bác Hồ viết Di chúc từ năm 1965 đến năm 1969: “Tôi nhớ mãi sáng tháng 5 ấy. Đó là buổi sáng thứ hai, mồng 10/5/1965 không thể nào quên. Khắp nơi trong cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích mừng thọ Bác Hồ 75 tuổi… Đúng 9h, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã được suy ngẫm từ lâu”.
Đó là giờ phút Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại cho muôn đời sau. “Tuyệt đối bí mật” vì Bác không muốn cho nhiều người biết việc làm của một người “sắp đi xa”, ngại dẫn đến những suy nghĩ không có lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều văn bản mang tính lịch sử như bản Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (1946), Lời kêu gọi Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966)… Các văn bản ấy đều viết trong khoảng thời gian ngắn.
Nhưng khi viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật” thì khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc trong bốn năm (10/5/1965 - 5/1969). Mỗi năm Bác dành khoảng mười ngày vào dịp sinh nhật của mình (từ ngày 10 đến khoảng ngày 19/5) để viết.
“Bác rất cẩn trọng dành thời gian bốn năm với nhiều tâm huyết, cân nhắc từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời, xóa đi, viết lại, bổ sung. Mấy trang giấy của Bác, trên dưới một nghìn từ là cả một quá trình suy tư, trăn trở, tìm tòi mà có lẽ Người cũng chưa thật sự hài lòng”, trích cuốn sách Xây dựng đất nước phồn vinh theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 10/5/1965, từ 9h đến 10h, Người bắt đầu viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Ngày 11 và 13/5, cũng từ 9h đến 10h, Người viết tiếp tài liệu “Tuyệt đối bí mật”.
Ngày 14/5, sáng, Bác thăm hợp tác xã nông nghiệp Phương Đông (xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội). 10h, Người họp Bộ Chính trị bàn về công tác đào tạo cán bộ. Từ 14h đến 16h, Người viết tiếp phần cuối tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, đúng 16h thì viết xong. Người viết mấy dòng chữ “Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 1965” trước chữ ký Hồ Chí Minh. Bên cạnh, phía trái là chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn.
21h ngày 14/5/1965, Vũ Kỳ đưa Bác lên nhà sàn. Bác giao lại chiếc phong bì cho Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận. Sang năm, mồng 10/ 5, nhớ đưa lại cho Bác”.
Sáng 10/5/1966, nhớ lời Bác dặn, Vũ Kỳ đặt chiếc phong bì trên bàn làm việc của Bác, nhưng Bác không viết gì thêm. Theo Vũ Kỳ, từ ngày 12 đến ngày 14/5, Bác ghi thêm liền sau đoạn “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” câu “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Từ dịp sinh nhật năm 1966 đến trước dịp sinh nhật năm 1968, Bác không viết gì thêm vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật”.
Năm 1968, đúng ngày 10/5, từ 9h đến 10h, Người viết lại phần mở đầu của tài liệu “Tuyệt đối bí mật” và phần “Về việc riêng”. Ngày 11/5, đúng 9h, Bác tiếp tục viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, phần nói về công tác chỉnh đốn Đảng. Ngày 12/5, đúng 9h, Bác tiếp tục viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, đọc và sửa chữa những phần đã viết.
Các ngày 13, 14, 15, 16, 17, 18/5, trong khung giờ từ 9h đến 10h, Bác tiếp tục đọc, sửa chữa, bổ sung tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Đúng ngày 19/5/1968, sau khi tiếp thân mật các cán bộ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến chúc mừng sinh nhật, Bác tiếp tục sửa chữa và bổ sung tài liệu “Tuyệt đối bí mật”.
Năm 1969, vẫn như những năm trước, Bác làm việc đều đặn và không quên sửa tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Vẫn đều đặn vào khoảng từ 9h đến 10h sáng các ngày từ 10 đến 20/5/1969. Ngày 20/5, Người xem lại lần cuối văn bản, rồi bỏ vào phong bì cất đi.
Theo PGS. TS Bùi Đình Phong “Những lời căn dặn cuối cùng của Bác là một văn kiện lịch sử vô giá kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn, tình cảm thiết tha của một nhân cách, một lãnh tụ, một con người cả cuộc đời vì nước vì dân, cống hiến vô tư, cực đại cho dân tộc và nhân loại, không có một chút gì cho cá nhân mình, không dính líu gì với vòng danh lợi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.