Người Trung Quốc sẽ là "nạn nhân" của chính việc nước này áp thuế hơn 80% lúa mạch Úc, theo Bộ trưởng Thương mại Úc, Simon Birmingham. Ảnh minh họa: Getty
Tờ Daily Mail dẫn lời ông Simon Birmingham, Bộ trưởng Thương mại Úc, giải thích việc áp thuế lên hơn 80% lúa mạch Úc đồng nghĩa các nhà sản xuất bia và nông dân chăn nuôi Trung Quốc sẽ phải mua lúa mạch từ các nước khác với mức giá cao hơn.
Úc hiện là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc và một trong số những nơi có mức giá lúa mạch rẻ trên thế giới.
Nhưng giờ đây, Trung Quốc sẽ phải tìm các nguồn khác như Pháp, Canada, Argentina hay một số nước ở châu Âu.
Ông Birmingham nhấn mạnh điều này sẽ khiến chi phí hoạt động của các nhà sản xuất bia ở Trung Quốc tăng và hệ quả là giá sản phẩm cũng tăng.
"Nếu Trung Quốc đi mua lúa mạch ở các nước khác với giá đắt hơn hoặc chất lượng không đảm bảo, đó chính là thất bại của họ. Trong khi đó, Úc không thiếu các "khách hàng" mới để xuất khẩu lúa mạch", Bộ trưởng Thương mại Úc nói trên đài phát thanh 6PR.
Ông Birmingham nhận định động thái áp thuế mới nhất của Trung Quốc lên lúa mạch Úc sẽ là một sự "trừng phạt" với các nhà sản xuất bia Trung Quốc.
Các nhà sản xuất bia Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lớn từ động thái mới áp thuế mới nhất của Bắc Kinh. Ảnh: Shutterstock
Bắc Kinh trước đó cáo buộc Canberra vi phạm các quy tắc thương mại bằng cách trợ cấp cho nông dân thông qua trợ cấp trang trại, dự án lưu vực sông Murray-Darling và khoảng 30 sáng kiến khác của chính phủ.
Bộ trưởng Thương mại Úc hôm 19/5 cho rằng cáo buộc này là "nực cười": "Liệt những thứ như nâng cấp cơ sở hạ tầng ở lưu vực sông Murray-Darling như là một biện pháp trợ cấp cho các nhà xuất khẩu lúa mạch khi phần lớn lúa mạch đến từ các vùng Tây Úc hoặc Nam Úc và được canh tác trên đất khô cằn".
Việc Trung Quốc áp thuế hơn 80% lúa mạch Úc sẽ kéo dài trong 5 năm kể từ ngày 18/5/2020. Động thái này được đưa ra chỉ một tuần sau khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà sản xuất lớn ở Úc.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc được bắt nguồn kể từ khi Thủ tướng Úc, Scott Morrison, kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 - bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.