Khi vận động tranh cử, Trump thường nói Trung Quốc "ăn hiếp" Mỹ và hứa sẽ mạnh tay với nước này
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), cả hai ứng viên Tổng Thống Mỹ có thể không cùng chung quan điểm về nhiều vấn đề, nhưng họ lại hoàn toàn đồng tình với cách chỉ trích Trung Quốc mà ông Trump là người mở đầu.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên, ông Trump cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công việc của người Mỹ, làm giảm giá trị đồng tiền để gian lận trong thương mại toàn cầu và không kiềm chế Triều Tiên. Trong khi đó, bà Clinton cam kết sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn trước đợt tấn công mạng từ Trung Quốc và các nước khác.
Chỉ trích Trung Quốc đã trở thành chuyện bình thường trong các cuộc tranh luận ứng viên Tổng thống Mỹ nhiều năm qua. Xu hướng này được dự báo sẽ còn xuất hiện trong hai cuộc tranh luận sắp tới.
Việc giải quyết rắc rối xung quanh một Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế và quân sự là một trong những điều mà tân Tổng thống Mỹ phải đối mặt. Đối với Trung Quốc, Bắc Kinh nghiêng về ứng viên nào có thể đảm bảo quan hệ Nga-Trung, tiếp tục con đường hợp tác thay vì đối đầu.
Tháng trước, trong chuyến thăm đến New York, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định rằng quan hệ Mỹ-Trung đang cải thiện bất chấp ứng viên nào được bầu làm tổng thống.
Bắc Kinh từ lâu đã chấp nhận rằng, lời lẽ cứng rắn của ứng viên Tổng thống Mỹ chưa chắc đã chuyển thành hành động và người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ thay đổi lại lập trường khi bước vào Phòng Bầu Dục.
Được làm việc với một người ít có tư tưởng thù địch hơn là điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng.
Bà Clinton được biết đến bởi lập trường cứng rắn trong vấn đề nhân quyền và bộ máy chính trị Trung Quốc. Khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời ông Obama, bà Clinton dẫn đầu trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington. Đây là bước đi nhằm kiểm soát tầm ảnh hưởng và sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc tranh luận hồi đầu tuần.
Ngược lại, ông Trump không để lộ quan điểm chính trị và ngoại giao với Trung Quốc cho đến khi tỷ phú Mỹ trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Ông Trump thường có lời bình luận thẳng thắn và thậm chí thái quá về Trung Quốc như Bắc Kinh đang "ăn hiếp" Mỹ và hứa sẽ áp thuế 45% cho mỗi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhưng nhìn chung, quan điểm chính trị của Donald Trump về Trung Quốc lại không rõ ràng. Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa phản đối Hiệp định TPP và yêu cầu đồng minh Mỹ trả tiền để Washington duy trì quân đội ở nước ngoài là điều mà Bắc Kinh có thể cảm thấy hài lòng.
Ngoài ra, ông Trump cũng rất ít khi nhắc đến hệ thống chính trị Trung Quốc hay nhân quyền. Với những lý do như vậy, có những thông tin gần đây cho rằng, Trung Quốc muốn ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ hơn bà Clinton.
Tất nhiên dự đoán vẫn chỉ là dự đoán. Về vấn đề chính trị và ngoại giao, Bắc Kinh chắc chắn sẽ muốn làm việc với nhà lãnh đạo mà nước này có thể hiểu rõ.
Trong quá khứ, quan hệ Mỹ-Trung đã có đột phá dưới thời tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa. Bởi đảng Cộng hòa thường chỉ tập trung vào thương mại và kinh tế mà ít quan tâm hơn đến nhân quyền và hệ thống chính trị Trung Quốc.
Richard Nixon là người mở đường cho việc nối lại quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung bằng chuyến thăm đến Bắc Kinh năm 1972. Truyền thông Trung Quốc cũng hết lời ca ngợi nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ George W. Bush dù vướng phải sự cố máy bay do thám.
Nhưng Donald Trump không phải là hình mẫu truyền thống của ứng viên đảng Cộng hòa. Thậm chí là gia tộc Bush và các tập đoàn lớn ở Mỹ còn từ chối ủng hộ ông Trump.
Tín hiệu như vậy có thể khiến quan chức Trung Quốc phải suy nghĩ lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.