Bắc Ninh: Căng thẳng do mâu thuẫn về nguồn gốc 14 mẫu ruộng

Việt Tùng - Trần Dũng Thứ hai, ngày 24/04/2017 20:40 PM (GMT+7)
Sự việc căng thẳng về đất đai ở xã Yên Trung (Yên Phong, Bắc Ninh) âm ỉ từ vài ngày qua bắt đầu từ mâu thuẫn trong việc xác định nguồn gốc 14 mẫu ruộng thuộc xứ Đồng Cốc, thôn Vọng Đông giữa người dân và chính quyền địa phương.
Bình luận 0

Liên tiếp trong 2 ngày 22 và 23.4, PV Dân Việt đã về tận nơi để tìm hiểu sự việc. Sự việc bắt đầu xảy ra  ngày 20.4, khi hàng trăm người dân thôn Vọng Đông tụ tập trên khu đất 14 mẫu (tương đương 50.400m2) thuộc xứ Đồng Cốc (thôn Vọng Đông, xã Yên Trung). Đây là khu đất nằm trong diện tích UNBD tỉnh Bắc Ninh thu hồi hơn 300ha để xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong I mở rộng. Cùng ngày, tỉnh Bắc Ninh đã điều động hàng trăm công an, cảnh sát tới “bảo vệ thi công” tại khu đất nói trên và đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân.

img

Người dân thôn Vọng Đông, xã Yên Trung (Yên Phong, Bắc Ninh)  bức xúc khi đơn vị thi công tự ý múc hào ngăn đường không cho người dân đi lại để chăm sóc đồng ruộng, mặc dù đây là con đường duy nhất để họ ra đồng.

Có mặt tại KCN Yên Phong I mở rộng và khu đất Đồng Cốc 14 mẫu, theo quan sát của PV, con đường độc đạo người dân vẫn đi lại mỗi khi ra đồng đã bị múc thành hào sâu, khiến người dân không thể qua lại được. Tại khu đất đã được quây kín bằng tôn màu xanh, phía trên chòi canh có một số người mặc cảnh phục quan sát mọi hoạt động từ trong và ngoài khu vực được quây tôn. Phía bên trong hàng rào, hàng chục máy móc đang đào múc rất khẩn trương.

img

Ông Nguyễn Văn Chí, kế toán, kiêm thống kê thôn Vọng Đông từ năm 1986 đến nay chỉ cho PV về diện tích 14 mẫu ở khu Đồng Cốc được ghi rõ ràng và thu thuế hằng năm.

Lý giải về nguồn gốc khu đất này, ông Nguyễn Văn Chí (kế toán, kiêm thống kê thôn Vọng Đông, công tác từ năm 1986 đến nay) cho biết: “Khu Đồng Cốc vốn là khu đất màu có diện tích 22 mẫu. Từ năm 2000 - 2004, khi Nhà nước chia lại ruộng đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 22 mẫu Đồng Cốc bị giảm đi chỉ còn 14 mẫu chia theo khẩu (không vào sổ đỏ). Tại thời điểm này, có 172 hộ được chia với định mức mỗi khẩu 2 thước (48m2), HTX  Vọng Đông vẫn thu thuế, thủy lợi phí, với mức đóng 77kg thóc/sào/năm”.

Theo người dân, mọi rắc rối xảy ra khi ngày 3.10.2014, Trưởng thôn đương nhiệm lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Luyến và Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Minh Đức đã họp dân, chủ trương cho thầu khu đất Đồng Cốc để lấy tiền sửa nhà mẫu giáo. Theo đó, trong cả 3 lần họp, Trưởng thôn và Bí thư chi bộ đều thỏa thuận khi hết hợp đồng, hoặc khi thu hồi đất làm KCN các hộ thầu phải trả lại cho dân. Khi đó có 76 hộ nhận thầu (trong 3 năm), với tổng số tiền thu được 181 triệu đồng.

img

Hàng chục người dân thôn Vọng Đông bức xúc phản ánh với PV, khi chưa thống nhất phương án đền bù, chính quyền đã thu hồi.

Tuy nhiên, thôn không sửa chữa trường mầm non mà gửi số tiền trên vào ngân hàng. “Khi giao thầu cho 76 hộ (riêng ông Luyến - Trưởng thôn nhận thầu tới 4 mẫu) cả thôn và người dân đều thống nhất thời hạn là 3 năm, nhưng mới thầu được 1,5 năm thì tỉnh thu hồi làm KCN. Đúng ra thôn phải đứng ra thu lại ruộng giao thầu cho 76 hộ, rồi trả lại cho 172 hộ, để khi Nhà nước thu hồi thì đền bù cho các hộ. Nhưng thôn không làm vậy, mà báo cáo lên cấp trên là “đất công ích”, nên chỉ có 76 hộ đang nhận thầu được hưởng đền bù hoa lợi, với giá 30.000 đồng/m2, nên đã xảy ra mâu thuẫn” - ông Chí nói.

Trao đổi với Dân Việt chiều nay (24.4), ông Nguyễn Quang Nam - Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Phong - xác nhận, ngày 20.4, tại khu Đồng Cốc, thôn Vọng Đông, xã Yên Trung có xảy ra sự việc người dân thôn Vọng Đông kéo ra khu đất 14 mẫu ở Đồng Cốc, dựng lều lán phản đối việc thi công của đơn vị thi công. Mục đích của người dân là đòi đền bù 14 mẫu đất này theo giá của đất lâu dài (158 triệu đồng/sào), nhưng đây là đất công ích.

img

img

Sổ ghi chép thể hiện khu Đồng Cốc có diện tích 14 mẫu, được người dân đóng thuế nhiều năm nay.

Cũng theo ông Nam, trước đó huyện, tỉnh đã đối thoại và trả lời người dân và hoàn tất các quy trình thu hồi đất. Công an tỉnh cũng đã có kế hoạch bảo vệ thi công. Sự việc lên tới đỉnh điểm căng thẳng vào ngày 20.4 khi hàng trăm người dân tụ tập ở ngoài đồng để cản trở việc thi công.

Lực lượng công an đã mời người dân ra khỏi khu đất để đảm bảo an ninh trật tự thi công và mời một số người lên huyện làm việc.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Trước đó, Công an huyện Yên Phong đã có văn bản khuyến cáo người dân thôn Vọng Đông, xã Yên Trung không tụ tập, cản trở, xâm phạm công trường thi công KCN Yên Phong I, bắt nguồn từ việc một số hộ hiểu sai về nguồn gốc đất. Lực lượng công an cũng đã đề nghị chính quyền xã tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem