Ở thủ đô thì thế, bác sĩ ở tỉnh cũng nhiều người khá giả. Trong làng, ai cũng biết có ông bác sĩ chữa răng ở Phú Thọ mà có bốn dinh cơ ở Hà Nội.
|
Các y, bác sĩ và nhân viên bệnh viện Chợ Rẫy tại tòa án trong vụ án đường dây kê toa thuốc khống, chiếm đoạt hơn 3,9 tỉ đồng |
Trước đói người ta lo cái ăn, giờ khá giả cái quý nhất lại là sức khỏe, nghề bác sĩ được trọng vọng lắm, nhà nào có bác sĩ là cả họ được nhờ. Cũng vì thế nên đến mùa tuyển sinh, ngành nào trồi sụt chứ ngành y luôn vững như bàn thạch.
Bác sĩ khá giả, điều đó tốt thôi. Nhưng càng khá giả mà điều tiếng nghề nghiệp cũng tăng theo thì phải xem lại! Nói có sách mách có chứng: Trong tuần có chuyện chuyển bệnh nhân đi rồi thu hoa hồng 15%, đem chia cho ban giám đốc, phòng tài vụ, phòng vận chuyển bệnh nhân. Hôm thì có chuyện bác sĩ thu tiền khám bệnh cắt cổ 500.000 đồng/lần, rồi tuyên bố muốn khám bác sĩ giỏi phải chi như vậy.
Lúc thì chuyện hoa hồng cho bác sĩ kê đơn, bán sữa cho trẻ sơ sinh lấy hoa hồng dù quy định đã cấm. Hay tuần trước, một bác sĩ thẩm mỹ dù không được phép phẫu thuật nâng ngực ở phòng khám tư nhân nhưng cứ đàng hoàng cắt cắt nâng nâng, nâng xong bệnh nhân tử vong...
Bác sĩ càng điều tiếng, xã hội càng băn khoăn với câu hỏi y đức là gì? Nhiều người đã trả lời ngay rằng chữa bệnh tốt là y đức. Có người mong được chữa bệnh tận tâm là y đức. Mấy năm trước, ĐH Y Hà Nội có làm một điều tra về y đức và có một câu hỏi đặt ra cho bác sĩ: Bác sĩ là ai? Bác sĩ nào cũng nói rằng bác sĩ là người chữa bệnh cho dân, nhưng thật ra câu trả lời đúng phải “là người cung cấp dịch vụ y tế”.
Khi chưa hiểu đúng về nghề của mình, bác sĩ luôn nghĩ mình ở trên cao, người bệnh đến chữa bệnh là trăm sự nhờ bác sĩ dù người bệnh đã chi trả theo đúng quy chế viện phí và lẽ ra phải được đối xử như khách hàng, những người mua dịch vụ.
Một ông thứ trưởng Bộ Y tế từng nổi tiếng bởi giải mã được băn khoăn của bệnh nhân khi họ đi bệnh viện. “Đưa cho ai, bao nhiêu và đưa vào lúc nào?”, ông ấy nói thế về phong bì (Đài Truyền hình VN khi quay cái sạp hàng bệnh viện và thấy ở đó bán rất nhiều phong bì mà họ chắc là không phải để gửi thư).
Nhưng một người bạn bác sĩ cãi rằng phong bì làm sao mà giàu được? Chả giàu, nhưng cũng đừng để bệnh nhân băn khoăn khi tệ nạn cảm ơn đã thành luật bất thành văn ở bệnh viện, ai ai cũng đi cảm ơn bác sĩ dù bệnh nhân là bà nông dân và phong bì có khi chỉ 50.000 đồng. Bác sĩ giàu rồi, nhưng cũng quen tay mà cầm lấy. Phong bì làm sao mà giàu được. Phải chăng y đức bị lung lay bắt đầu từ những chuyện nhỏ xíu đó?
Nhưng nói đi cũng phải nói lại cho sòng phẳng. Có bác sĩ trưởng khoa phát bực vì tí lại có người nhà bệnh nhân gõ cửa rồi hỏi đủ thứ, hỏi cả chuyện... nhà vệ sinh ở đâu! Đòi hỏi y đức khi xung quanh bác sĩ đông đặc bệnh nhân, người nào cũng máu me, kêu rên đau đớn, muốn bác sĩ lúc nào cũng tươi cười như hoa, ai hỏi gì cũng lễ phép từ tốn trả lời thì họa bác sĩ phải làm bằng thép mới chịu nổi.
Và trong tình hình ở bệnh viện lúc nào cũng quá tải hiện nay, có khi là đòi hỏi quá đáng. Vậy mà y đức (trong quy định) lại đòi hỏi như vậy!
Theo Lan Anh / Tuổi trẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.