Bậc thầy phòng ngự khiến Tào Tháo hối tiếc vì "có không giữ được"

Thứ tư, ngày 17/02/2021 08:05 AM (GMT+7)
Những chiến công lẫy lừng mà Vương Bình mang về cho nhà Thục Hán, chắc chắn sẽ khiến Tào Tháo phải hối tiếc khi đánh mất ông.
Bình luận 0
Tam Quốc Diễn Nghĩa: Bậc thầy phòng ngự khiến Tào Tháo hối tiếc vì "có không giữ được" - Ảnh 1.

Tào Tháo cả đời mến mộ hiền tài nhưng cũng đánh mất nhiều nhân vật kiệt xuất.

Trong thời kỳ Tam quốc, khu vực Hán Trung đối với nhà Thục Hán vô cùng quan trọng, nơi đây như bức bình phong che chắn cho nhà Thục Hán trước những mối đe dọa đến từ phương Bắc. Do đó, mọi đô đốc trấn thủ ở khu vực này đều rất ưu tú, có nhiều năm kinh nghiệm trận mạc. Có thể kể đến như Ngụy Diên hay Ngô Ý, đều là những tướng lĩnh nổi danh đương thời. Ngoài ra, còn có một nhân vật khác rất được Hoàng đế Lưu Bị xem trọng, đó chính là Vương Bình.

Năm 244, đại tướng quân nhà Ngụy là Tào Sảng phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực Hán Trung của nhà Thục. Thời điểm này đúng lúc Vương Bình đang làm Trấn bắc đại tướng quân, thống lĩnh Hán Trung.

Khi đó, quân đội của Vương Bình vẫn còn chưa mạnh, binh lực chưa đầy 3 vạn người, chống lại chục vạn đại quân của Tào Sảng là điều vô cùng khó khăn. Lúc này, nhiều tướng sĩ cho rằng nên bàn nên về cố thủ ở 2 Hán Thành và Lạc Thành và điều quân từ Bồi Thành tới giải vây.

Vương Bình phản đối, cho rằng nếu về cố thủ để quân Ngụy chiếm mất cửa ải thì Hán Trung ắt lâm nguy, phải trấn giữ ải Hưng Thế, chặn ngay lối vào của địch và chờ viện binh đến đánh.

Mọi người nghe ý kiến của ông còn ngờ vực, riêng Hộ quân Lưu Mẫn tán thành, mang quân quyết thủ Hưng Thế, còn Vương Bình mang quân tiếp ứng. Tào Sảng tiến đến Hưng Thế bị quân Thục ngăn cản không sao đánh được.

Không chỉ bất lực trong việc công ải, tại Chi Giang và Quan Trung khi đó lại xảy ra bệnh dịch, khiến trâu bò dê ngựa bị chết hàng loạt, quân Ngụy không đủ lương thảo cung ứng. Sau đó, viện binh quân Hán của Phí Y và từ huyện Bồi kéo tới tấn công. Tào Sảng không chống nổi phải rút lui.

Tam Quốc Diễn Nghĩa: Bậc thầy phòng ngự khiến Tào Tháo hối tiếc vì "có không giữ được" - Ảnh 2.

Vương Bình kể từ khi quy Thục lập được vô số chiến công lẫy lừng.

Trong "Hoa Dương quốc chí" có ghi chép, Vương Bình là một trong Tứ đại danh tướng nhà Thục Hán. Tuy nhiên trên thực tế, ông từng phục vụ trong quân đội Tào Ngụy trước khi về với Lưu Bị.

Vương Bình sinh ra ở quận Ba Tây, sống cùng ông ngoại từ nhỏ nên lấy theo họ nhà ngoại là họ Hà, lớn lên mới đổi lại sang họ Vương.

Năm 215, Tào Tháo dẫn quân đánh Trương Lỗ. Rất nhiều người ở quận Ba Tây khi đó đều ủng hộ Tào Tháo. Ít lâu sau, Lưu Bị mang quân từ Tây Xuyên ra đánh Hán Trung. Vương Bình bỏ Tào Tháo sang hàng Lưu Bị, được thăng lên làm Tì tướng quân.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có ghi, Vương Bình quy hàng Thục Hán là do hoàn cảnh ép buộc. Khi còn bên quân Tào, Vương Bình dù chỉ có giữ chức quan nhỏ nhưng lại có tài chí và tầm nhìn hơn người nên được Tào Tháo giao nhiệm vụ hỗ trợ Từ Hoảng.

Tuy nhiên, Từ Hoảng trước giờ không để ý tới Vương Bình, bỏ qua lời khuyên kiên trì công đánh Triệu Vân của ông, cuối cùng dẫn tới thất bại. Tử Hoàng sau đó lại đổ hết trách nhiệm lên đầu Vương Bình, muốn xử ông tội chết. Vương Bình sau đó mới phải chạy sang quy hàng Triệu Vân.

Vương Bình sau đó được tiến cử với Lưu Bị. Với tài năng của mình, Vương Bình đương nhiên rất được Lưu Bị yêu thích, vì thế mà địa vị thăng tiến nhanh chóng.

Tam Quốc Diễn Nghĩa: Bậc thầy phòng ngự khiến Tào Tháo hối tiếc vì "có không giữ được" - Ảnh 3.

Mã Tắc không nghe lời cán gián của Vương Bình, khiến Nhai Đình thất thủ.

Một trong những điểm nhấn khác khiến người ta nhớ tới Vương Bình chính là trận Nhai Đình.

Năm 228, Gia Cát Lượng mang quân đánh Ngụy từ Kỳ Sơn, Gia Cát Lượng sai Mã Tắc làm chính tướng, Vương Bình làm phó tướng ra trấn thủ Nhai Đình, nơi đây là trọng yếu chiến lược, bàn đạp tiến quân đánh Bắc của nhà Thục.

Mã Tắc và Vương Bình tiến đến Nhai Đình đúng lúc tướng Ngụy là Trương Cáp dẫn quân tới. Mã Tắc bỏ đường sông, trấn giữ trên núi với ý đồ từ trên cao đánh xuống thế như chẻ tre. Vương Bình nhiều lần phản đối, cho rằng cần đóng quân ở gần sông để chiếm giữ nguồn nước, nhưng Mã Tắc không nghe. Cuối cùng, Vương Bình đành xin Mã Tắc cho 1.000 người ngựa ra đóng trại dưới chân núi.

Trương Cáp mang quân vây trại của Mã Tắc trên núi, rồi cắt đứt đường nước. Quân Thục thiếu nước, rơi vào hoảng loạn. Trương Cáp dồn sức tấn công phá tan Mã Tắc. Cánh quân Mã Tắc bỏ chạy tán loạn, chỉ còn 1.000 người ngựa của Vương Bình vẫn giữ vững được doanh trại.

Thấy Mã Tắc đại bại, Vương Bình đốc quân dồn sức chiến đấu, cố thủ không rút. Trương Cáp nghi quân Hán có phục binh nên không dám tiến. Vương Bình nhân có thời gian bèn chỉnh đốn đội ngũ, thu thập những quân sĩ của Mã Tắc bỏ chạy, rồi bình tĩnh rút về.

Vì thất thủ Nhai Đình, Gia Cát Lượng phải triệt thoái toàn quân về đất Thục. Mã Tắc bị xử tội chết, Hoàng Tập bị thu binh quyền. Riêng Vương Bình được ban thưởng, thăng làm Tham quân, thống lĩnh 5 quân kiêm chức Đương doanh sự, Thảo khấu tướng quân và sắc phong Đình hầu. Đây là sự thăng tiến đặc biệt vượt cấp đương thời nhưng đều được tướng sĩ ủng hộ.

Hoa Vũ (Theo Đời Sống và Pháp Luật)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem