Bài 2: Đội xung kích Phòng chống thiên tai, những "chiến sỹ" thầm lặng cứu người
Bài 2: Đội xung kích Phòng chống thiên tai, những "chiến sỹ" thầm lặng cứu người
Thanh Xuân
Thứ năm, ngày 19/03/2020 16:39 PM (GMT+7)
Một mô hình điểm về Đội phòng chống thiên tai được Tổng cục Phòng chống thiên tai xây dựng ở huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), để nhân rộng mô hình ra các tỉnh vùng cao lân cận.
Hai huyện Bạch Thông và Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) là nơi thường xuyên phải hứng chịu các loại hình thiên tai như rét đậm, rét hại, mưa đá, sạt lở đất, lũ quét. Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đã chọn khu vực này làm mô hình "điểm" xây dựng Đội xung kích phòng chống thiên tai.
Ông Nông Quốc Dũng – Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết, gần đây nhất đợt mưa to kèm theo mưa đá từ 18h30 -19h00 ngày 24/1 vào đúng dịp Tết Nguyên đán đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Theo thống kê trên địa bàn, đã có hơn 1.000 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó hơn 70% số nhà này bị thủng mái và thiệt hại hơn 80%.
Dù vào đúng dịp Tết Nguyên đán, với phương châm "4 tại chỗ" Đội Xung kích phòng chống thiên tai các xã, hàng trăm hộ dân đã được giúp đỡ che lại mái nhà bằng bạt. UBND huyện Bạch Thông cũng đã hỗ trợ chăn bông và 9.210 m2 bạt để che tạm mái nhà cho người dân.
70 thành viên của Đội xung kích Phòng chống thiên tai căng sức trong dịp Tết nguyên đán cùng cơ quan chức năng địa phương đảm bảo không có hộ dân nào phải đón Tết trong cảnh "màn trời chiếu đất".
Ông Hà Kim Tín, cán bộ xã Quân Bình, là 1 trong 70 thành viên của Đội Xung kích Phòng chống thiên tai (xã Quân Bình mới sáp nhập với xã Hà Vị và có tên gọi xã mới là xã Quân Hà) cho biết: "Việc Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai lựa chọn xã Quân Bình (cũ) là xã điểm cũng vì đã xác định ở địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai".
Ở xã đã nhiều lần xảy ra sạt lở, phá hủy tài sản của người dân, thậm chí lấy đi mạng người. Trao đổi với Dân Việt, ông Nông Quốc Dũng – Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cũng xác nhận: “Hầu như năm nào, người dân trên địa bàn này cũng gặp nạn do thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất. Như năm 2013, có trường hợp ở xã Tân Tiến, do tiếc của nên một người dân ra đồng trông ruộng ngô, sau đó nước lũ về nhanh phải trèo lên ngọn cây. Nước lũ cũng tiếp tục làm cho cây sắp đổ, may có lực lượng ứng cứu kịp thời”.
Cần đội chuyên nghiệp phù hợp với địa phương
Ông Nông Quốc Dũng – Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông rất ủng hộ chủ trương thành lập Đội Xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã. Tuy nhiên, Đội xung kích cần được huấn luyện và trang bị phù hợp với từng loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở mỗi địa phương.
"Ví như, ở các địa bàn vùng cao như huyện Bạch Thông thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai như mưa lớn, mưa đá, rét đậm, rét hại, lũ quét, sạt lở đất,… Do đó, Đội Xung kích Phòng chống thiên tai cần quần áo bảo hộ, các dụng cụ để giải cứu sạt lở đất, lũ cuốn, mưa đá, rét đậm, rét hại… Còn nếu trang bị thuyền hay các dụng cụ cho chống ngập lụt như các tỉnh ven biển sẽ không phù hợp” - ông Dũng nói.
Ông Đinh Duy Tuấn – Chủ tịch UBND xã Quân Hà, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) thông tin thêm, các thành viên của Đội xung kích Phòng chống thiên tai đã được tập huấn lý thuyết, trang bị các thiết bị cơ bản và thực hành cứu hộ, cứu nạn tình huống sạt lở đất.
Tình huống giả định là mưa to dẫn đến sạt lở đất, gây sập nhà, đè lên nhiều người đã được các thành viên trong Đội xung kích Phòng chống thiên tai thực hành, rút ra nhiều kinh nghiệm quý.
Theo Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, đến hiện tại đã có khoảng hơn 8.000/11.162 xã, chiếm khoảng 75% các xã đã thành lập được Đội Xung kích phòng chống thiên tai. Mục tiêu trong năm 2020 là 100% các xã có Đội xung kích, phòng chống thiên tai được trang bị kỹ năng, kiến thức và trang thiết bị phù hợp với từng loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Sau buổi tập huấn, ông Hà Kim Tính - thành viên Đội xung kích Phòng chống thiên tai xã Quân Bình đã nắm rõ được trình thực cứu nạn, cứu hộ việc khi xảy ra thiên tai sạt lở đất.
Thành viên Đội xung kích phòng chống thiên tai sẽ phải kiểm tra xem ai còn sống, cứu người già, trẻ em trước, sơ cứu vết thương ban đầu như băng bó vết thương, cố định phần tay, chân gẫy…
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đã tổ phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổ chức tập huấn cho một số xã điển hình cho từng vùng miền, từng loại hình thiên tai để làm xã điểm nhân rộng ra toàn quốc.
Ông Nguyễn Đức Quang – Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết, hiện đã xây dựng được Tài liệu tập huấn cho công tác xây dựng Đội Xung kích phòng chống thiên tai ở từng vùng miền.
Việc chia thành từng vùng miền nhằm xác định các loại hình thiên tai đặc trưng của mỗi vùng để từ đó đào tạo, tập huấn, trang bị kỹ năng, trang thiết bị phù hợp cho các đội Đội Xung kích phòng chống thiên tai.
Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2019, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, năm 2019, ở Việt Nam, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng vẫn mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền của cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 12 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3 với 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới.
Dù năm 2019 số đợt thiên tai diễn ra ít hơn năm 2018 nhưng vẫn gây thiệt hại lớn về kinh tế, ước tính khoảng 7.000 tỉ đồng, làm 133 người chết và mất tích (giảm 40% so với năm 2018).
Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai được công bố năm 2019 cũng cho thấy, trong 10 năm qua, Việt Nam đã có hơn 3.600 người chết và mất tích do thiên tai, gây thiệt hại khoảng 288.000 tỉ đồng.
Trung bình mỗi năm, thiên tai khiến Việt Nam mất đi 1 - 1,5 % GDP và khoảng trên 300 người chết và mất tích. Các loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn ở Việt Nam bao gồm lũ, lũ quét, mưa lớn, mưa đá, sạt lở đất…
Đón đọc Bài 3: Đội xung kích Phòng chống thiên tai, mô hình cần sớm nhân rộng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.