11 năm “ăn cơm” chùa, học võ
Ở độ tuổi 73, võ sư Lê Xuân Cảnh vẫn rất khỏe khoắn, mình ông cày bừa đến 5 sào đất để kiếm từng kg sắn, gạo… trang trải cuộc sống gia đình. 12 giờ trưa, từ đồng ruộng về nhà, quần áo vẫn còn lấm lem bùn đất, cất vội chiếc cuốc, võ sư Cảnh kể: “Từ nhỏ, cuộc sống của tôi vốn rất khó khăn, ngày đó những gia đình “thấp cổ, bé họng” như nhà tôi rất hay bị kẻ mạnh bắt nạt. Vì vậy, năm 15 tuổi, tôi xin mẹ học võ để tự vệ và bảo vệ những người yếu thế. Sau khi mẹ đồng ý, người thầy đầu tiên tôi bái sư là ông Lý Tường (võ sư nổi tiếng bậc nhất về quyền lúc bấy giờ). Tuy nhiên, học được 3 năm, tôi lại đam mê roi nên tiếp tục xin học võ sư Phạm Thế Giáo (xã Nhơn An, nhân vật rất giỏi những đường roi nổi tiếng ở làng Thuận Truyền)”.
Võ sư Lê Xuân Cảnh đang chỉ dạy cho những đệ tử tại võ đường mang tên mình. Ảnh: Dũ Tuấn
Điều quan trọng của học võ là giữ được tâm bình thản, không nên mang võ nghệ đi thách thức, hiếp đáp người lành”.
Ông Lê Xuân Cảnh
|
5 năm học võ vẫn chưa đủ, ông Cảnh khăn gói vào chùa Quang Hoa (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) ở lại đây 11 năm để học những đường roi độc đáo của thầy Thích Bửu Thắng. Buổi đầu gặp mặt, thầy Thắng bảo ông Cảnh vào nhà lấy 2 cái roi để thách thức võ nghệ cùng nhau. Giao đấu được hai chiêu thì thầy Thắng đã “cướp” cây roi từ tay ông Cảnh. Quá nể phục, ông Cảnh cúi gầm đầu, chắp tay thành tâm nói: “Cuộc đời này, con không được học thầy thì không bao giờ dám nói chuyện võ”.
Khi được nhận làm đệ tử, ông Cảnh ở lại trong chùa 11 năm để học võ. Ở đó, ông học hỏi rất nhiều điều từ võ nghệ và cả vốn sống, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống thường ngày. “Muốn đánh roi giỏi thì đòi hỏi phải thật sự lanh lẹ, vì sử dụng roi đồng nghĩa với việc dùng mánh khóe, động tác rất nhiều. Khi đánh 1 đòn ra thì thật hư lẫn lộn để đánh lừa đối phương. Điều quan trọng của học võ là giữ được tâm bình thản, không nên mang võ nghệ đi thách thức, hiếp đáp người lành”- ông Cảnh chia sẻ.
Trừng trị kẻ hống hách
Với võ sư Lê Xuân Cảnh, học võ là bảo vệ kẻ yếu và truyền lại tinh hoa võ thuật. Ảnh: Dũ Tuấn
Vốn xuất thân từ nông dân, bản chất hiền lành nên võ sư Lê Xuân Cảnh không thượng đài hay hơn thua chuyện võ nghệ. Tuy nhiên, năm 42 tuổi, võ sư Lê Xuân Cảnh nhận lời thách đấu roi với một tay giang hồ tên Nghi (trú xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) nổi tiếng ngông nghênh, phách lối. Lần đó vào dịp cuối năm, ông Cảnh đi dự tất niên ở nhà một người bạn tại xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn). Trong buổi tiệc ấy, ông Nghi cũng có mặt và lúc quá chén, gã này liên tục lên mặt rằng mình từng học võ 3 năm, từng hạ hàng chục đối thủ, võ nghệ vang danh khắp chốn. Mọi người trong bàn tiệc, ai cũng biết gã là kẻ hay gây sự để được đánh nhau, có nhiều chiến tích bất hảo nên không ai dám động chạm, chỉ biết im lặng… mặc kệ lời quát tháo, hô hào của gã.
Bỗng dưng, giữa đám đông giọng nói của ông Cảnh vang lên rõ mồn một: “Cháu đây học võ những 16 năm mà còn chưa ăn thua gì, huống chi chú có 3 năm. Ai giỏi thì tự hiểu với nhau, có gì hay ho đâu mà chú cứ khoe khoang”.
Mặt đỏ phừng phừng, ông Nghi nói giọng thách đố: “Miệng còn hôi sữa mà ở đó dám nói dóc. Tao từng học 3 năm nhưng ông già tao bán hết 4 sào ruộng để rước thầy giỏi về tận nhà. Ngon thì giờ ra sân đánh nhau, thắng thua biết liền chứ không nói nhiều?”. Vốn tính hòa nhã, biết suy nghĩ trước sau nên ông Cảnh từ tốn trả lời: “Hạ chú là điều dễ nhưng giờ mình đã ăn nhậu vào rồi. Có men trong người thì hành động không chuẩn, chú lớn tuổi hơn cháu, nếu đánh nhau thì hàng xóm kéo đến, rồi cười kẻ già người trẻ nhậu say gây sự thì chẳng ra gì. Đúng mùng 4 tết, con hứa sẽ lên tận nhà chú để thi đấu”. Cả hai ngoắc tay giao kèo.
Đến mùng 4 tết, trận quyết chiến đã diễn ra ngay trên sân nhà ông Nghi. Vừa lâm trận, ông Nghi cầm roi, hét lớn rồi dùng thế “Thừa châu bổ địa” trong bài “Thái sơn côn” để tấn công. Nhanh như chớp, võ sư Cảnh dùng roi gạt roi đối phương sang một bên nên để lộ cổ. Thấy vậy, chủ nhà liền đâm thẳng vào cổ ông Cảnh. Ngay lúc đó, ông Cảnh dùng thế “con ngựa xéo đá con ngựa xéo” né tránh, đồng thời tấn công chớp nhoáng. Đối phương phải thúc thủ. “Con ngựa xéo đá con ngựa xéo” tức là đối phương tấn công mình như thế nào thì dùng y thế đó để tấn công lại. Khi chủ nhà vừa đâm xéo roi vào cổ của tôi đang để trống, tôi liền bắt con ngựa xéo (hiểu như bước chân xéo qua một bên, ngựa thẳng là bước thẳng tới, ngựa ngang là bước ngang) rồi đâm xéo lại cổ đối phương. Chủ nhà không kịp tránh nên roi của tôi đã điểm ngay cổ ông ta”- ông Cảnh nhớ lại.
Từ sau năm 1975 đến nay, võ sư Lê Xuân Cảnh mở võ đường mang tên mình tại nhà và chọn lọc lại những điểm tinh túy nhất của từng môn phái, truyền dạy cho đệ tử. Điểm mạnh của võ đường Lê Xuân Cảnh chính là những bài biểu diễn binh khí như Song đao, Song phủ, Độc kiếm, Song kích… và đặc biệt là sở trường về roi với các bài roi Thái Sơn, Trực chỉ, Bát quái… Năm nào, võ đường Lê Xuân Cảnh cũng tích cực tham gia liên hoan võ thuật và đều đoạt huy chương, nhất là ở nội dung biểu diễn. Đây là một trong những địa chỉ đào tạo võ thuật có uy tín, cung cấp nhiều vận động viên cho đội tuyển võ cổ truyền của Bình Định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.