Bài học đàn mãi mãi dở dang

TS Trần Thu Dung Thứ hai, ngày 02/09/2019 07:00 AM (GMT+7)
Năm 1969, trước Quốc khánh 3 ngày, tôi -  con bé học lớp 6 - nhõng nhẽo đòi nợ anh trai hơn 5 tuổi năm hào tiền bố cho bỏ ống, mà anh đã mượn tiêu nơi sơ tán. Anh Trần Đức Hạnh của tôi mới dỗ bảo: "Thôi để anh đền, dạy nốt bài đàn guitar và dẫn đi xem Quốc khánh, cho ăn kem Cẩm Bình". Tôi thích lắm, vui vẻ đồng ý vì thích đi chơi, được ăn kem và được nghịch đàn của anh...
Bình luận 0

Khi ấy, anh Hạnh đang dạy tôi bài nhạc lời rất vui: "Ngồi trên F4H bay ra Bắc Việt/Bị dân quân và du kích bắn rơi ngay/Chiếc xe trâu đưa tôi về nhà lao Hilton/Khi trở về một nụ cười khô héo trên môi". Tôi mới học được hai câu.

Đúng hẹn 2/9, anh dẫn tôi đi ăn kem Cẩm Bình. Hà Nội đón Quốc khách vắng loe hoe. Đài báo không sôi nổi như mọi năm. Sau đó là tin Bác Hồ đang ốm nặng. Không khí ngày 2/9 như chùng xuống. Hôm sau, đài thông báo Bác Hồ đã từ trần. Đám trẻ cũng lao xao bàn tán. Cả nước chìm trong tiếc thương… Ba ngày sau, anh tôi nhận được giấy nhập ngũ. Giấy gọi đại học sau đó mới đến. Anh tôi lên đường nhập ngũ cùng các bạn trong khu nhà. Theo quy lệnh, giấy nhập ngũ gọi trước phải chấp hành trước. Cái bài hát dở dang không ai dạy tôi nữa. Chiếc đàn treo trên tường. Tôi cũng phải lên trường sơ tán. Đôi khi tôi nghêu ngao bài hát ấy mỗi khi nghe tiếng máy bay vù vù,  báo động.

img

Chị Trần Minh Hải.  Ảnh: T.T.D

Một hôm, thấy báo Tiền Phong đăng, khen anh Trần Đức Hạnh trong đợt tham gia hội diễn phong trào sinh hoạt đoàn khu phố. Bố tôi cho tờ báo vào phong bì gửi lên đơn vị tới anh.

Trước khi anh Hạnh đi B, anh cùng 5 lính Hà Nội trốn đơn vị, đi tàu từ Ninh Bình trở lại Thủ đô. Lúc 11 giờ đêm, nghe tiếng gõ cửa, mẹ tôi bất ngờ thấy con trước cửa. Anh nói: "Con về chào bố mẹ và gia đình, mai con đi B rồi". Anh với cây đàn chơi bài anh đang định dạy nốt cho tôi. Bốn giờ sáng, anh lại lên đường. Bố mẹ, chị gái cho anh ít lộ phí. Tôi đem số tiền còn trong ống đưa cả tặng anh. Mới 8 giờ sáng, chính trị viên đại đội đến nhà tôi tìm, khi biết anh Hạnh chỉ lẻn về chào, bỏ ngủ đêm để về nhà, chứ không có ý định trốn và đã trở lại đơn vị, chính trị viên yên tâm ra về.

img

 Trần Đức Hạnh.

Một năm sau, qua bọn trẻ hàng xóm, tôi biết anh tôi đã hy sinh khi đi vào đưa thi thể đồng đội ra, bị trúng mìn. Đồng đội của anh - người cùng khu phố viết thư về kể vậy. Sau này, cả đơn vị đó không ai trở về, nên gia đình tôi không hề biết tin anh tôi. Tôi giấu kín tin này sợ mẹ khóc.

Bằng Tổ quốc Ghi công của liệt sĩ  Trần Đức Hạnh. Ảnh:   T.T.D

* * *

Bom B52 giội xuống Hà Nội. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris thành công, chấm dứt ném bom ở miền Bắc. Mỹ rút quân. Nghe tin bom rơi ở phố Bà Triệu, và đình chiến, tôi xin phép thầy giáo cho về thăm gia đình. Bố mẹ tôi sinh được 6 anh em, 3 trai 3 gái, tôi là người con duy nhất sinh ra ở Hà Nội, anh Hạnh là con trai nhỏ nhất - sinh năm 1951 ở Nghệ An - quê cha, 4 tuổi anh ra Hà Nội. Bố tôi công tác ở Bộ Văn hóa, gia đình tôi ở tại 187 phố Bà Triệu. Thời đó chẳng cần một xu trong túi, các cô chú dân quân, tự vệ đều cho trẻ con sơ tán đi nhờ từng chặng về đến Khâm Thiên.

Buổi tối, qua Khâm Thiên mất điện, tiếng khóc vẫn nỉ non, mọi người vẫn tiếp tục đào bới tìm người thân. Tôi cuốc bộ về nhà xuyên qua công viên Thống Nhất. Cả nhà mừng thấy tôi. Bố bảo: "Con về sớm một tuần, chắc khóc suốt rồi". Bố mẹ lạc nhau ngay lúc bom ném Khâm Thiên. Bố đưa mẹ bằng xe đạp đi sơ tán, đến đó thì bom rơi… Hết tiếng bom, mẹ hoảng loạn đi nhờ xe lên tận Sơn Tây nhà bà con lánh nhờ. Bố cứ luẩn quẩn ra Khâm Thiên xem có xác mẹ không. Hóa ra lúc bom rơi đạn lạc, mọi người chạy tán loạn, bố quay về nhà chờ mẹ. Ba tuần cả nhà tính làm tang mẹ thì mẹ tự nhiên về. Cháu họ gặp dì vội nói: “Dì về ngay, không cả nhà đang lo lắm”. Mẹ tôi sợ bom đạn, nghe tin cũng vội vã từ Sơn Tây về. Cả nhà mừng rỡ.

Một lần, cả nhà cùng họ hàng hàng xóm đón xem truyền hình lần đầu tiên Việt Nam duyệt binh nhân Quốc khánh. Cái vô tuyến đen trắng bé tí, cả xóm sang xem nhờ. Mọi người hồi hộp chờ duyệt binh. Bỗng thấy hình chị gái tôi cầm cờ đi đầu đoàn không quân Việt Nam, ngực đeo huân chương, tất cả vỗ tay reo "Chị Hải!". Chị Trần Minh Hải (sinh năm 1949), học Trung cấp Tiêu đồ, vào lính không quân, làm tiêu đồ. Thỉnh thoảng, bố chở tôi bằng xe đạp đến thăm chị. Chị Hải hay cất dành cho gia đình gói đường trắng gửi về cho mẹ và gia đình. Chị làm tiêu đồ ở hầm, nghe tiếng máy bay nhiều, sau bị ù hết tai. Đang xem vô tuyến, thấy chị, cả nhà mừng lắm. Mẹ tôi rất tự hào khi ai cũng khen chị xinh và oách, đi hàng đầu cầm cờ. Bỗng nhiên mẹ đứng dậy không xem nữa, đi vào phía trong tôi liếc thấy mẹ đỏ mắt. Mẹ giấu giọt nước mắt.

Nước mắt tự hào về con gái đã góp phần vinh danh chiến thắng của dân tộc ư? Tôi thấy mẹ lấy khăn lau mặt rồi lặng lẽ rút nén hương thắp lên bàn thờ nơi có ảnh anh trai tôi và bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.

 * * *

Đến nay, sau 50 năm, tôi vẫn chỉ đánh đúng được hai câu mà anh trai tôi đã dạy. Sau này tôi mới biết, đó chỉ là lời Việt sáng tạo dựa trên bản nhạc nổi tiếng của Mỹ. Bài học đàn cứ mãi mãi dở dang...

Anh cả tôi là Trần Chính (1938 - 2004) cũng đi lính, nhưng là lính thể thao, sau giải ngũ về học Đại học Nông nghiệp. Anh  thứ Trần Sính (1943 - 2015) hồi trẻ cũng là bộ đội. Còn chị Hải phục viên, phải điều trị một thời gian mới hết ù tai. Tiếp đó, chị Hải học Đại học Ngoại thương và sau này làm Giám đốc khách sạn Kim Liên trước khi nghỉ hưu. Chị giờ sống tại phường Kim Liên, gần nhà chị gái cả Thu Ba của tôi. Bố mẹ tôi cùng qua đời năm 1998, ở tuổi 83 - 84, cách nhau 9 tháng, an nghỉ tại nghĩa trang Văn Quán, Hà Đông. Mấy chục năm cho đến lúc nhắm mắt, bố mẹ vẫn day dứt vì không tìm và đón được anh Hạnh trở về Thủ đô.

Hàng năm về Hà Nội, tôi thường ở nhà chị Thu Ba trong một con ngõ ở phố Phương Mai, chị từng  học cao đẳng y tế ở Praha (Tiệp Khắc) năm 1967 - 1971. Gia đình tôi chỉ còn 3 chị em gái, tôi lại sống ở châu Âu từ trẻ.

Mỗi lần nhắc đến anh Hạnh, tôi cứ nhớ, một lần cả khu tưởng nhà tôi sắp có đám cưới, khi thấy anh tôi mới 18 tuổi ngồi trên chiếc xích lô chở đầy cau giữa nắng trưa hè tháng 8. Hóa ra, đó là tháng lương làm hè đầu tiên ở Nhà in Tiến Bộ mà bố tôi xin cho anh đến xếp giấy sách, trong khi chờ giấy gọi đại học. Anh dùng toàn bộ số tiền mua cau tặng mẹ phơi khô ăn dần. Cả nhà bật cười. Hàng xóm ngạc nhiên.

Cứ mỗi lần nhắc đến 2/9, tôi lại nhớ về một người lính ra đi mãi không trở về với bài hát đó. Anh trai Trần Đức Hạnh của tôi đã ngã xuống lúc tuổi thanh xuân, ở mặt trận Đăk Tô (Kon Tum), đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Người yêu cây đàn nhưng phải cầm súng ra trận. Tai tôi lại văng vẳng: "Ngồi trên F4H bay ra Bắc Việt…".

"Tôi vẫn nuôi hy vọng bao năm qua bằng nỗi nhớ thương người anh mất sớm, thất lạc mãi vẫn chưa được về bên người thân. Tôi mong qua bài viết này, có chút manh mối để tìm được mộ hay một phần xương cốt của anh trai tôi sau gần nửa thế kỷ".

TS Trần Thu Dung

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem