Do công việc của một người làm báo, tôi thường phải lui tới Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội). Và mỗi lần đến đây, đập mắt tôi ngay trước sảnh tầng 3 – nơi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia - là bức tranh sơn mài khổ lớn 2,4x9m mang tên “Quê hương vào hội”. Đó một bức tranh rất Việt Nam, rất tưng bừng, rất “cuồn cuộn triều dâng”.
Nhà báo Minh Tâm (thứ ba từ trái sang) cùng các phóng viên báo NTNN trong ngày kỷ niệm 25 năm thành lập báo (1984-2009).
Tiết lập xuân năm Quý Tỵ (2013), họa sĩ Khúc Quốc Ân chở tôi đi đám hỉ con một người bạn, về đến đường Đê La Thành thì trời nổi dông. Ông Ân rẽ vào một con hẻm nhỏ trước cổng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và bảo: “Ta vào đây trú mưa”. Đó là một xưởng vẽ. Chủ nhân của xưởng vẽ này, lần đầu tiên tôi gặp chính là tác giả của bức sơn mài “Quê hương vào hội” – họa sĩ Trần Bình.
Lại đập vào mắt tôi, trong xưởng vẽ của họa sĩ là mấy chân hương đương đỏ lửa đang vẽ vào không gian những dải khói mang hình dấu hỏi trước “bài vị” là một tờ lịch khổ lớn đề ngày 11.3.2011 (ngày sóng thần ập vào vùng miền đông của đất nước Phù Tang làm chết cả mấy chục ngàn người Nhật). Sóng thần từ nước Nhật sao dội đến nhà này? Cơ duyên chi mà lại có cái “bài vị” lạ rứa? Té ra là ông họa sĩ này sinh ra (năm 1955) trên sóng dữ của biển Đông trong con tàu của những chiến sĩ cách mạng đang đè sóng tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genevơ 1954. Núm rau của ông chôn vào lòng biển cả, nên những nét cọ những mảng màu của ông luôn luôn đau đáu về biển khơi mang dáng vóc vạm vỡ của biển khơi.
Tranh của ông, ở tất cả mọi thể tài đều có hình hài của sóng, đều có cái mênh mông dữ dội của biển cả cứ muốn vươn lên dội lên…
Cá mang hình người và người mang dáng cá. Mượn cá hay là dùng cá làm hình tượng? Ông vẽ không giống ai mà chỉ giống… chính mình thôi.
Trong tranh ông có rất nhiều trinh nữ và cho đến từng lọn tóc của trinh nữ cũng mang dáng đàn bà – như là con cá Kìm đỏng đảnh mà quẫy sóng nơi biển cả Quảng Ngãi quê ông.
Nhận xét về tranh ông, họa sĩ Khúc Quốc Ân - tác giả của các công trình nghệ thuật lớn về Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò… đã viết rất chí tình chí lý: “Trần Bình vẽ trên thang bảng màu sơn mài Việt Nam với trắng của bạc quỳ, vỏ trứng, đen của sơn then tro bếp và cả vỏ ốc, vỏ trai từ biển cả. Mẫu son đỏ của đất đá vàng ròng. Những vật chất mang tính Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ trong tư duy triết lý phương Đông được ông khéo léo sắp xếp đã tạo sự bùng nổ, làm nên đặc sắc riêng cho tranh Trần Bình. Xem tranh Trần Bình, ta còn thấy không gian được mở rộng nhiều khi cảm giác vượt ra ngoài khuôn khổ tranh nhờ xử lý nhuần nhuyễn kỹ thuật thấu thị của một hội họa phương Tây để làm nên tính hoành tráng, mới mẻ cho tác phẩm. Nhưng tác phẩm hội họa chỉ tạo nên sự kết nối với người xem khi họa sĩ Trần Bình nhận thức được “Điều sóng thần muốn nói” từ tư tưởng sáng suốt và lòng nhân từ của Phật được tiếp truyền nơi thượng tọa Thích Chân Quang trụ trì chùa Phật Quang (Núi Dinh, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thì kia thôi, những bức vẽ “Điều sóng thần muốn nói” được “đánh số từ 1 đến số vô tận…” như Khúc Quốc Ân đã xác tín, sẽ đưa chúng ta – những người xem tranh của Trần Bình – đi vào, ngẫm vào cõi vô tận của mỗi nỗi người kiếp người, để mà rỏ chí ít là một giọt lệ vào lòng nhân ái nhân gian của Trần Bình, với lòng nhân ái vô tận kia…
Mà cũng có lẽ vì thế, loạt tranh “Điều sóng thần muốn nói” đã được nhà sưu tập nghệ thuật Tira Vinachtheeranont người Thái quan tâm đón nhận. Từ đồng cảm Việt –Nhật đến đồng cảm Thái – Việt – Nhật, có phải từ những con sóng kia không? Hay là xu hướng đồng cảm cộng cảm của cộng đồng trong tương lai!
Ngẫm về “Điều sóng thần muốn nói” giữa 2 lằn sóng thần lòng chợt thấy nao nao…
Từ cồn cào biển sinh ra
Giời hành chát mặn phong ba bể đời
Quẫy màu dựng sóng ngang trời
Chắp tay bái bút: Cầu người bằng an!...
Đồng cảm với Trần Bình, tôi xin chắp tay bái lạy: “Xin cho thế giới này, nhân loại này mỗi ngày được một bằng an hơn”.
Minh Tâm (Minh Tâm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.