Băm nát sông Tiền, sông Hậu: Báo động sạt lở

Thứ ba, ngày 22/11/2011 16:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nạn khai thác cát bừa bãi, ồ ạt, trái phép với khối lượng lớn là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL.
Bình luận 0

Sạt lở nghiêm trọng

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân sạt lở bờ sông liên tục xảy ra ở các tỉnh, thành ĐBSCL là do nền đất yếu, luồng lạch không ổn định, chế độ dòng chảy phức tạp; cấu tạo nền địa chất mềm của dòng dẫn tạo nên biến động dòng chảy gây sạt lở bất ngờ. Nước lũ và triều cường gây nhiều phản áp, có sức bào mòn, xoáy lở mạnh, đe dọa nhiều đoạn sông, kênh, đê biển.

img
Sạt lở nghiêm trọng ở cồn Sơn, quận Bình Thủy do ảnh hưởng của nạn khai thác cát.

Dẫn chúng tôi đi tham quan những nơi bị sạt lở nặng nề, lão nông Năm Nhu, nhà ở gần cồn Sơn (quận Bình Thủy) bức xúc: Nạn cạp cát lậu, không đúng vị trí khiến nhiều nơi xuất hiện hàm ếch dựng đứng, có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Nhà tôi và một số hộ dân bị rạn nứt, mái nhà đổ sụp…”.

Qua khảo sát tại cồn Sơn, phóng viên ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, hầu như chỗ nào cũng bị ăn mòn vào bên trong, có những chỗ xuất hiện hàm ếch rất nguy hiểm.

Anh Trần Ngọc Lợi, nuôi cá tra tại cồn Tân Lộc cho biết, người dân quá bức xúc trước nạn cạp cát lậu đã nhiều lần vác dao, gậy gộc rượt đuổi các chủ xáng. Ao cá thì bị sạt lở, cá nuôi bỏ ăn, người dân chịu không nổi với tiếng ồn của những chiếc xáng cạp múc cát, trong khi chính quyền địa phương hầu như bất lực…

Trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Hữu Tặng - Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ cho biết: “Kinh phí để hoạt động kiểm tra trên sông còn hạn chế, đoàn nhiều thành phần thì minh bạch nhưng không loại trừ có cá nhân xì thông tin, còn đi ít thì quá nguy hiểm vì các đối tượng khai thác cát lậu thường hoạt động về đêm. Lợi nhuận mang lại từ khai thác cát thì khổng lồ, nhưng chế tài chưa đủ tính răn đe.

Chính vì thế nạn khai thác cát cứ diễn ra bất chấp cơ quan chức năng ráo riết kiểm tra. Theo tôi, nên có chế tài nặng như tịch thu phương tiện nếu phát hiện khai thác cát không phép, có như vậy mới hạn chế được nạn “sa tặc” hoành hành này…”.

Còn tại khu vực cồn Bà Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành, An Giang, tình trạng sạt lở do ảnh hưởng của nạn khai thác cát lậu hiện đang có chiều hướng ngày càng trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Buôn – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trên địa bàn huyện có 4 xã thường xuyên xảy ra sạt lở là Long Thuận, Long Khánh A, Phú Thuận B và Thường Phước 1. Trong đó 2 xã Long Thuận và Long Khánh A tình trạng sạt lở diễn ra gần như quanh năm”.

Quyết tâm xử “sa tặc”

Trước tình trạng “sa tặc” hoành hành, ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vừa có cuộc họp chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phải giám sát hoạt động các mỏ khai thác cát. Áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, kể cả biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm. Có cơ chế khuyến khích quần chúng cùng tham gia phát hiện vi phạm, lập đường dây nóng để nhận thông tin tố giác hoạt động khai thác cát lậu và khen thưởng kịp thời. Xã nào để tình trạng khai thác cát lậu tái diễn phức tạp trên địa bàn mình quản lý sẽ có hình thức xử lý đối với chủ tịch xã đó. Nếu nhiều xã cùng xảy ra thì xử lý Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố…”.

Còn tại Vĩnh Long, ông Trương Văn Sáu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm có liên quan đến hoạt động khai thác cát; lập biên bản, xử lý đối với các đối tượng khai thác trái phép, bơm hút lậu; rà soát lại số lượng giấy phép khai thác cát đã cấp cho các doanh nghiệp (số lượng, số phương tiện, vị trí mỏ, điều kiện cấp phép...).

Ông Năm Nhu than vãn: Trước đây, gia đình tôi có 1ha đất, nay sạt lở chỉ còn lại 3 công. Các phương tiện khai thác cát lậu suốt ngày đêm làm cho bà con xung quanh không thể nào ngủ được. Mặc dù người dân đã nhiều lần báo chính quyền địa phương, nhưng việc xử lý không triệt để, mỗi lần có đoàn kiểm tra, chủ mỏ đều biết trước thông tin.

Khẩn trương kiểm tra tình hình sạt lở, giờ giấc hoạt động của các đơn vị khai thác cát và tham mưu thường trực UBND tỉnh để có cơ sở cho chủ trương dừng, tạm dừng hay giảm số lượng phương tiện khai khác... Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động khai thác cát ban đêm, kiểm tra chức năng, nhiệm vụ quản lý của huyện, xã đã được phân cấp.

Mới đây, ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng đã chỉ đạo Sở TNMT tập trung thực hiện các công tác: Tạm ngừng việc cấp phép khai thác khoáng sản cát trên địa bàn, chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giao Công an thành phố nghiên cứu phương pháp phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để công tác kiểm tra và xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem