Bán "cụ" sưa 200 tuổi, chia tiền cho dân làng có phạm luật?

Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 28/03/2017 15:34 PM (GMT+7)
Số tiền bán cây sưa đã được chia cho dân làng theo từng khẩu, mỗi khẩu 10 triệu đồng, con gái lấy chồng 5 triệu đồng/người.
Bình luận 0

img

Cây sưa đã được chặt hạ, bàn giao cho người mua

Ngày 25.3, cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc đã được chặt hạ và chuyển giao xong cho ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) với mức giá là 26 tỷ đồng.

Sau đó, ban cộng đồng dân cư do người dân bầu lên đã chia tiền cho dân làng theo từng khẩu, mỗi khẩu 10 triệu đồng, con gái lấy chồng 5 triệu đồng/người (hết khoảng gần 17 tỷ). Số tiền còn lại dùng để tu bổ đình làng, xây dựng quê hương.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thắc mắc, cây sưa ở đình làng Đông Cốc thuộc nhóm 1A (nhóm đặc biệt quý hiếm), vậy người dân đem bán và chia tiền có đúng luật?.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, mặc dù cây sưa đỏ ở làng Đông Cốc là loại cây thuộc nhóm 1A (nhóm đặc biệt quý hiếm, Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng gỗ sưa vì mục đích thương mại) nhưng không phải là cây trồng ở trong rừng. Vì vậy, cây sưa này không thuộc sự quản lý của Nhà nước.

Trong trường hợp này, cây sưa thuộc tài sản chung của cộng đồng dân cư xã Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh). Theo quy định tại khoản 2, Điều 211 Bộ luật Dân sự năm 2015, các thành viên của cộng đồng có quyền được định đoạt tài sản theo thỏa thuận vì lợi ích chung của cộng đồng, và việc đấu giá cây sưa được sự đồng ý của cộng đồng không vi phạm điều cấm của luật và đạo đức xã hội nên việc đấu giá là hợp pháp.

“Còn đối với việc ban cộng đồng dân cư chia tiền bán gỗ sưa cho từng khẩu trong trong địa phương cũng không bị cấm. Bởi vì, cây gỗ sưa là tài sản chung của thôn, việc chia tiền như vậy cũng là hợp pháp”, luật sư Tuấn Anh nói.

img

Cây gỗ sưa ở đình làng Đông Cốc, tỉnh Bắc Ninh

Ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm, sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã xác định cây gỗ sưa ở đình làng Đông Cốc là cây phân tán, không nằm trong danh mục thống kê di tích, do vậy được phép bán.

“Người dân trong thôn có mong muốn bán cây gỗ sưa để lấy số tiền hỗ trợ xây dựng quê hương và xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Việc làm này nhận được sự đồng thuận của nhân dân, các cấp lãnh đạo”, ông Hiến thông tin.

Trước đó, ngày 1.8.2016, tại trụ sở Công ty CP Đấu giá Việt Nam (Hà Nội), với sự tham dự của đại diện lãnh đạo xã Hà Mãn và huyện Thuận Thành đã tổ chức bán đấu giá cây sưa 200 năm tuổi. Giá khởi điểm của cây sưa được đưa ra tại phiên đấu giá này là 23.964.672.000 đồng, không có thuế giá trị gia tăng.

Ông Nguyễn Văn Hùy tại phiên đấu giá trong lần trả giá thứ 16 ông đã trả mức giá cao nhất là 24,5 tỷ đồng so với 4 người còn lại cùng tham gia. Sau đó, ngày 25.3, ông Hùy đã hỗ trợ thêm cho địa phương 1,5 tỷ đồng, nâng tổng giá trị của cây sưa cho đến khi chặt hạ, bàn giao là 26 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo xã Hà Mãn, trước khi cây sưa 200 năm tuổi được bán với giá 26 tỷ đồng, năm 2015, cây sưa có biểu hiện cành khô, lá héo. Do vậy, người dân trong thôn mới họp bàn và có quyết định bán cây gỗ sưa để lấy kinh phí tu bổ, trùng tu lại đình Đông Cốc, xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại, tại trong khuôn viên đình làng Đông Cốc hiện còn có một cây sưa khoảng 400 năm tuổi. Cây sưa này có chiều cao hơn chục mét, đường kính khoảng 1 mét, với nhiều cành tỏa bóng mát khắp sân đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem