Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mới đây, Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023.
Gập ghềnh xuất khẩu tôm năm 2023
Năm 2022 là năm khó khăn chung của ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành tôm, nhưng đã có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chỉ đạo bám sát thực tiễn, nắm bắt thời cơ, đặc biệt là trong quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh cho tôm nuôi.
Vì vậy, mặc dù diện tích nuôi tôm không tăng nhưng sản lượng đã tăng 8,5% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2021, đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ thả nuôi đạt 747.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú 610.000ha, tôm thẻ chân trắng hơn 117.300ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Sản lượng nuôi tôm các loại năm đạt 1.080,6 triệu tấn, trong đó sản lượng tôm sú đạt 271.400 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 743.500 tấn.
Tuy đạt được nhiều tín hiệu tích cực, nhưng các cơ quan chuyên môn và địa phương dự báo năm 2023, ngành tôm Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm năm 2022 đạt mức kỷ lục là nhờ vào đơn hàng gối từ năm 2021 do Covid-19 bị đình lại, giá tôm tăng, nỗ lực lớn của các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Xuất khẩu tôm năm 2022 sang 108 thị trường thay vì 103 như năm 2021, trong đó xuất khẩu sang 9 thị trường chính chiếm hơn 97% tổng giá trị.
Theo Tổng cục thủy sản, vụ tôm năm 2023 cả nước sẽ xuống giống thả nuôi với diện tích 750.000ha, trong đó, có 610.000ha diện tích nuôi tôm sú và 120.000ha diện tích nuôi tôm thẻ và còn lại là các loại tôm khác. Sản lượng thu hoạch tôm các loại năm 2023 dự kiến đạt 1,08 triệu tấn, trong đó có 280.000 tấn tôm sú và 750.000 tấn tôm thẻ chân trắng và còn lại là các loại tôm khác.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, thông tin: Xuất khẩu tôm năm 2023 của nước ta sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Bên cạnh đó, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn.
Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu rất khó khăn.
Ngoài ra, với tồn kho còn lớn, nhập khẩu tôm của Mỹ chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm 2023. Nhu cầu vẫn sẽ tập trung nhiều hơn vào tôm size nhỏ, lợi thế nghiêng vể Ecuador vì nguồn cung tôm dồi dào hơn và lợi thế về vị trí địa lý.
"Xuất khẩu tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn bởi nguồn cung của thế giới đang tăng và có xu hướng giá giảm. Từ đó, dự báo nhu cầu thị trường sẽ hồi phục từ quý 2 năm 2023 trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022" - ông Hòe nhận định.
Theo ông Hòe, vấn đề nguồn nguyên liệu là yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải xem lại xu hướng thị trường để thay đổi cơ cấu sản phẩm.
Bên cạnh đó, có thể thiết lập các vùng nuôi riêng để chủ động nguồn tôm và giá cả. Doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm và xuất khẩu sản phẩm mang tính chất đặc thù của Việt Nam, như tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh, sinh thái…
Đồng quan điểm, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng, chi phí vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thu ý và con giống cao trong khi giá sản phẩm giảm cũng khiến người nuôi e ngại thả nuôi. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc cung cấp nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Cần khai thác tốt thị trường nội địa
Cũng theo ông Trương Đình Hòe, sản lượng tôm sú của cả nước đạt khoảng 250.000 tấn/năm, nhưng qua số liệu xuất khẩu, khối lượng được đưa vào các nhà máy chế biến chưa đến 100.000 tấn, tức đã có một lượng lớn được đưa vào tiêu thụ thị trường nội địa.
Ông cho rằng, nội địa là thị trường tiêu thụ lớn và đang có dấu hiêu tăng trưởng nhanh, cần phải thay đổi chiến lược trong vấn đề phát triển xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng tính đến việc khai thác mạnh hơn thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn.
Nhiều đại biểu cũng đồng quan điểm khi cho rằng, khi thị trường nội địa ổn định thì người nuôi tôm mới yên tâm sản xuất, bởi không chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu. Điều này tạo đà phát triển rất tốt cho việc tạo ra vùng nuôi tôm ổn định, phục vụ cho xuất khẩu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NNPTNT, thông tin: Năm 2022 là một năm khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã kịp thời đưa ra kịch bản, đối sách tháo gỡ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2023, chúng ta đặt mục tiêu xuất khẩu đạt trên 4,3 tỷ USD.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu bị sụt giảm, nhưng chúng ta đã chủ động dự báo tình hình, cân đối sản xuất, tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống, không ngừng tiếp cận với các thị trường mới.
Để duy trì ổn định, tạo đà bứt phá xuất khẩu khi cơ hội đến trong năm 2023, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong tình hình mới.
"Bộ sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu năm 2023. Bên cạnh đó, chúng ta phải xác định 8 yếu tố liên quan đến vật tư đầu vào, trong đó vấn đề con giống là rất quan trọng, để giảm giá thành, nâng cao giá trị nuôi tôm" - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.