Bán hết cổ phiếu đón Tết hay tranh thủ mua hàng “sale” trong phiên cuối cùng của năm Tân Sửu?
Bán hết cổ phiếu đón Tết hay tranh thủ mua hàng “sale” trong phiên cuối cùng của năm Tân Sửu?
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 28/01/2022 14:26 PM (GMT+7)
Phiên giao dịch cuối cùng của năm Tân Sửu (âm lịch), những pha rung lắc quá mạnh từ bảng điện khiến nhà đầu tư phân vân: Nắm giữ cổ phiếu hay bán chốt lời nghỉ tết? Không biết “bánh chưng năm nay có còn thịt hay không?”…
Trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, nhà đầu tư nhập cuộc khá dè dặt khi bước vào phiên sáng 28/1, khiến thanh khoản giảm mạnh. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE sau khi mở cửa hơn 1 giờ cũng không đạt nổi 4.000 tỷ đồng.
Sau hơn 1 giờ rung lắc và biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu, nhóm cổ phiếu bluechip đua nhau khởi sắc đã kéo VN-Index bật mạnh. Chỉ số VN30 đã tăng hơn 16 điểm, giúp VN-Index thử thách vùng giá 1.480 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhanh chóng trở lại sau phiên đuối sức hôm qua với sắc xanh phủ kín trên diện rộng của ngành. Chỉ còn duy nhất SSB giảm nhẹ, còn lại đều khởi sắc với MBB đang tăng tốt nhất hơn 3%, các mã khác như BID, TCB, STB, VIB, HDB, SHB, OCB, LPB đều tăng hơn 1%, VPB và TPB tăng hơn 2%...
Thêm vào đó, các mã lớn khác tiếp sức cho đà tăng thị trường như MSN, VRE, FPT đều tăng hơn 2%; BVH, VNM, HPG, PLX, GVR tăng nhẹ…
Trong khi đó, nhóm chứng khoán nhanh chóng giảm nhiệt với nhiều mã như APG, BVS, CTS, TVS, TVB, VIG, VDS… đảo chiều điều chỉnh.
Nhóm bluechip khá nỗ lực nhưng diễn biến không khác nhiều so với những phiên gần đây khi lực bán lại dâng cao về cuối phiên khiến thị trường đuối sức, chỉ số VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HoSE có 209 mã tăng và 197 mã giảm, VN-Index tăng 1,16 điểm (+0,08%) lên 1.471,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 345,82 triệu đơn vị, giá trị 10.201,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11,44 triệu đơn vị, giá trị 435,83 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, chốt phiên sáng có 76 mã tăng và 117 mã giảm, HNX-Index giảm 1,87 điểm (-0,45%), xuống 409,4điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,7 triệu đơn vị, giá trị 846,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,57 triệu đơn vị, giá trị 187,44 tỷ đồng.
Còn trên UpCom, chối phiên sáng, chỉ số UpCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,16%) xuống 108,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,6 triệu đơn vị, giá trị 649,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể khi chưa tới nửa tỷ đồng.
Nên mua hay bán để nghỉ tết?
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, những lúc thị trường không thuận lợi, có điều chỉnh hay tích lũy thì nhà đầu tư nên giải ngân dần vào. Còn đến lúc thị trường đang tăng dần thì nên chọn để bán dần chứ không phải để mua vào.
"Có thể điều này khiến nhiều nhà đầu tư không thoải mái vì họ thích mua lúc giá xanh, còn quan điểm của tôi thì tôi thích mua vào lúc giá đỏ. Có thể qua tết nguyên đán, trong 1 tuần đầu thì thị trường có thể vẫn trong trạng thái lình xình", ông Phương nói.
Chỉ số VN-Index có thể sẽ tăng nhẹ hoặc điều chỉnh nhẹ, vì lúc này tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn nghỉ tết, ăn chơi, đi chùa chiền, cúng kiếng hoặc thăm viếng, hội họp với nhau… Lúc này cũng là cơ hội để nhà đầu tư mua tích lũy dần. Đến khi nhà đầu tư tập trung nhiều vào thị trường để đầu tư thì lúc đó thị trường sẽ bắt đầu tăng, khi đó giá trị cổ phiếu sẽ tăng lên.
"Lúc này nếu mua vào thì có thể vẫn có lời nhưng biên lợi nhuận sẽ không tốt bằng lúc mua vào khi giá cổ phiếu đang giảm", ông Phương đúc kết.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường MBS - cho rằng việc thị trường biến động mạnh vừa qua chủ yếu liên quan đến yếu tố tâm lý của nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư thận trọng chốt lời để tiêu dùng trước tết và qua tết sẽ đầu tư tiếp.
"Thị trường chứng khoán vẫn luôn chứng kiến biến động mạnh trước kỳ nghỉ dài" – ông Sơn nhận định. Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh nhà đầu tư chứng khoán thường sau khi bán tháo lại có xu hướng mua đuổi khi thị trường tăng điểm.
Giám đốc MBS bật mí chiến lược để kiếm tiền giai đoạn này là công thức 4T của ông. Chữ T đầu tiên là chọn cổ phiếu nền tảng "Tài chính tốt". Thứ hai là "Thanh khoản tốt", bởi nếu cổ phiếu không có thanh khoản nhà đầu tư có thể không bán được cổ phiếu. Chữ T thứ ba là "Thông tin tốt" sẽ giúp cho nhà đầu tư yên tâm về triển vọng. Chữ T thứ tư là "Thời điểm tốt" sẽ giúp có lợi thế tốt hơn so với thị trường.
Công thức 4T này có thể giúp nhà đầu tư mở ra chữ T cuối cùng là… "Tiền".
Dự báo thêm về thị trường chứng khoán năm 2022, ông Sơn cho rằng thị trường sẽ tăng chậm lại, chỉ số đi lên gập ghềnh và dòng tiền sẽ có chọn lọc hơn như gần đây chạy vào nhóm ngân hàng, khu công nghiệp... Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu trở nên quan trọng với nhà đầu tư.
Ngược lại, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research cho rằng, không có hành động gì thời điểm này cũng là một vị thế đầu tư. Thậm chí, không giao dịch cũng là cách để nhà đầu tư thoát khỏi tình cảnh biến động lớn thời gian vừa qua.
"Đây không phải thời điểm thích hợp để giao dịch, đặc biệt là với những nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng, bởi nếu mua trong thời điểm này thì sau Tết cổ phiếu mới về tài khoản, rủi ro sẽ tăng cao nếu thị trường gặp biến động…", ông Hưng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.