Bản Kéo: Nơi ghi dấu ấn binh vận của chiến thắng Điện Biên Phủ
Bản Kéo: Nơi ghi dấu ấn binh vận của chiến thắng Điện Biên Phủ
Thanh Tùng
Thứ ba, ngày 09/04/2024 13:00 PM (GMT+7)
Qua 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dù có nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng nhưng di tích lịch sử đồi Bản Kéo (Tổ dân phố 2, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ) vẫn được bảo vệ nguyên trạng về cảnh quan, giúp cho người dân, du khách hiểu rõ hơn về chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta.
Trận đánh Bản Kéo, hay chính xác hơn gọi là "Vụ binh biến ở Bản Kéo" đã cho thấy sự sa sút tinh thần của binh lính và tay sai thực dân Pháp sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam giành thắng lợi ngay trận đánh đầu tiên vào "Cánh cửa thép" Him Lam ngày 13/3 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
Trận đánh này cũng thể hiện rõ cách hành xử nhân văn của ta với địch và sự sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của quân đội ta trong thời điểm đó. Hiện nay, khu di tích lịch sử đồi Bản Kéo được tỉnh Điện Biên và người dân sống trong khu vực bảo vệ tốt, giúp người dân, du khách đến tham quan hiểu hơn về chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta trong chiến thắng chống thực dân Pháp năm 1954.
Bản Kéo là cụm cứ điểm có tên Anne Marie nằm ở phía Tây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do tiểu đoàn ngụy Thái số 3 của Pháp chốt giữ. Cụm cứ điểm này có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Mường Thanh và chi viện, hỗ trợ cho cứ điểm đồi Độc Lập.
Trong các ngày từ 13 – 15/3, binh lính Thái ở đây đã liên tục chứng kiến sự thất thủ nhanh chóng của 2 cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập nên tinh thần vô cùng sa sút.
Chiều 16/3, Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận gửi đến cho binh lính nơi đây một bức tranh khổ lớn, vẽ cảnh binh lính Thái bỏ đồn chạy về với nhân dân, kèm theo dòng chữ: "Quay về với Tổ quốc, với đồng bào, các anh sẽ được tiếp đón tử tế".
Nhờ đó, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã chiếm được cứ điểm này không cần đánh khi vận dụ được binh lính Thái ở đồi Bản Kéo ra hàng.
Ông Phạm Văn Sam, Cựu chiến sĩ Điện Biên, hiện sống tại tổ dân phố 8, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ kể lại: 15h ngày 17/3, pháo binh ta bắn 20 phát vào đồi Bản Kéo. Lợi dụng lúc chỉ huy Pháp chui vào hầm ẩn nấp, binh lính Thái mở cổng đồn ào ào chạy về phía rừng nơi đang vang lên tiếng loa kêu gọi.
Hai đại đội lính Thái chạy ra hàng với toàn bộ vũ khí. Pháo binh địch ở Mường Thanh bắn chặn, nhưng không cản được bước chân của binh lính Thái phản chiến. Trung đoàn 36 từ quả đồi bên cạnh men theo đường hào vào khống chế được toàn bộ quân Pháp tại đồn Bản Kéo.
"Đánh Bản Kéo xong thì địch rút hết chứ cũng không ở đây, bộ đội ta chỉ vào thu chiến lợi phẩm, vũ khí. Cứ điểm Bản Kéo sau này thành kho gạo của ta rất rộng và thoải mái chi viện cho toàn chiến dịch", ông Sam cho biết thêm.
Hiện nay, di tích đồi Bản Kéo nằm trên địa bàn tổ dân phố 2, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ. Trải qua 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ dù có nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng, xong di tích vẫn được bảo vệ nguyên trạng về cảnh quan, giúp cho người dân, du khách đến tham quan hiểu rõ hơn về chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta.
Bà Nguyễn Thị Liên, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2 chia sẻ: Sau giải phóng Điện Biên, đời sống của nhân dân trong khu vực di tích đồi Bản Kéo không ngừng phát triển và nâng cao. Toàn tổ dân phố có hơn 100 hộ khoảng 500 khẩu, không có hộ nghèo.
Năm 2023, khi thực hiện chủ trương nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ, 50% số hộ trong tổ dân phố đã đồng lòng hiến đất, rời nơi ở thân thuộc trong nhiều năm của mình để nhường đất thực hiện đại dự án giao thông của tỉnh.
Đến nay, đời sống của người dân về nơi tái định cư mới đã ổn định, một nửa số hộ của tổ dân phố ở nơi ở cũ cũng đã kiến thiết lại nhà cửa khang trang hơn. Người dân trong phố tinh thần phấn khởi và tập trung bảo vệ, phát huy những giá trị thiêng liêng lịch sử của di tích đồi Bản Kéo nơi mình đang sinh sống.
Sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, di tích lịch sử đồi Bản Kéo vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành một địa chỉ đỏ thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu về sự khéo léo, thông minh trong công tác binh vận của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời gian chống thực dân Pháp xâm lược.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.