Nhỏ nhưng… tinh tế!
Những năm 60 của thế kỷ trước, bóng đá Nhật Bản từng tự nhận mình là “chiếc giày nhỏ” so với thế hệ cầu thủ Việt Nam. Và một thời gian khá dài, BĐVN dường như đã “ảo tưởng” sức mạnh, thay vì thực tế nhìn nhận để thấy phải chăng, ngay từ thời điểm cách đây hơn 50 năm, bóng đá xứ hoa anh đào đã truyền tải thông điệp “giày nhỏ nhưng tinh tế”!
Những cú sút xa táo bạo của Văn Hậu (phải) được coi là thứ “vũ khí” giúp U19 Việt Nam có thể gây bất ngờ trước U19 Nhật Bản. ảnh: Internet
Trong khoảng 20 năm qua, khi BĐVN loay hoay trong hành trình tiến lên chuyên nghiệp, đội tuyển quốc gia dùng hết thầy Đức đến thầy Anh, Brazil, Áo, Bồ Đào Nha… thì Nhật Bản đã có một J.League chất lượng, các đội tuyển quốc gia có chung một lối đá nhỏ, uyển chuyển, hiệu quả nhờ kiên định theo “chất Brazil”. Những ai từng có mặt trên sân Mỹ Đình từ năm 2007, chứng kiến tuyển Nhật Bản thắng Việt Nam 4-1 ở vòng bảng ASIAN Cup (trước đó, tuyển Việt Nam đã thắng UAE 2-0, hòa Qatar 1-1), cho tới năm 2014, xem U19 Nhật Bản thắng U19 Việt Nam 1-0 trong trận chung kết U19 Đông Nam Á đều thấy rõ đẳng cấp của họ. “Các tuyển thủ của ta đã chơi hay, nhưng bóng đá Nhật Bản đúng là ở một trình độ cao hơn hẳn. Họ chơi nhàn nhã, kiểm soát tốt thế trận và có được điều mình cần” - chuyên gia Nguyễn Văn Vinh chia sẻ với người viết.
Bản thân Lê Công Vinh – người khoác áo tuyển Việt Nam trải qua những cuộc đọ sức với Nhật Bản từ năm 2007 đến nay và có những ngày tháng chơi bóng ở J.League 2 cũng nhận định: “BĐVN kém Nhật Bản 50 năm phát triển”.
Kể lại những câu chuyện ở trên để thấy rất khó nếu U19 Việt Nam muốn vượt qua U19 Nhật Bản trong trận bán kết giải U19 châu Á 2016 diễn ra đêm nay.
Xem ai “nhẫn” hơn?
Nhiều chuyên gia khi được hỏi đều đánh giá U19 Nhật Bản vượt trội về mọi mặt. Nếu muốn tạo bất ngờ, U19 Việt Nam sẽ phải phòng ngự chắc chắn, thi đấu kiên trì, tập trung và tận dụng tối đa những cơ hội nhỏ nhất.
|
Nhìn lại hành trình của U19 Việt Nam trên đất Bahrain, có thể cảm nhận thấy thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn luôn đặt mình ở “cửa dưới” khi nhập cuộc. Chính ý thức rất “khiêm tốn” ấy cộng với tinh thần thi đấu tuyệt vời mang theo khát khao “khắc tên mình trên đời” đã giúp U19 Việt Nam khiến U19 CHDCND Triều Tiến bất ngờ (chịu thua 1-2), U19 UAE (hòa 1-1), U19 Iraq (hòa 0-0) bàng hoàng, và đội chủ nhà phải ngỡ ngàng (thua 0-1) ở trận tứ kết có ý nghĩa tranh vé dự giải U20 thế giới.
Trong trận tứ kết thắng đậm U19 Tajikistan 4-0, U19 Nhật Bản đã cho thấy họ có thể giải quyết trận đấu bằng nhiều cách: Tạt bóng đánh đầu, phối hợp trung lộ, đột phá vào vòng cấm dứt điểm, đá phạt… Rất khó để so sánh lứa U19 Nhật Bản lúc này với lứa U19 từng 4 lần liên tiếp thắng thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường trong năm 2014 với các tỷ số: 7-0 (giải giao hữu quốc tế), 3-2, 1-0 (vòng bảng và chung kết giải U19 Đông Nam Á), 3-1 (giải U19 châu Á). Nhưng U19 Nhật Bản hiện nay vẫn có một lối chơi “y khuôn” U19 Nhật Bản 2014.
“Để vượt qua U19 Nhật Bản, trước hết chúng ta phải biết kiên nhẫn và chờ những đột biến cá nhân như cách Trần Thành có bàn thắng vào lưới U19 Bahrain hoặc cú sút xa đẹp mắt thành bàn của Văn Hậu trong trận ra quân gặp U19 CHDCND Triều Tiên. Các cầu thủ trẻ cần nhìn vào tấm gương của đội tuyển futsal từng thắng Nhật Bản để giành vé dự World Cup. Khi trận đấu được đẩy tới loạt đá luân lưu thì rất khó đoán…” - bình luận viên Quang Huy chốt lại./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.