Bán loại nông sản này sang Mỹ thu 5 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang căng mình bảo vệ nhà máy

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 06/08/2021 12:06 PM (GMT+7)
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục lập những kỷ lục mới, đạt 8,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ đạt 5 tỷ USD.
Bình luận 0

Mỹ, Trung Quốc tăng tốc thu mua, xuất khẩu gỗ tăng trưởng ấn tượng chưa từng có

Bất chấp những tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục lập những kỷ lục mới. 

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý II/2021 đạt 4,42 tỷ USD, tăng 69% so với quý trước, tăng 81,7% so với quý II/2020. 

Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ trong quý II/2021 đạt 3,44 tỷ USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,2 tỷ USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,4 tỷ USD, tăng 76,4% so với cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ đạt tới 5 tỷ USD, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 814 triệu USD, tăng 27,1%; Nhật Bản đạt 704 triệu USD, tăng 17,2%; Hàn Quốc đạt 453,1 triệu USD, tăng 12,8%...

Tốc độ tăng trưởng cao của ngành gỗ trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh cả trong nước và quốc tế là nhờ nhiều doanh nghiệp gỗ đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới và sử dụng hiệu quả các kênh tiếp thị, bán hàng trực tuyến. 

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, trong quý III và quý IV/2021 ngành gỗ vẫn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu khả quan. 

Xuất khẩu gỗ - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ trong 6 tháng đầu năm 2021 sang thị trường Mỹ đạt tới 5 tỷ USD, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Lâm Việt (Đồng Nai). Ảnh: Cao Cẩm.

Châu Mỹ là điểm đến chính của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khu vực châu Mỹ (chủ yếu là thị trường Mỹ) là điểm đến chính của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. 

Trong quý II/2021, trị giá xuất khẩu đến khu vực này đạt 2,83 tỷ USD, tăng 110,3% so với quý II/2020. 

Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhiều nhất tới thị trường Mỹ trong quý II/2021, đạt 2,74 tỷ USD, tăng 110,7% so với quý II/2020. 

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới khu vực châu Mỹ chiếm 64,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 10,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong quý II/2021, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao, đạt 3,1 tỷ USD, tăng 99,3% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 70,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý II/2021. 

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 5,8 tỷ USD, tăng 80,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ chiếm 71% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất trên thế giới, trị giá nhập khẩu trong quý I/2021 đạt 6,8 tỷ USD, tăng 43,4% so với quý I/2020.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ trong thời gian này, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 41,4% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ. 

Tiếp theo là thị trường EU nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong quý I/2021 đạt 6,38 tỷ USD, tăng 24,7% so với quý I/2020. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2,9% trong tổng trị giá nhập khẩu.

Bán loại nông sản này sang Mỹ thu 5 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang căng mình bảo vệ nhà máy  - Ảnh 2.

BIFA cũng vừa có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Bình Dương, Sở Y tế, Sở Công Thương Bình Dương đề nghị ưu tiên phân phối vaccine cho những doanh nghiệp ngành gỗ đang áp dụng "3 tại chỗ". (Ảnh minh họa, nguồn: Bộ Y tế).

Xuất khẩu gỗ triển vọng, doanh nghiệp Bình Dương nỗ lực bảo vệ "vùng xanh"

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang tăng trưởng ấn tượng, hầu hết các doanh nghiệp đều đã nhận được hợp đồng từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam khiến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. 

Là một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn nhất cả nước, hiện các doanh nghiệp gỗ ở tỉnh Bình Dương đang nỗ lực thực hiện "3 tại chỗ".

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), trong số 85 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 23 doanh nghiệp không tham gia "3 tại chỗ", 47 doanh nghiệp đang duy trì "3 tại chỗ" và chưa xuất hiện ca F0, 1 doanh nghiệp vẫn duy trì "3 tại chỗ" dù xuất hiện 1 ca F0 và 10 doanh nghiệp tạm dừng "3 tại chỗ".

Như vậy, theo BIFA, số doanh nghiệp đang duy trì "3 tại chỗ" mà chưa có F0, tức đang an toàn khá cao, 76%. 

"Dữ liệu tạo lạc quan bất ngờ cho chúng ta. Có đến gần 80% doanh nghiệp có thể lọt vào “doanh nghiệp vùng xanh” nếu duy trì "3 tại chỗ" tốt" - BIFA nhấn mạnh.

Theo BIFA, cơ hội để các doanh nghiệp trở thành “doanh nghiệp vùng xanh” là rất cao, các doanh nghiệp chưa có F0 nên tiếp tục duy trì.

BIFA cũng vừa có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Bình Dương, Sở Y tế, Sở Công Thương Bình Dương đề nghị ưu tiên phân phối vaccine cho những doanh nghiệp ngành gỗ đang áp dụng "3 tại chỗ". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem