Bản quyền EURO 2024: TV360 làm gì để ngăn chặn "web lậu"?

Thứ hai, ngày 10/06/2024 21:10 PM (GMT+7)
EURO 2024 sắp đến, nhu cầu xem bóng đá online lại tăng mạnh hơn bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra là, TV360 - đơn vị sở hữu bản quyền EURO 2024 trên toàn lãnh thổ Việt Nam, sẽ phải làm gì để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền tràn làn từ các web xem bóng đá lậu.
Bình luận 0

Nở rộ website xem bóng đá lậu

Chỉ cần lên google gõ từ khóa “xem bóng đá online”, “xem bóng đá trực tuyến”…sẽ cho ra hàng loạt những website phát các trận bóng trực tiếp. Điều đặc biệt, các trang xem bóng đá này có đầy đủ các trận bóng từ các giải vô địch châu Âu, Châu Á cho đến châu Mỹ.

Bên cạnh những kết quả như VTV, FPT Play... hàng loạt các địa chỉ như xoilac, socolive, vebo… xuất hiện ngay ở kết quả đầu tiên. Các nội dung được lấy từ nguồn nước ngoài, sau đó chèn logo của trang cũng như hình ảnh quảng cáo cho các dịch vụ cá cược bóng đá.

Bản quyền EURO 2024: TV360 làm gì để ngăn chặn "web lậu"?- Ảnh 1.

Giao diện của trang web xoilaczzy. Ảnh: Chụp màn hình.

Qua tìm hiểu, hiện nay trang “Xoilactv” là một trong những website xem bóng đá được nhiều người ưa chuộng nhất. Tại đây có đầy đủ các trận đấu từ châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ… Người xem có nhu cầu xem trận đấu nào có thể click vào xem rất dễ dàng.

EURO 2024 chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra, “cuộc chiến” với các trang web xem bóng đá lậu lại trở thành chủ đề được quan tâm.

Tính đến thời điểm này, theo trang chủ của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), đã có 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới sở hữu bản quyền truyền hình EURO 2024, trong đó có Việt Nam. Đơn vị mua được bản quyền là Viettel Telecom với nền tảng số TV360. Việc công bố sớm bản quyền có thể làm dịu đi khía cạnh ganh đua giữa các đơn vị, nhưng câu hỏi đặt ra là, chừng đó thời gian có đủ để tìm được hướng giải quyết vấn đề chống web lậu?

TV360 sẽ làm gì để bảo vệ bản quyền EURO 2024?

Liên quan đến vấn đề bảo vệ bản quyền EURO 2024 trước vấn nạn phát sóng lậu tràn lan từ các trang web xem bóng đá trực tuyến tại Việt Nam, đại diện TV360 cho biết, họ sẽ phối hợp cùng UEFA và các đơn vị bảo vệ bản quyền để quét, áp dụng các biện pháp pháp lý, kỹ thuật để rà soát, ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền giải đấu: "Để đảm bảo yêu cầu về vấn đề bản quyền, TV360 đề nghị các đơn vị báo, đài, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình, các đơn vị khai thác clip... có nhu cầu chia sẻ, sử dụng bản quyền truyền thông VCK EURO 2024 trên lãnh thổ Việt Nam cần làm việc với TV360.

Hiện nay, một số đơn vị truyền thông, truyền hình trả tiền đang tích cực đàm phán với TV360 để tiếp sóng "nguyên đai nguyên kiện" giải đấu này. Để tránh tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam diễn ra tràn lan trên internet, TV360 sẽ kết hợp cùng UEFA cùng các đơn vị bảo vệ bản quyền để quét, áp dụng các biện pháp pháp lý, kỹ thuật để theo dõi, kiểm soát và tăng cường bảo mật bảo vệ nội dung, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền...".

Bản quyền EURO 2024: TV360 làm gì để ngăn chặn "web lậu"?- Ảnh 2.

EURO 2024 sẽ khởi tranh vào rạng sáng ngày 15/6, gheo giờ Việt Nam. Ảnh: UEFA.

Tại buổi họp báo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết trong năm 2023, Cục đã cùng Cục An toàn thông tin đã chặn tổng cộng 162 trang web vi phạm. Nếu tính cả các trang web thay đổi tên miền thì rất nhiều, lên tới gần nghìn trang. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cơ quan quản lý. Bởi lẽ, ngay khi bị chặn tên miền, các kênh này liền đổi địa chỉ IP, đổi tên miền nhanh chóng, chỉ mất 5 - 10 phút.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử dẫn ví dụ web lậu vi phạm bản quyền trắng trợn nhất là Xoilac TV, với 20 tên miền khác nhau. Khi cơ quan chức năng chặn tên miền này thì rất nhanh sau đó lại có tên miền mới xuất hiện thay thế.

Nói về phương thức của các website ăn cắp bản quyền truyền hình, ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo cho biết trên Báo Công an Nhân dân: Phương thức chính là họ “đẩy SEO lên top Google nhằm lôi kéo lượng truy cập, sau đó nhận quảng cáo cho kênh cờ bạc, lừa đảo.

Theo ông Hiếu, nguyên nhân của việc xuất hiện tràn lan các trang web này là do không được quản lý, các trang này tồn tại nhiều vấn đề tương tự các web "đen", như quảng cáo cờ bạc, dịch vụ phạm pháp, hoặc dụ người dùng tải phần mềm chứa mã độc. Quảng cáo thường được đặt dày đặc, thậm chí khung pop-up hiện ra trong quá trình xem, yêu cầu người dùng click vào nếu muốn xem tiếp. “Ví dụ như kênh Xoilac từng đặt một quảng cáo cho trang “Worldcup 20”, dụ người dùng truy cập, nhưng thực chất là trang phát tán mã độc”, ông Hiếu cho biết thêm.

PV (Theo Bóng đá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem