So với công văn mà Ban điều hành đàm phán gửi Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) cách đây khoảng 1 tuần, những đề nghị của VNPay TV với Bộ TT-TT tỏ ra “mềm mỏng” hơn. Trong khi Ban điều hành đàm phán yêu cầu VNPay TV có ý kiến với Bộ TT-TT và Đài truyền hình Việt Nam (VTV) yêu cầu VTV lưu ý việc phát sóng các chương trình thuộc EPL trên các kênh chương trình của VTV (trong đó có K+) đều do VTV quyết định, thì VNPay TV chỉ lặp lại một quan điểm đã… rất cũ (vốn cũng do chính Ban điều hành đàm phán từng đưa ra).
|
Các nhà đài trong nước và VNPay TV đang chờ ý kiến chỉ đạo quyết định của Bộ về vấn đề bản quyền EPL giai đoạn 2013-2016 |
Cụ thể, công văn VNPay TV gửi Bộ TT-TT nêu: “VTV cần sớm nghiên cứu phương án… học hỏi Quy định CCM của Singapore. VTV và Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) cần tận dụng hạ tầng của các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền khác để truyền dẫn EPL tại Việt Nam.
Đề nghị VTV, VSTV nêu rõ quan điểm của mình trước ngày 30.6.2013 để các đơn vị có nhu cầu phát sóng EPL có đủ thời gian làm việc với VSTV về các điều khoản chi tiết và đấu nối kỹ thuật trước khi mùa giải mới bắt đầu vào tháng 8.2013”.
CCM là gì? Điều này vẫn còn đang rất mông lung với người hâm mộ Việt Nam. Và chỉ có thể tạm hiểu đó là cách khắc phục tình trạng nội dung trên truyền hình trả tiền bị xé lẻ do mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền độc quyền một số nội dung.
Hạn chế tình trạng người xem liên tục phải thay đổi nhà cung cấp dịch vụ và phải trả phí thuê bao cao hơn. Khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chuyển từ chiến lược độc quyền nội dung sang tạo sự khác biệt bằng chất lượng dịch vụ…
Nói cách khác, VNPay TV đã nhắc lại câu chuyên mà Dân Việt đã từng có bài phản ánh cách đây 1 tháng. Đại ý là trong giai đoạn 2013-2016, các thuê bao của AVG, VTC, VCTV, SCTV… có thể được xem EPL mà không cần mua đầu thu K+ nếu chấp nhận chi tối đa thêm 100 nghìn đồng/tháng trả cho K+.
Số tiền này sau khi thu về sẽ được K+ và các nhà đài chia nhau theo tỷ lệ hợp lý nhất. Và bản chất cách làm này chỉ đem tới cái lợi cho các nhà đài, còn dân tình vẫn phải oằn lưng chịu thêm phí thuê bao trong điều kiện kinh tế vốn vô cùng khó khăn (?!).
Ý thứ 2 trong công văn VNPay TV gửi Bộ TT-TT cũng lặp lại quan điểm đã khẳng định rất nhiều lần: “Trong trường hợp không thống nhất được với IMG và Ban tổ chức EPL về việc chia sẻ bản quyền EPL, VTV cần sử dụng quyền phủ quyết của đơn vị nắm giữ 51% vốn trong VSTV để phủ quyết việc Canal Plus chuyển giao bản quyền phát sóng độc quyền cho VSTV hoặc không cho phép phát sóng EPL trên các kênh chương trình của VTV…”.
Với những cú “chuyền bóng” liên tiếp, rõ ràng Ban điều hành đàm phán và VNPay TV đang cần một cú “dứt điểm” của Bộ TT-TT.
Cũng trong công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 17.6, VNPay TV cho biết ngày 4.6 vừa qua, Công ty CAA Eleven – đơn vị được Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) chỉ định là đại diện kinh doanh bản quyền phát sóng vòng loại và vòng chung kết Euro 2016 trên lãnh thổ Việt Nam đã gửi hồ sơ mời đấu giá bản quyền tới các đơn vị hoạt động truyền hình tại Việt Nam. CAA Eleven đề nghị các đơn vị tham gia đấu giá bản quyền phát sóng hai sự kiện trên phải trả lời CAA Eleven trước 17h ngày 4.7.2013 (giờ Việt Nam). Hai ngày 13 và 14.6, đại diện của CAA Eleven đã sang Việt Nam làm việc với các đài truyền hình có nhu cầu để trình bày phương thức đấu giá bản quyền phát sóng và một số vấn đề liên quan. VNPay TV đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có chủ trương giao cho một đơn vị làm đầu mối đại diện đàm phán với CAA Eleven và UEFA để mua bản quyền. Tránh tình trạng các nhà đài trong nước cạnh tranh lẫn nhau tạo điều kiện cho các đơn vị nước ngoài nâng giá bản quyền lên một cách vô lý.
Tuệ Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.