Người hâm mộ mệt mỏi
Khi mùa giải bóng đá 2012 chỉ còn khoảng hơn 1 tuần nữa là khởi tranh, điều người hâm mộ quan tâm nhất lúc này là có được xem truyền hình trực tiếp các trận đấu hay không.
|
Người hâm mộ mong được xem bóng đá chứ không phải những chuyện "đằng sau trái bóng". |
“Chúng tôi đã chứng kiến quá nhiều câu chuyện "đằng sau trái bóng", trong khi điều quan tâm nhất là trái bóng sẽ bay trên sân thế nào, đẹp, cống hiến ra sao. Về vấn đề bản quyền truyền hình, phải khẳng định hợp đồng 20 năm mà VFF ký với AVG hoàn toàn công khai, minh bạch. Một số quan chức VFF đồng thời là lãnh đạo VPF hiểu nhất họ cần phải ứng xử như thế nào với bản hợp đã ký với AVG” - nghệ sĩ Đức Trung - Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam bày tỏ.
Theo ông Trung, các bên cần tĩnh tâm ngồi lại với nhau rồi mọi chuyện sẽ được giải quyết tốt đẹp. Tất cả phải đặt cái chung lên trên lợi ích cá nhân.
Cùng quan điểm với các CĐV, điều các đội bóng quan tâm nhất lúc này là vấn đề bản quyền truyền hình sớm được giải quyết.
Ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA cho rằng: "Các bên phải làm việc nghiêm túc, có người chủ trì để đưa ra quyết định hợp lý, nhanh chóng nhất. Nếu vì lý do nào đó mà V.League không được truyền hình trực tiếp những vòng đấu đầu tiên thì điều đó không chỉ ảnh hưởng tới mỗi đội bóng (trong quan hệ với nhà tài trợ), mà còn ảnh hưởng tới VFF và bóng đá Việt Nam”.
Ông Thanh cũng nhấn mạnh: “Vấn đề không chỉ là chuyện kinh tế, mà quan trọng hơn là ảnh hưởng tới hình ảnh, sự phát triển của bóng đá nước nhà".
Đi tìm chính nhân quân tử
Chưa biết các quan chức VFF, VPF... có hiểu những gì người hâm mộ, các đội bóng (thành phần chính tạo nên V.League I và II) muốn hay không mà suốt cả tuần qua, vấn đề bản quyền truyền hình mới chỉ dừng ở những tranh cãi.
Trao đổi với Dân Việt sáng 20.12, ông Phạm Ngọc Viễn - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, Tổng Giám đốc VPF cho biết: “Ngày 22.12 tới, VFF sẽ họp với VPF để bàn bạc cụ thể, chi tiết những vấn đề liên quan tới việc chuyển giao bản quyền truyền hình từ VFF sang VPF”.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà đài lớn: VTV, VTC đều bày tỏ sự ủng hộ khi VPF quyết định xem xét lại hợp đồng bản quyền truyền hình V.League I (giải Ngoại hạng) và V.League II (giải hạng Nhất quốc gia)... mà VFF đã ký với AVG. Đơn giản, nếu hợp đồng 20 năm được duy trì thì đó sẽ là khoảng thời gian “đau khổ” nhất đối với những “lão làng” như VTV, VTC khi họ phải phụ thuộc nhiều vào “tân binh” AVG.
Điều tưởng như VPF có thể làm rất nhanh chóng sau những tuyên bố hoành tráng là gặp gỡ phía đơn vị đang nắm giữ bản quyền truyền hình là AVG, hóa ra VPF vẫn... chưa làm gì. Chiều 20.12, ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch Tập đoàn AVG nói: “Tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía VFF, VPF. Khi chưa biết phía VFF, VPF muốn gì thì cũng không có gì để nói”.
Xem ra, nút gỡ của câu chuyện bản quyền truyền hình sẽ nằm trong cuộc họp ngày 22.12 giữa VFF và VPF. Theo mục 4, Điều 53 Luật Thể dục Thể thao thì cần thiết phải có một bản hợp đồng rõ ràng, chi tiết giữa VFF và VPF về việc chuyển giao quyền sở hữu bản quyền truyền hình: “Chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được chuyển nhượng quyền sở hữu đối với giải thể thao cho tổ chức, cá nhân theo hợp đồng do các bên thoả thuận”, chứ không thể nói suông.
Giờ cùng chờ xem khi ai cũng có cái lý riêng của mình, thì những người trong cuộc sẽ gác sang bên cái tôi, thể hiện bằng hành động (chứ không chỉ dừng ở lời nói) đặt lợi ích chung lên hàng đầu như thế nào?
Chính Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.