Tôi là đứa con ở xa về quê khi chính quyền và người dân đang chuẩn bị cho sự kiện trọng đại: Đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cao quý vào ngày 5.8.2013.
Ngày 25.4.2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 806QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bát Trang (huyện An Lão, Hải Phòng) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đình làng Quán Trang- nơi xảy ra vụ thảm sát năm 1949.
Vụ thảm sát kinh hoàngQuán Trang là một thôn thuộc xã Bát Trang nằm cách huyện lị An Lão, Hải Phòng chừng 5km về hướng tây bắc, được ví như một pháo đài nằm án ngữ ngay vị trí hiểm yếu vì ba mặt đều là sông bao bọc- sông Văn Úc phía tây, sông Lạch Tray vòng phía bắc, sông Đa Độ uốn lượn phía nam. Vì vậy ngay từ những ngày đầu giặc Pháp chiếm đóng Hải Phòng chúng đã xây đồn bốt hòng chia cắt làng và những địa phương khác để dễ bề cai trị. Nhưng người Quán Trang đâu dễ khuất phục.
Dân làng chặt cả ngàn cây tre rào sông không cho giặc lấn tới. Cứ đêm mang tre ra cắm, ngày lại ngụy trang không cho giặc thấy. Làng tự thành lập đội tự vệ “Sao Vuông” với hơn 30 đội viên, tự chế vũ khí trang bị cho mình chống lại kẻ thù. Với vũ khí chỉ là mã tấu, dao kiếm là chính nhưng đội tự vệ ấy đã bao lần làm cho giặc thất điên bát đảo. Chúng điên cuồng, lồng lộn trả thù. Và rồi trong cuộc chiến không cân sức ấy, kẻ thù đã tràn được vào làng, sau khi đẩy lùi được sự kháng cự quyết liệt của người dân Quán Trang.
Một cuộc trả thù dã man, thảm khốc đã xảy ra… Đó là ngày 29.4.1949. Vào khoảng 10 giờ sáng, giặc huy động quân từ bốt Ruồn, đò Cựu, Liễu Dinh, Thượng Trang với số quân lên đến hơn 1 tiểu đoàn tràn vào Quán Trang. Chúng đi tới đâu đốt phá tới đấy, lửa khói mù mịt, súng nổ đùng đoàng. Chúng thực hiện “3 sạch”- cướp sạch, đốt sạch, phá sạch.
Sau trận càn, khoảng 70 lính Pháp đã lùa dân làng ra đình để hành quyết hòng làm lung lạc ý chí của người dân.
Chúng bắt gần 400 người, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em ra đình, lột hết quần áo bắt quỳ ở sân. Bốn tên lính Pháp lực lưỡng lôi xềnh xệch ông Nguyễn Văn Khung- 1 du kích trong đội “Sao Vuông” vào sân đình, đè ông lên chiếc bàn gỗ, 4 tên giữ chặt tay chân ông, 1 tên cầm lưỡi lê đâm vào cổ ông. Nhiều người đã ngất xỉu, gục xuống sân đình... Sau khi hành quyết gần chục người, chúng lùa số người còn lại ra bờ sông, xua xuống sông để bơi sang Thanh Hà (một xã bên kia sông) rồi từ trên bờ chúng dùng liên thanh xả vào dòng người đang ngụp lặn trên sông. Nhiều người đã chết ngay tại chỗ, tiếng kêu la thảm thiết vang vọng cả một vùng trời.
Be cau đánh thắng giặc Mặc dù địch tiến hành những cuộc bắt bớ, thảm sát dã man hòng lung lạc ý chí chiến đấu bảo vệ quê hương, nhưng người dân Quán Trang vẫn không hề nao núng. Người này ngã xuống, người khác đứng lên. Quán Trang lập làng chiến đấu: Đào giao thông hào, từng nhà đào hầm trú ẩn, hầm bí mật cất giấu cán bộ để bám trụ mỗi khi lực lượng tự vệ buộc phải rút khỏi làng. Vườn nhà tôi có tới 5 chiếc hầm bí mật.
Vụ thảm sát ở Quán Trang ngày 29.4.1949 là vụ thảm sát lớn nhất chưa từng có tại Hải Phòng (về mức độ dã man không kém gì vụ “Mỹ Lai” sau này). Chúng bắt 400 người dân vô tội, hành quyết gần chục người; rồi lùa dân bơi qua sông. Ở trên bờ, giặc dùng súng xả xuống... Ông Nguyễn Văn Mão - cựu du kích Sao Vuông, nhân chứng của vụ thảm sát, hiện sống tại TP. Hải Phòng.
|
Một lực lượng vũ trang lớn đã được hình thành, bao gồm các lực lượng quan trọng như: Đội quân báo (có 12 đội viên), mỗi thôn đều có đội du kích với số quân lên đến 120 người. Ngoài ra Quán Trang còn có đội quyết tử, sau nhập với đội quyết tử của xã, số quân tình nguyện gồm 35 cảm tử quân.
Vũ khí của các đội du kích, đội quyết tử là súng ống, lựu đạn cướp được của giặc, súng, mìn tự chế; cuốc thuổng, gậy gộc, giáo mác tự chế… Với vũ khí như vậy, các lực lượng vũ trang Quán Trang đã chống trả quyết liệt những trận càn của địch với số quân đông gấp cả chục lần, được trang bị vũ khí tối tân, để bảo vệ quê hương làng xóm.
Đã có biết bao tấm gương hy sinh dũng cảm, những câu chuyện tình yêu như là huyền thoại. Cả những mất mát to lớn và cả những nỗi đau kinh hoàng mà người dân Quán Trang phải gánh chịu. Ông nội tôi, bố tôi và 2 chú rể tôi đều hy sinh trong cuộc kháng chiến ác liệt này. Tất cả những điều đó đã làm nên một bản tình ca bi tráng về cuộc chiến đấu giữ nước, giữ nhà của người Quán Trang và bản tình ca đó được truyền từ đời này sang đời khác của người dân Quán Trang.
Nguyễn Văn Hồng được mọi người nhắc tới như một vị anh hùng của làng gắn với chiếc be cau đánh giặc mà hiện nay lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Đó là đêm 25.5.1949. Đêm ấy trăng sáng vằng vặc. Lần ấy du kích làng kết hợp với bộ đội trên tỉnh về để nhử địch ra đánh, mãi đến gần sáng chúng mới mò vào làng. “Sự cố” trận phục kích ấy là do mìn của du kích lúc giật lại không nổ mà giặc chỉ cách mấy bước, địch phát hiện xả súng làm mấy người chết, thấy tình hình nguy cấp, Nguyễn Văn Hồng lao lên xông thẳng vào 3 tên giữ hỏa lực chặn làn đạn lại để cứu nguy cho đồng đội, miệng hô “xung phong!”. Bọn giặc nghĩ thế quân ta đang mạnh mà hoảng sợ, vì thế mà đồng đội của ông Hồng rút lui an toàn, còn ông thì ra đi mãi mãi với tấm thân chi chít vết đạn…
Thách cưới bằng... lựu đạnLịch sử của làng Quán Trang quê tôi thường được vun đắp bằng những câu chuyện có thực mà mới nghe lần đầu thật khó có thể tin được. Trong pho sử ấy có chuyện thách cưới bằng… lựu đạn!
Bây giờ cả cô dâu và chú rể đã là người thiên cổ, nhưng đôi khi người già làng tôi trong các đám cưới vui vẻ thường mang chuyện “thách cưới bằng lựu đạn” ra kể cho con cháu nghe. “Ngày ấy khắp làng đâu đâu cũng sôi sục tinh thần giết giặc, dân mình lúc ấy có vũ khí gì đâu, chỉ trang bị toàn cuốc thuổng, gậy gộc là chính. Nên mới có kiểu cưới xin như thế” - các cụ thường hồi tưởng lại.
" Ngày ấy, dân mình chống giặc có vũ khí gì đâu, chỉ trang bị toàn cuốc thuổng, gậy gộc là chính. Nên mới có kiểu thách cưới bằng lựu đạn như thế. Lời kể của các cụ ở làng Quán Trang
|
Ngày ấy, cô du kích Nguyễn Thị Là đẹp người đẹp nết nhất làng. Trai làng trên xóm dưới rồi làng bên “dòm ngó” đánh tiếng, nhưng hiềm một nỗi bà cụ thân sinh ra cô Là có kiểu “ra giá” có một không hai: “Ai mang đủ 30 quả lựu đạn đến là tôi sẽ gả con gái cho”.
Cuối cùng ứng cử viên nặng ký nhất lại rơi sang làng khác, đó là xã đội trưởng mãi bên Thanh Hà. Đúng là khi ấy 30 quả lựu đạn hiếm khác nào “gà chín cựa ngựa chín hồng mao”. Đám cưới thời chiến diễn ra đơn giản lắm nhưng bà cụ thật là người giữ chữ tín.
Ngày lành tháng tốt, khi nhà trai đội 2 mâm lựu đạn qua sông, đếm đủ không thiếu một trái đưa cho du kích là 2 họ coi như xong phần nghi lễ. Cụ không nhận thêm bất cứ một thứ gì. Đám cưới ấy đã đi vào lịch sử của làng.
Quán Trang quê tôi hôm nay đã có nhiều thay đổi, cuộc sống của người dân đã đủ đầy, nhà cửa khang trang, đường làng đã rải gạch đẹp đẽ, nhưng những chứng tích tội ác thảm sát của kẻ thù thì vẫn còn đó như nhắc nhở các thế hệ trẻ Quán Trang: Để có được hạnh phúc của ngày hôm nay, các thế hệ cha ông họ phải hy sinh lớn biết chừng nào.
Nguyễn Văn Bủng ( Nguyễn Văn Bủng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.