Ngày 3/10, ông Dương Minh Đức - Vụ trưởng Tổ chức cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương, trả lời phỏng vấn của VnExpress xung quanh việc cơ quan này vừa tổ chức thi tuyển các chức danh vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III (đóng tại TP HCM, theo dõi các tỉnh, thành từ Ninh Thuận trở vào phía Nam và tỉnh Lâm Đồng).
Vụ trưởng Tổ chức cán bộ của Ban tổ chức Trung ương Dương Minh Đức. Ảnh: Giang Huy
- Ban Tổ chức Trung ương vừa trở thành đơn vị đầu tiên trong số các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp vụ. Việc này xuất phát như thế nào, thưa ông?
- Sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án "thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng", Ban bí thư đã chỉ đạo 14 bộ ngành, địa phương và 22 tỉnh, thành sẽ thí điểm thi; khuyến khích các đơn vị khác tham gia.
Về phía Ban Tổ chức Trung ương, một mặt thực hiện chủ trương của cấp trên, mặt khác Ban cũng có nhu cầu đổi mới công tác cán bộ, vì vậy chúng tôi đã lên kế hoạch và tổ chức thi tuyển.
Trong hai ngày 30/9 và 1/10, Ban thi tuyển thành công và bổ nhiệm được ba Vụ trưởng mới. Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý thì trước đây đã có một số địa phương, bộ ngành làm rồi, như Quảng Ninh, Bộ Giao thông Vận tải, Đà Nẵng, nhưng các đơn vị này thi cán bộ quản lý nhà nước, còn thi cán bộ tham mưu nhất là tham mưu cấp chiến lược ở Ban Tổ chức Trung ương thì đây là lần đầu.
- Được biết kỳ thi tuyển này chỉ có 12 thí sinh dự thi để chọn ra 3 người, vì sao Ban không mở rộng số thi sinh?
- Đợt này Ban tổ chức tổ chức thi tuyển 3 Vụ trưởng, theo quy định, tiêu chuẩn để làm lãnh đạo các Vụ này phải là chuyên viên cao cấp, có quy hoạch Vụ trưởng. Khi có quy chế và kế hoạch thi, chúng tôi đã thông tin rộng rãi trên trang thông tin nội bộ Ban, các phương tiện thông tin đại chúng, rồi gửi công văn đến các tỉnh uỷ, thành uỷ.
Cuối cùng có 12 hồ sơ đủ điều kiện đăng ký dự thi. Nhiều người khác có nhu cầu thi nhưng chưa đủ điều kiện. Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ tham mưu, rất có thể đợt tới sẽ có điều chỉnh để các đối tượng thi rộng rãi hơn.
Nhiều đề án dự thi dày hàng trăm trang
- Có ý kiến băn khoăn về tính khách quan của kỳ thi khi 2/3 số người được chọn giữ chức Vụ trưởng đang là Vụ phó ở Vụ đó?
- Quan điểm của lãnh đạo Ban rất rõ ràng là kỳ thi này phải đảm bảo tính nghiêm túc, dân chủ, công bằng. Chúng tôi đăng tải công khai danh sách các thí sinh đủ điều kiện dự thi.
Khi các ứng viên nhận chủ đề dự thi, được nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, khảo sát thực tế, trao đổi với các đơn vị. Ví dụ như nhóm 3 người ở Hà Nội thi chức danh Vụ trưởng Vụ 3 phải bay vào Vụ 3 để tìm hiểu thực tế, đồng thời tìm hiểu 22 tỉnh thành mà Vụ 3 theo dõi. Trên cơ sở đó, ứng viên về viết thành đề án.
Theo quy định, đề án phải được nộp sau 1 tháng nhận chủ đề. Các đề án được trình bày rất công phu, có những đề án viết hàng trăm trang, phụ lục cũng hàng trăm trang; kèm theo đó là chương trình hành động.
Các đề án được nộp thống nhất một ngày vào 5/9. Ứng viên nộp đề án trước sự chứng kiến của Tổ giúp việc, tự tay cho vào thùng đã ghi tên sẵn, tự tay niêm phong và được bảo mật tuyệt đối. Khi nào Hội đồng thi họp thì các đề án mới được mở ra.
Sở dĩ phải bảo mật tuyệt đối vì các ứng viên này đều nhận được câu hỏi chung "nếu là Vụ trưởng thì anh phải làm gì tốt nhất?". Các ý tưởng của họ là độc lập và nghiêm túc. Kỳ thi có các đại diện giám sát gồm công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh.
Toàn bộ quá trình thi cũng được ghi hình, sau này chính người trình bày sẽ được ngồi xem lại quá trình mình trả lời. Chúng tôi cho rằng đây là cách trao đổi dân chủ và thuyết phục nhau tốt nhất.
Hội đồng thi có lãnh đạo Ban, Vụ trưởng Tổ chức Cán bộ là Uỷ viên thư ký. Ban cũng mời 4 người ở các cơ quan ngoài gồm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Học viện Hành chính Quốc gia, và hai người tuy là Phó ban kiêm nhiệm của Ban nhưng lại ở hai đơn vị khác là Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Nội vụ. Như vậy Hội đồng có 11 thành viên thì 6 người ở cơ quan ngoài, chỉ có 5 người ở trong Ban.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao Quyết định bổ nhiệm cho ba thí sinh xuất sắc nhất. Ảnh: C.T.V
- Các bài thi được cho điểm như thế nào, thưa ông?
- Có hai loại phiếu cho điểm, phiếu chính thức nộp cho tổ giúp việc và phiếu nháp. Ví dụ Hội đồng thi tuyển Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ sẽ xem xét lần lượt phần thi của 5 người, cho điểm vào phiếu nháp từng người, sau đó từng thành viên Hội đồng tự cân nhắc số điểm của từng người, rồi từ bản nháp sao sang bản chính thức để nộp lại.
Như vậy sẽ đảm bảo mỗi bài thi được cân nhắc trong tổng thể, làm sao người được cao điểm nhất là người trình bày tốt nhất.
Các thành viên Hội đồng thi cho điểm độc lập, không ai trao đổi với ai. Khi bộ phận giúp việc tổng hợp và công khai thì thấy quan điểm của các thành viên trong Hội đồng về thứ tự điểm của thí sinh rất giống nhau. Điều đó chứng tỏ các ứng viên dự thi bộc lộ khá rõ năng lực của mình, và thành viên Ban giám khảo hết sức nghiêm túc, khách quan.
"Đặt niềm tin vào những người vừa được lựa chọn"
- Thí sinh có biết trước thành viên trong Hội đồng gồm những ai không?
- Nếu hội đồng công khai sớm rất có thể ứng viên gặp gỡ. Nhưng Hội đồng thành lập sát kỳ thi; đảm bảo không có đủ thời gian để thí sinh tác động. Trong Hội đồng cũng đảm bảo không có người nhà, người thân của thí sinh.
- Ban tổ chức kỳ vọng gì từ cuộc thi này, nếu những người được chọn không đáp ứng yêu cầu, ko thực hiện những lời đã hứa khi thi thì xử lý ra sao?
- Việc tổ chức kỳ thi này là thêm căn cứ để lãnh đạo Ban lựa chọn những người có đủ đạo đức, năng lực..., tạo môi trường cho ứng viên thể hiện hết khả năng của mình, tránh chuyện khép kín, cục bộ.
Với quá trình chuẩn và thi tuyển công phu, nghiêm túc, chúng tôi có đủ cơ sở vững chắc để đặt niềm tin vào những người vừa được lựa chọn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, có thể sẽ có những tình huống mình không lường trước hết được. Trong trường hợp đó, Ban Tổ chức Trung ương sẽ thực hiện theo quy chế luân chuyển, điều chuyển và phân công cán bộ. Đội ngũ cán bộ nói chung, kể cả các Vụ trưởng đều có thể được điều chuyển đến những vị trí khác phù hợp.
- Ông nói thi tuyển là để có thêm căn cứ lựa chọn cán bộ lãnh đạo, vậy ngoài cuộc thi này thì còn có căn cứ nào khác?
- Việc này là đổi mới một khâu của quá trình tuyển chọn lãnh đạo, nhưng không xa rời các quy định. Ví dụ đây là những người được đào tạo, rèn luyện, quy hoạch; được đảng uỷ cho ý kiến về quá trình phấn đấu; có lý lịch đảm bảo đủ điều kiện theo tiêu chí cán bộ của Đảng; có bản khai tài sản theo quy định...
Tất cả những điều kiện trên, cộng với việc tham dự kỳ thi đạt số điểm cao nhất, mới hội tụ thành điều kiện cần và đủ để lãnh đạo Ban xem xét, bỏ phiếu, sau đó mới ký quyết định bổ nhiệm Vụ trưởng.
Có thể nói ở đây đổi mới nhưng vẫn tuân thủ các quy định của Đảng về công tác cán bộ.
- Sắp tới Ban sẽ thi tuyển chức danh nào nữa?
- Quy chế thi tuyển đã được ban hành và từ nay trở đi, tất cả các chức danh ở Ban từ phó phòng, trưởng phòng, vụ phó, vụ trưởng, khi có nhu cầu đều tiến hành thi tuyển. Ban Tổ chức Trung ương không bổ nhiệm bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm nữa.
Đạt 84,4 điểm, ông Đỗ Phương Đông (Vụ phó phụ trách Vụ Chính sách cán bộ) đã trúng tuyển chức danh Vụ trưởng; ông Phạm Mạnh Khởi (83,6 điểm), Vụ phó phụ trách Vụ Cơ sở Đảng trúng tuyển chức danh Vụ trưởng Cơ sở Đảng. Ông Nguyễn Xuân Liết (82,1 điểm), Vụ phó Tổ chức - Điều lệ trúng tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Địa phương III.
Ngày 1/10, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã trao Quyết định bổ nhiệm cho ba cán bộ nói trên, thời hạn 5 năm.
|
Hoàng Thùy (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.