Bán trời không văn tự

Thứ sáu, ngày 12/03/2010 13:31 PM (GMT+7)
NTNN - Không chỉ nợ lãi vài chục triệu đồng, nhiều sinh viên còn thuê rồi “cắm” cả xe máy, ô tô.
Bình luận 0

img
                       Hiệu cầm đồ, thuê xe mọc lên nhan nhản ở cổng các trường đại học.

PV NTNN đã lao vào bát quái trận đồ vay nặng lãi để nhận ra rằng: Chủ nợ là những kẻ cao tay, các điều khoản pháp luật hiện nay không thể chạm vào họ.

Vùng đất của các "người hùng"

Trong tất cả các trường ĐH xứ Bắc, Trường ĐH TDTT Từ Sơn là nơi nổi tiếng với chuyện cho vay nặng lãi. Và nó càng nổi tiếng hơn về chuyện cờ bạc.

Có nhiều lý do: Trường nằm biệt lập ở một vùng quê vốn nổi tiếng là nơi có nhiều sới bạc: Đình Bảng, Chùa Dận... SV là dân thể thao nên tính cách mạnh mẽ, ăn chơi hết mình. Cộng thêm lòng yêu thích thể thao nên chuyện cá độ bóng đá coi như một phần của niềm đam mê. Vì vậy, nơi đây từng xuất hiện những “người hùng” bán trời không văn tự, vay mượn tới vài trăm triệu đồng.

Nguyễn Khánh Nhất là một trong số ấy. Mặc dù đã tốt nghiệp và hiện đang công tác tại phòng văn hoá một huyện nhưng Nhất vẫn nổi tiếng tại Trường ĐH TDTT Từ Sơn với tổng số nợ lên đến 500 triệu đồng.

Tại đây, tổng số nợ là phần chủ yếu để giới SV giành "số má" với nhau. Cỡ 500 triệu trở lên là thuộc hàng VIP rồi, khối anh nể. Nhất bảo: "Cùng khoá, loại như em dễ đến vài chục thằng. Còn cỡ suýt soát 1 tỷ cũng phải vài chú".

Cách đây hơn một năm, nợ quá nhiều, Nhất đã phải gửi thư về cho gia đình, đại ý: "Con vay nợ 100 triệu, sau một tháng lãi lên gần 250 triệu đồng. Con sẽ đi xa để trốn nợ. Nếu không, sẽ có chuyện "máu chảy đầu rơi”... Bố mẹ không phải lo cho con". Bỏ đi xa trốn nợ nhưng Nhất vẫn không quên gửi lại toàn bộ giấy tờ vay nợ. Xót con, bố mẹ Nhất lại xoay xoả tiền đi trả nợ.

Vậy những SV như Nhất vay tiền ở đâu, bằng cách nào? Câu trả lời có ngay. Sát cạnh trường là làng Sặt, xã Đồng Quang, nơi này chỉ có dăm biển hiệu cầm đồ được đăng kí nhưng hầu như nhà nào ở đây cũng cho vay nợ.

Tất nhiên phải là SV của trường. Chỉ cần SV ấy có tên lớp, tên khoa, địa chỉ gia đình là các chủ nợ sẽ  tạo điều kiện cho vay "tẹt ga", tương đương với khả năng chi trả của mỗi gia đình. Con nhà nông dân, khoảng dăm chục triệu đồng là hết cỡ; con công chức thì hàng trăm triệu; con quan chức, kinh doanh dăm trăm triệu cũng chẳng sao.

Sau mỗi mùa bóng đá, quanh trường lại nháo nhác lên với chuyện vay trả. Nhiều SV đã phải nghỉ học bởi bỏ cái bằng cử nhân là chuyện nhỏ chứ chủ nợ báo công an là đi tù ngay. 

Lần "úp sọt" bất thành

Qua chuyện của Nhất và nhiều SV đang vay nặng lãi, chúng tôi cho rằng với kiểu tính lãi "giết nguời" kia, chắc chắn chủ nợ đã vi phạm pháp luật. PV NTNN đã cùng đi với một cảnh sát hình sự  để làm rõ sự vụ và nhận thấy “công nghệ” cho vay nặng lãi ở đây quá tinh vi.

Đi dọc đường làng Sặt, chúng tôi cầm 20 giấy cầm đồ xe máy mà một con nợ SV đã mượn, tổng tiền gốc vay là 100 triệu đồng (5 triệu đồng/xe), vậy mà chú chàng phải trả tới 250 triệu đồng sau một tháng vay.

Tôi thắc mắc bởi lãi suất dù cao (10.000 đồng/ngày cho 1 triệu đồng) nhưng cũng chưa vi phạm và tổng số tiền cũng không lên con số quá cao như vậy. Khi lên làm thủ tục trả nợ 100 triệu đồng + 30 triệu đồng tiền lãi rồi dắt đủ 20 chiếc xe máy Tàu ra khỏi cửa, chúng tôi không thấy điều gì mờ ám.

Xong xuôi, chủ hàng pha trà, đốt thuốc rồi bảo: "Thôi! Mình cứ ở đây cho đỡ mệt để tôi gọi chủ xe đến nhận luôn cho". 4 người đến gần như cùng lúc. Chào hỏi nhau nghiêm chỉnh, hoà nhã, nhẹ nhàng rồi ông chủ cửa hàng phân công: "6 cái xe này của thằng này, 6 cái của thằng kia... Anh tự thanh toán tiền với chúng nó nhé".

Tôi ngơ ngác: "Để tôi về hỏi thằng cu em đã. Biết xe của ông nào với ông nào đâu". Mấy chủ xe khoát tay: "Anh yên tâm, chữ của em anh đây này", nói xong cả 4 chìa cho bọn tôi xem đủ 20 giấy thuê xe có chữ loằng ngoằng.

Sau khi được tôi xác nhận, các chủ xe cũng đồng thanh: "Anh cho em xin tiền thuê xe". Lúc ấy, bọn tôi mới tá hoả. 200.000 đồng/ngày đêm/xe, thuê 20 xe một tháng vị chi là 120 triệu đồng.

Đang choáng váng vì số tiền quá lớn thì chủ hàng bảo: "200.000 đồng/ngày là đúng giá rồi anh ạ! Hồi em đi Sapa, thuê xe những 250.000 đồng/ngày đêm mà tìm mãi còn không có". Điều này làm chúng tôi, gồm cả anh cảnh sát hình sự cũng buộc phải công nhận là đúng nhưng vẫn sốc vì sự  "phối hợp" nhịp nhàng của “bộ máy cắt cổ” này.

Khảo sát của NTNN tại nhiều trường ĐH khác thì trong các loại hình "tổ hợp vay lãi", phương pháp "cho thuê để cắm" tại các trường phổ biến hơn cả.

Những hình thức khác để hợp lý hoá chuyện cho vay nặng lãi như tính lãi vào tiền thuê nhà, cho thuê phòng nghỉ (nhưng thực chất không được ở) thì nhiêu khê và không gọn gàng... dần dần cũng không thấy xuất hiện nữa.

Với mỗi địa bàn thì chuyện này được thay đổi tí chút cho phù hợp: Mấy trường dạng "vùng xa" như ĐH Thái Nguyên, ĐH Nông nghiệp, Lâm nghiệp... thì cho thuê xe đạp để cắm. Với những trường mà sinh viên thuộc dạng "Con ông sấm, cháu bà thiên lôi" như ĐH An ninh, Học viện Ngân hàng... thì thuê một vài chiếc xe hơi để đi cắm cũng sẵn lòng được "tạo điều kiện".

Cách đây 3 năm, tại cổng Trường ĐH An ninh (Hà Nội) có SV bị chủ hiệu cầm đồ đánh chết vì mâu thuẫn, sau đó nhà trường tuyên bố trên các phương tiện thông tin rằng sẽ siết chặt hơn công tác quản lý SV.  Nhưng giờ đây, các hiệu thuê xe, cầm đồ quanh đấy lại càng mọc lên nhan nhản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem