Triều Tiên được cho là không hề hấn gì dù Mỹ và Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt được mô tả là mạnh chưa từng có.
Theo Express, hồi tháng 9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter rằng, hàng dài người dân Triều Tiên phải xếp hàng để mua xăng dầu nhờ kết quả của gói trừng phạt bổ sung được mô tả là mạnh chưa từng thấy nhắm vào Triều Tiên do Liên Hợp Quốc thông qua sau khi chính quyền Kim Jong-un thử hạt nhân đầu tháng đó.
Một trong những biện pháp được áp dụng trong gói trừng phạt bổ sung nhắm vào Triều Tiên là lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ cho nước này.
Theo Trung tâm nghiên cứu và chiến lược Quốc tế, một cơ quan cố vấn ở Washington DC, các hình ảnh vệ tinh gần đây đã không cho thấy những thay đổi đáng kể tại 6 trạm xăng dầu lớn ở BÌnh Nhưỡng.
Các chuyên gia Triều Tiên Joseph Bermudez và Lisa Collins xác nhận rằng: "Tất cả những cơ sở được kiểm tra dường như đều ở trong tình trạng hoạt động tốt hoặc đang được tu sửa, bảo dưỡng".
Một trong số những bức ảnh đã được chụp vào tháng 4, trước khi có tin Trung Quốc dường như đã cắt nguồn cung cấp dầu mỏ cho Triều Triên, trong khi một bức ảnh khác được chụp vào tháng 11.
"Hình ảnh vệ tinh được sử dụng trong phân tích này không thể xác định thông tin về những biến động mạnh mẽ về giá nhiên liệu xăng và dầu diesel hay về đường ống dẫn gas dài ở Bình Nhưỡng trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 là đúng hay không.
Những hình ảnh vệ tinh chỉ cho thấy, nếu những điều đó xảy ra, thì chúng dường như không có bất cứ tác động lâu dài nào đối vói các cơ sở vật chất hoặc số lượng cũng như loại hình phương tiện tham gia giao thông trong thành phố", báo cáo của chuyên gia Joseph Bermudez và Lisa Collins viết.
Ngoài ra, những bức ảnh cũng không chỉ ra có những dòng xe xếp hàng dài để mua xăng, dầu. Theo Express, câu hỏi đặt ra là làm thế nào nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể chống lại các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc một cách dễ dàng như thế?
Một trong những suy đoán của các chuyên gia là đội quân tin tặc của Triều Tiên bao gồm 7.000 hacker trên khắp thế giới đã thay đổi chiến thuật, tích cực tiếp sức cho chính quyền Bình Nhưỡng bằng các phi vụ đánh cắp bitcoin
Theo BBC, ít nhất 7 triệu USD tiền điện tử đã bị đánh cắp trên sàn giao dịch Bithumb hồi đầu tháng 2.2017. Tuy nhiên theo tỷ giá hiện nay, số tài sản bị mất, chủ yếu là đồng Bitcoin và Ethereum, đã tăng thành 82,7 triệu USD.
Ngoài ra, hacker còn đánh cắp thông tin cá nhân của hơn 30.000 người dùng và yêu cầu khoản tiền chuộc trị giá 5,5 triệu USD từ Bithumb nếu muốn xoá dữ liệu.
Các nhà phân tích cho rằng hacker Triều Tiên đứng sau cvụ tấn công mạng nói trên. Bitcoin và nhiều đồng tiền điện tử khác có thể là mục tiêu mà nước này nhắm đến nhằm giảm tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế cho việc liên tục phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên đã phủ nhận mọi cáo buộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.