Bằng Kiều thừa nhận đa đoan, khẳng định: "Thúy Kiều đã ăn thua gì!"

Chủ nhật, ngày 13/05/2018 14:05 PM (GMT+7)
“Ối giời ơi, Thúy Kiều đã ăn thua gì! Bằng Kiều khéo còn đa đoan hơn nhiều...” - nam ca sĩ “đào hoa” chia sẻ vui về “kiếp đa đoan” của mình, nhân dịp anh về nước chuẩn bị cho một live show lớn ở vị trí khách mời đặc biệt.
Bình luận 0

img

“Mấy cô ấy chả có điểm chung nào hết!”

Thêm lần nữa, anh lại về nước trong tình trạng... lẻ bóng. Có vẻ như lần này anh nhịn yêu hơi lâu?

- Cũng không hẳn đâu! Cơ mà đúng là đến một cái ngưỡng nào đó rồi, cảm xúc nó không dễ ào đến nhanh như trước. Thôi thì cứ để nó trôi tự nhiên vậy, mà tự nhiên thì không nhanh được (cười).

Đã đến mức “há miệng chờ sung” chưa anh?

- Ôi, chưa! Nếu cần thì vẫn phải... đi tán chứ!

Nhìn vào lộ trình yêu của anh thì có vẻ bảng tiêu chí hơi thiếu ổn định nhỉ: Lúc thì vì tính cách, tài năng, lúc lại là nhan sắc...?

- Đúng là mấy cô ấy gần như chẳng có điểm chung nào. Chả thấy mấy! Nhưng thật ra là chẳng có bảng tiêu chí nào hết, chẳng có sự tính toán nào cả. Cứ lần mò theo cảm xúc mà đi thôi, chỉ có thể nói là số phận. Đến được với nhau hay không còn ở được với nhau hẳn cũng là do số phận.

Để bắt đầu cũng như chuyển hóa một mối quan hệ, điều tôi quan trọng nhất là sự tử tế và chân thành, từ phía mình cũng như phía đối phương, ít ra là ở thời điểm đó.

“Đối phương” – nghe có vẻ lạnh lùng nhỉ? Tôi tưởng nhẽ nên dùng từ “đối tác”?

- “Đối tác” nghe còn lạnh lùng hơn ấy!

Lúc này, anh còn tin vào hôn nhân nữa không?

- Tôi nghĩ những vấn đề của hôn nhân thì hẳn là giống nhau, về cơ bản là giống, với chừng ấy mối bận tâm, quan sát... Chỉ khác nhau chăng là ở con người, mỗi người sẽ lựa chọn một cách ứng xử khác nhau, nên hôn nhân vì thế vẫn có muôn hình vạn trạng.

Tên gọi của một mối quan hệ, hay một tờ hôn thú, theo tôi chẳng mấy quan trọng. Cuối cùng thì vẫn là câu chuyện chúng ta sống với nhau như thế nào, liệu có đủ mang tới cho nhau cảm giác bình an, thấu hiểu hay không mà thôi, và quan trọng nhất là phải cùng phông văn hóa.

Ở đây tôi không nói là hơn hay kém, mà điều cần thiết là phải tương đồng. Nếu khác, thì khó...

“Người đâu mất người/ Đời tôi ngốc dại/ Tự làm khô héo tôi đây...” - Câu hát đôi khi vận vào người đấy nhỉ, anh đã bao giờ thấy thế?

- Trong âm nhạc thì là thế nhưng ngoài đời thì người ta bảo thẳng là... ngu đấy! Nhưng tôi có buồn có dại, thì lúc hát những bản nhạc tình, nó mới có thể thành ra da diết thế. Điểm mạnh của tôi là tình cảm, mà để mất đi thì có mà thất nghiệp à?

Thường, anh cư xử thế nào với nỗi buồn?

- Trốn tránh chưa bao giờ là cách tôi chọn. Đời tôi, nói thật là đến giờ này cũng đã gần như trải qua đủ mọi hỷ nộ ái ố, để mà khó có thể có điều gì đẩy mình xuống được sâu hơn đến đáy, nên gặm nhấm nỗi buồn có thể cũng là một cách hay, và không quá khó. “Buồn ơi ta xin chào mi” mà, mình chào nó rồi vui vẻ để nó lại trong đời sống thôi, chả việc gì phải tìm cách khỏa lấp cả...

Đào hoa như anh thì có mấy khi rảnh mà buồn?

- Ơ thật ra tôi cũng có đào hoa lắm đâu nhỉ! So với mấy “Quả Dưa Hấu” Tuấn Hưng, Tú Dưa, hay Trường Giang Trường Diếc, rồi thì bao nhiêu người khác nữa thì tôi đây đã là gì!

Chả bao giờ biết từ chối hay sao ấy?

- Không ạ, từ chối nhiều chứ! Nghĩ sao? Không từ chối thì có mà chết à!

Tới giờ này anh thấy mình đa đoan bằng Kiều, hay là... hơn Kiều rồi?

- Thúy Kiều ấy hả? Ối giời ơi, Thúy Kiều đã ăn thua gì! Bằng Kiều khéo còn đa đoan hơn nhiều...

“Tùng Dương như... tranh Picasso”

Sở hữu chất “giọng mái” có một không hai, nhưng hình ảnh của anh trên sân khấu lại đậm chất nam tính. Còn Tùng Dương, ngược lại, là một biểu tượng “unisex”/phi giới tính, dù sở hữu một chất giọng đầy lửa. Hai người liệu sẽ kết hợp thế nào trong live show “Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng” sắp tới?

- Tùng Dương là điên lắm đấy, nhưng có Bằng Kiều níu lại chắc sẽ đỡ hơn! Đùa thế thôi, chứ Dương khôn lắm, điên kiểu của Dương là điên – tỉnh đấy, điên một cách tính toán, chỉn chu, đẹp đẽ, lại còn là đẹp tự nhiên, chứ không phải là điên vô tội vạ, vô tổ chức đâu! Nhạc Việt hồi giờ chả thiếu người điên, nhưng điên kiểu như Dương cũng là hiếm đấy! Bản lĩnh nghệ thuật đến tận cùng, nhưng may mắn là được chấp nhận - đâu phải ai cũng được thế.

Dù tôi lên sân khấu thì cũng không được... tỉnh cho lắm, đôi lúc cũng để cảm xúc nó kéo mình đi, nhưng Dương thì khác đấy, phần nhiều là Dương kéo người ta đi. Nếu như cái kiểu rủ rỉ tí tách của tôi là để cốt đi sâu vào lòng người thì cái kiểu ghì xiết riết róng của Dương là để lôi tuột người ta đi theo cách mà Dương muốn và người ta gần như khó mà cưỡng lại được.

Tùng Dương phải nói là một cái gì đó rất khác so với thế hệ của tôi. Những đột phá của Dương quả thật rất đáng trân trọng.

Dù tôi cũng là cái thằng “bướng”, hay tìm cách đi ngược trào lưu, khi người ta hát nhạc trẻ thì tôi gần như là cái thằng đầu tiên đi hát nhạc xưa..., nhưng dẫu thế thì cũng vẫn là dễ được chấp nhận hơn vì những cái tôi chọn thường thiên về tình cảm, dễ đi vào lòng người hơn.

Còn âm nhạc của Tùng Dương thì cứ như tranh lập thể của Picasso vậy, đâu dễ gì dành cho người... yếu bóng vía. Thường thì đi ngược trào lưu sẽ rất khó được chấp nhận, sẽ rất dễ bị dội, nhưng may mắn lại vẫn sẽ đến với mình nếu như bằng cách nào đấy, cùng chạm được vào tim khán giả.

Đã bao giờ, trong môi trường làm nghề ít đòi hỏi phá cách như hải ngoại, mà Bằng Kiều muốn đánh đổi mọi săn đón và những tràng pháo tay lấy một lần “điên đẹp đẽ” của Tùng Dương chưa?

- Dễ thường, nơi nào đông khán giả hơn thì thị hiếu cũng sẽ đa dạng hơn và tiện cho mình được vùng vẫy hơn rồi. Nhưng cuộc đời thì cũng luôn có sự bù trừ, để mỗi thứ có cái sướng riêng của nó. Nếu như “nhạc điên” của Tùng Dương có thể khiến được người ta kêu lên: “Wow!”, thì nhạc tình của Bằng Kiều lại có thể khiến được người ta thắt ở tim, nghẹn ở cổ...

Cũng như tôi mang tiếng được yêu nhiều cô hơn, thì bù lại, Dương lại có một đời sống êm ả, không bị xáo trộn. Đời là thế, và nghề cũng là thế, được cái này thì sẽ không được cái kia, nên tốt nhất là bình thản mà sống và vui với thứ mình có, thay vì cứ đi “nhòm” vào nhà người khác...

Anh với Tùng Dương, thì ai cao hơn nhỉ?

- Có vẻ cũng sêm sêm, nhưng mà cũng chưa biết được, vì Dương thì... khó lường lắm, nghi là toàn đi giày độn gót ăn gian chiều cao thôi (cười).

“Bộ tứ sông Hồng” - vì sao hồi giờ anh chỉ hát nhạc Dương Thụ?

- Chú Thụ, là vì thân quá rồi! Nhạc của chú nhẹ nhàng mà nam tính, hợp với cách tôi muốn trò chuyện với khán giả.

Tôi cũng học được chú nhiều khi tập tành viết ca khúc, chú lúc nào cũng khuyên tôi tránh xa mấy từ sáo rỗng, nghe không thật.

Còn thì cả bộ tứ, tôi đều trân trọng lắm chứ, vì mỗi người là một màu riêng, một khí chất riêng. Không nghi ngờ gì nữa, họ chính là bệ phóng, chất xúc tác cực mạnh đã góp phần tạo nên lứa ca sĩ tài năng cùng thời và cả sau này - như chúng ta đã thấy.

Xin cảm ơn anh!

Thủy Nguyên (Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem