Bánh kẹo rởm tràn về nông thôn

Thứ ba, ngày 27/12/2011 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng theo ghi nhận của phóng viên ngày 26.12, ở hầu khắp các khu vực nông thôn, bánh kẹo “3 không” đã tràn ngập thị trường.
Bình luận 0

Rẻ thì bán cho nông dân

Chị Lò Thị Thảo (dân tộc La Hủ ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè, Lai Châu), tất tả mang hơn chục con gà ra chợ bán để gom góp tiền sắm tết cho gia đình.

img
Bánh kẹo Trung Quốc bán tràn lan ở chợ xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu.

“Năm nay thấy cái gì cũng đắt đỏ, mình cũng muốn mua những loại bánh kẹo của Việt Nam sản xuất với giá cả phải chăng nhưng thực tế ở trên này 90% là sản phẩm của Trung Quốc. Dù nhiều sản phẩm toàn chữ nước ngoài, chẳng thể xác định được hạn dùng nhưng với mẫu mã, màu sắc đẹp, giá cả lại rẻ nên hầu hết bà con ở đây vẫn ưa dùng sản phẩm bánh kẹo của Trung Quốc” - chị Thảo nói.

Theo quan sát của chúng tôi, ở hầu hết các điểm chợ trên địa bàn 2 huyện Mường Tè, Phong Thổ (Lai Châu), sản phẩm bánh kẹo hầu hết không có nguồn gốc xuất xứ, nhất là các khu vực giáp biên giới, với lợi thế giá rẻ, mẫu mã đẹp, thậm chí có những sản phẩm 3 không (không bao bì, không hướng dẫn sử dụng, không ghi nguồn gốc xuất xứ…). Nhưng do giá cả rẻ nên đồng bào ở vùng cao và khu vực nông thôn vẫn lựa chọn.

Tại thị trấn Kép (Lạng Giang, Bắc Giang) nằm cạnh Quốc lộ 1A đi Lạng Sơn, được coi là địa bàn trung chuyển của các sản phẩm qua đường biên giới với nước bạn, những ngày này bắt gặp nhiều ô tô chất đầy bánh kẹo “3 không”.

“Mình chỉ nhận hàng từ các chủ hàng ở Lạng Sơn, sau đó lại giao về cho các đại lý ở Hà Nội nên cũng chẳng quan tâm chất lượng thế nào cả. Thấy người ta có nhu cầu lớn với mặt hàng bánh kẹo nào thì lại đặt hàng các đầu mối để lấy hộ” - một chủ đại lý ở Lạng Giang cho biết.

Trao đổi với Dân Việt, ông Thân Ngọc Sang - Trưởng phòng nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường Bắc Giang) cho biết, từ đầu năm đến nay Chi cục đã bắt được 310 vụ vận chuyển hàng lậu, trong đó có nhiều bánh, mứt kẹo không rõ nguồn gốc. Gần đây nhất, Chi cục đã bắt tịch thu một xe chở hơn 3.400kg bánh kẹo không rõ nguồn gốc…

Theo ông Sang, với việc tăng cường thanh, kiểm tra thị trường bánh, mứt kẹo dịp Tết, chắc chắn số vụ liên quan tới bánh kẹo “3 không” bị xử lý còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Hà Nội: Bánh kẹo “3 không”

Cứ đến hẹn lại lên, gần Tết, các mặt hàng bánh kẹo, mứt tết các loại, hạt dưa, hạt bí lại tràn ngập tại các điểm kinh doanh lớn của Hà Nội như chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, Hàng Giấy, Ngô Sĩ Liên... Các sạp hàng rực rỡ muôn màu sắc xanh đỏ, tím, vàng, hồng... của các loại bánh kẹo được bày bán trên rổ, trên chậu.

Ghi nhận tại chợ Đồng Xuân sáng 26.12, nhiều nhất là các loại kẹo hoa quả, kẹo gôm, kẹo sôcôla và bánh quy, bánh xốp. Các loại bánh kẹo này hầu hết bao bì đều có chữ Trung Quốc, không có hướng dẫn tiếng Việt. Có một số loại bánh khác có in tên một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước nhưng cũng không có thành phần, nguyên liệu hay phụ gia sử dụng. Không ít loại kẹo chỉ được bọc sơ sài bằng miếng giấy bóng, chỉ chạm nhẹ là bung. Chỉ nhìn sơ, chúng tôi cũng đã nhặt được vài cái bánh đã bị chuột gặm nham nhở. Các loại mứt cũng vun đầy ở các chậu, không hề được che đậy.

Người bán hàng ở chợ Đồng Xuân cho biết, các loại kẹo Trung Quốc có giá từ 35.000-55.000 đồng/kg. Loại kẹo hoa quả xanh đỏ bọc giấy nylon trông bé như đầu ngón tay út còn rẻ hơn, chỉ 22.000 đồng/kg. Các loại bánh tùy loại cũng dao động từ 30.000-60.000 đồng/kg. So với Tết năm ngoái, giá bánh kẹo cân này nhỉnh hơn 20-30%.

Hàng lậu dịp Tết tăng mạnh

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 127 T.Ư, từ đầu tháng 12 đến nay, trung bình mỗi ngày lực lượng chức năng của cả nước bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu lớn, nhỏ với đủ các loại hàng hóa tết, nổi bật nhất là các mặt hàng rượu, bia, bánh kẹo, thuốc lá, quần áo, điện thoại di động… trong đó nhiều vụ có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Mới đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện 7 xe tải chở hàng nhập lậu từ biên giới về có trị giá gần 10 tỷ đồng, chủ yếu là các loại hàng gia dụng phục vụ Tết.

Một chủ quầy hàng trong chợ Đồng Xuân thấy tôi săm soi, hỏi rõ từng giá sản phẩm, rồi yêu cầu nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ liền tỏ ý khó chịu: “Người ta mua hàng tạ, hàng tấn còn chả hỏi. Muốn mua bánh kẹo Việt Nam có đủ bao bì, nhãn mác thì có ngay. Nhưng giá phải gấp đôi. Đã muốn rẻ lại còn đòi hỏi”.

Tại phố Hàng Buồm, sáng qua có hàng chục xe tải nhỏ biển số Nam Định, Thanh Hóa, Hòa Bình chất đầy các bao tải bánh kẹo. Một người mua hàng vui miệng bảo: “Loại bánh kẹo cân này đưa về đổ mối ở mấy chợ quê, bán chạy lắm. Nhà nào ở quê cũng mua vài cân để mừng tuổi cho đám trẻ con, đứa nào cũng thích”. Chị này cho biết quê ở Đông Hưng, Thái Bình. Chị mua hơn 2 tạ bánh kẹo cân về bán cho các hàng tạp hóa. Thấy tôi hỏi về việc bánh kẹo không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, chị chẹp miệng: “Ở quê lấy đâu ra mà ăn nhiều, mỗi trẻ 1-2 cái thì chết làm sao được”.

Ông Nguyễn Trọng Kha - Giám đốc Khối nghiên cứu phát triển (Công ty CP bánh kẹo Bibica) cho biết: “Sản phẩm của doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn khi phải cạnh tranh không lành mạnh với các sản phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Người tiêu dùng nên mua sản phẩm ở các đại lý, siêu thị có uy tín”.

TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo: “Người tiêu dùng cần cảnh giác với các loại thực phẩm có màu sắc lòe loẹt và không rõ nguồn gốc. Bánh kẹo được sản xuất thủ công, không rõ nguồn gốc sẽ không đảm bảo vệ sinh; sử dụng phụ gia được phép sử dụng. Các chất độc hại tích tụ trong cơ thể sẽ gây hại lâu dài cho sức khỏe”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem