Làm thay đổi nhận thức, tư duy
Phát biểu tại hội nghị tập huấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn khẳng định: Sau 4 năm thực hiện Quyết định 2472 và 1977/QĐ-TTg, 24 báo, tạp chí tham gia đã thực hiện tuyên truyền theo đúng tôn chỉ, mục đích của mình, khẳng định được vai trò, vị trí về văn hoá đọc đối với người dân vùng DTTSMN, góp phần giúp người đọc nâng cao nhận thức, thay đổi từ tư duy đến hành động.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tập huấn. Ảnh: Lê San
Với ưu điểm và thế mạnh của báo viết, ngoài việc chuyển tải kịp thời thông tin đến đồng bào vùng DTTSMN, vùng đặc biệt khó khăn, các báo, tạp chí còn là cẩm nang không thể thiếu giúp cán bộ, đảng viên, bộ đội biên phòng làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu và thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, nhiều bài viết được đăng trên các ấn phẩm báo chí trở thành bộ tài liệu, cẩm nang phổ biến, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trong phát triển sản xuất, chăm sóc sức khoẻ người dân vùng DTTS. “Có thể nói báo viết đối với bà con DTTS vẫn là nhu cầu rất lớn. Nhất là đối với các thôn, bản vùng lõm mà báo nói và báo hình, điện tử chưa thực hiện được” – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn cho hay.
Giúp thoát nghèo ngắn nhất cho đồng bào
Theo Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn, việc tổ chức hội nghị tập huấn trang bị nghiệp vụ về bài học thực tế báo chí cho các phóng viên, biên tập viên thực hiện QĐ 2472 là rất thiết thực và ý nghĩa. Hoạt động này không chỉ giúp các phóng viên, biên tập viên nắm chắc các kỹ năng trong tác nghiệp, mà còn giúp họ phát huy chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên ở vùng DTTSMN. “Hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao chủ yếu tập trung ở vùng DTTSMN. Để trồng cây gì, tạo ra một mô hình hiệu quả vẫn là một bài toán khó. Để bà con DTTS tiếp cận được một cách dễ hiểu, dễ làm là nhiệm vụ không đơn giản. Phóng viên viết về vùng miền núi dân tộc phải tiếp cận cơ sở, nghe bà con, trưởng thôn, trưởng bản phán ánh. Tiếp cận được suy nghĩ của bà con, biết được họ muốn cái gì, mong cái gì. Lực lượng PV trải dài từ Tây Bắc, Tây Nguyên cho đến Tây Nam Bộ, đi các nơi khác để tiếp cận các mô hình khác, từ đó đưa ra được cách định hướng, tiếp cận làm sao cho bà con dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng” – Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn đề nghị.
Ông Nguyễn Hồng Thắng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Từ khi triển khai Chương trình 135, 134, 30a…, bà con ở vùng khó khăn đã nhận được nhiều sự đầu tư cả về cơ sở vật chất và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nay cuộc sống của bà con đã dần ổn định. Nếu trước đây, ruộng chỉ cấy một vụ, nay bà con đã tăng lên 2 vụ nhờ có mương thủy lợi đầy đủ. Ngoài ra, trình độ sản xuất của bà con cũng tăng lên đáng kể, nhờ cán bộ khuyến nông xã, huyện về hướng dẫn cũng như qua kênh thông tin từ báo chí, trong đó có các báo 2472.
“Chúng tôi mong rằng báo chí sẽ tiếp tục vào cuộc để giúp tỉnh thực hiện các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông, lâm nghiệp hàng hoá hiệu quả, bền vững; khai thác tiềm năng để thu hút đầu tư, phát triển du lịch; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản…” – ông Thắng đề xuất.
Từ 24 – 27.11, học viên thuộc Chương trình 2472 được tập huấn các phương pháp truyền thông tuyên truyền các chính sách mới phục vụ đồng bào DTTS; thực trạng và giải pháp tuyên truyền về công tác dân tộc, dân chủ nhân quyền, an ninh, tôn giáo vùng DTTS. Đoàn đã đi thực tế tại 3 xã của huyện Yên Sơn và trao nhiều suất quà cho người có uy tín của các xã trên.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.